Sunday, 19th January, 2025 8:31

HÃNG TRUYỀN HÌNH NHẬT BẢN NDN VÀ CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Sau khi nghe xong lời đề nghị của NDN về khả năng mở văn phòng tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh không trả lời ngay mà chỉ hỏi: “Các hình ảnh của các anh sẽ chỉ phát ở Nhật, hay cả bên ngoài nước Nhật?”.

Vào đầu năm 1959, ở Nhật Bản dấy lên một cuộc đấu tranh đòi hỏi huỷ bỏ Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, ký ở San Franscisco. Lực lượng lãnh đạo của phong trào này là những người dân chủ và cộng sản. Và thế là diễn ra một cuộc thanh trừng trong Quốc hội, chính phủ và các tổ chức xã hội, nhất là công đoàn.rong NHK (Đài Phát thanh Nhật Bản – thuộc chính phủ), có một nhóm người tham gia phong trào này, và họ là lãnh đạo Ban Thông tin của NHK, bản thân họ là đảng viên cộng sản Nhật. Rất tiếc là họ bị phát hiện, và bị sa thải ngay lập tức. Thế nhưng, trong cái rủi có cái may. Những người đó đã thành lập một hãng sản xuất chương trình truyền hình mới mang tên Nihon Denpa News (NDN) vào ngày 2/3/1960.

NDN đã trở thành hãng quốc tế duy nhất đưa toàn bộ thông tin, hình ảnh về miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn từ khi cuộc ném bom bắt đầu (2/1965) cho đến khi Hiệp định Paris được ký. Và, tất nhiên, cho đến bây giờ, NDN vẫn là hãng gắn bó nhất với Việt Nam…

Vào năm 2013, Tuanvietnam có cuộc trò chuyện với ông Ishighaki Misao, người gia nhập NDN từ năm 1962, lúc đó là Tổng Giám đốc NDN, nhân 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

Hồ Chi Minh là người kiệt xuất trong thế hệ của ông

– Xin hỏi ông câu đầu tiên. Tại sao ông không chọn một hãng truyền hình khác, mà lại cứ là NDN?

– Tôi gia nhập NDN vào năm 1962, tức là được 51 năm rồi. Còn lý do thì đơn giản thôi: chúng tôi tham gia phong trào phản đối Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, vậy là chọn NDN vì thấy phù hợp với lý tưởng của mình nhất.

– Tôi có đọc trên mạng và được biết rằng NDN đã thành lập văn phòng tại một số nước XHCN, như Trung Quốc, Liên Xô hay Việt Nam. Lý do vì sao? Lý tưởng, hay các ông muốn tìm một lối đi riêng cho một hãng nhỏ, trong cuộc cạnh tranh với các hãng truyền hình lớn của Nhật?

– Lý do đầu tiên, anh biết rồi đấy, những người thành lập là những người theo lý tưởng cộng sản. Vào thập niên ’60, những người tiến bộ ở Nhật Bản có lý tưởng xã hội chủ nghĩa rất nhiều. Tất nhiên, bây giờ thì ít lắm.

– Tôi hiểu nguyên nhân vì sao, nên tôi sẽ không hỏi ông về sự thay đổi này. Xin ông cho biết tại sao NDN quyết định đến Hà Nội và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh?

– Người thành lập ra NDN là Yanagisawa Yasuo, vốn là phóng viên của NHK, đã đến Sài Gòn vào đầu những năm 1940, và ông thấy thích đất nước và con người Việt Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), ông lại càng ngưỡng mộ người Việt Nam.

Trong chuyến đi đến Hà Nội năm 1962, ông đi bằng đường sắt qua Lạng Sơn vào Việt Nam. Ông sang Hà Nội, và xin phỏng vấn Hồ Chí Minh là theo sự giới thiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều thú vị là hai thể chế ở miền Bắc và miền Nam đều có điểm giống nhau là không thích Mỹ, nhưng ở mức độ khác nhau. Miền Bắc thì mang tư tưởng chống Mỹ, hẳn nhiên rồi, nhưng miền Nam, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, có tư tưởng bài Mỹ.

– Có tờ báo của Việt Nam đã đưa tin rằng, theo ông Nguyễn Quý Quý (đã mất), người phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc trả lời phỏng vấn Tổng Giám đốc NDN (1962), thì chính Hồ Chủ Tịch đã gợi ý NDN thành lập văn phòng tại Hà Nội. Bởi vì ông tiên đoán rằng chắc chắn Mỹ sẽ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, và muốn NDN đưa những hình ảnh ghi được từ miền Bắc ra thế giới phương Tây. Tôi muốn xác nhận lại điều này với ông.

– Hoàn toàn không phải. Ý muốn thành lập văn phòng ở Hà Nội là của chúng tôi, và đó là lý do tại sao chúng tôi lặn lội qua ngả Trung Quốc để vào Hà Nội, và trực tiếp xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc phỏng vấn Hồ Chí Minh, chính ông Tổng Giám đốc của chúng tôi đã hỏi thẳng chuyện thành lập văn phòng tại Hà Nội.

– À ra vậy. Nghe xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ứng ra sao?

– Ông chưa trả lời ngay là đồng ý hay không. Ông chỉ hỏi: “Các hình ảnh của các anh sẽ chỉ phát ở Nhật, hay cả bên ngoài nước Nhật?”

Chỉ riêng câu hỏi đó thôi khiến chúng tôi cảm thấy rất vui.

– Tại sao?

– Nó đã chứng tỏ Hồ Chí Minh có tầm nhìn quốc tế về vai trò của báo chí. Và thực tế sau này đã minh chứng điều đó.

Văn phòng NDN được cấp phép chỉ sau hai tháng, kể từ khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8.1964). Đến tháng 12/1964, chúng tôi lập văn phòng ở Hà Nội, và tháng 2/1965, chúng tôi đã kịp quay trận ném bom phải hoại đầu tiên của Mỹ ra miền Bắc – trận Đồng Hới.

7/2/1965, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ bắt đầu bằng cuộc ném bom vào thị xã Đồng Hới. Những hình ảnh NDN đã biên tập và phát trên truyền hình Nhật Bản đã chính thức công bố với thế giới rằng Mỹ đã khai mào cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Tất cả các đài tuyền hình của Nhật Bản đều phát những hình ảnh này. Riêng Mỹ có 3 đài truyền hình phát thông tin này. Còn ở châu Âu có bao nhiêu đài thì tôi không nhớ được.

– Nhân tiện, xin được hỏi ông, cảm nhận của ông về Hồ Chí Minh thế nào?

– Rất tiếc là tôi không kịp gặp Hồ Chí Minh, vì tôi sang Hà Nội chỉ được 2 tuần thì ông mất. Vì vậy, thay vì được phỏng vấn ông như tôi đã dự định trước khi sang, tôi đã phải quay lễ tang của ông.

Riêng tôi, tôi cũng nghĩ Hồ Chí Minh cũng là một con người. Nhưng là một con người kiệt xuất trong thế hệ của ông. Thực ra, thời đại Hồ Chí Minh chủ yếu là thành công, nhưng cũng có những thất bại. Điều quan trọng là Hồ Chí Minh nhận ra thất bại và sửa chữa.

– Ví dụ?

– Ví dụ như cải cách ruộng đất. Nhận ra sai lầm, thừa nhận nó và quyết tâm sửa chữa là phẩm chất của những lãnh đạo có tầm cỡ.

– Xin hỏi ông, hồi đó có bao nhiêu hãng tin quốc tế ở miền Bắc?

– Có AFP là hãng thông tấn, chỉ đưa tin và ảnh. Còn các hãng thông tấn của Cuba, Liên Xô, Đức, hay Trung Quốc thì vai trò thông tin chỉ có giá trị tuyên truyền nội bộ, trong các nước XHCN thôi. Nói chung là ít tác dụng.

NDN là hãng duy nhất làm phim thời sự, và sản xuất nhiều tin ảnh.

– Tôi có nói chuyện với những người như Giáo sư Yoshiharu Tsuboi, và biết rằng ông ấy có tham gia phong trào sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam từ năm 1968. Tôi nghĩ phong trào này được khởi xướng có phần lớn xuất phát từ những hình ảnh NDN đưa về từ Việt Nam. Có đúng không?

– Thật khó cho chúng tôi khi nói về mình, nhưng toàn bộ tin thời sự ở Việt Nam đều do chúng tôi thực hiện hết. Ngoài phát trên truyền hình, chúng tôi biên tập thành những bộ phim tài liệu chiếu ở rạp, và phát cho những nhóm chống chiến tranh đi chiếu lưu động.

Có những bộ phim sau này được Việt Nam phát lại như “Hà Nội chiến đấu”, “Phản đối Nixon”, “Sự thật chiến tranh”… Mỹ, và châu Âu sử dụng rất nhiều phim của chúng tôi, vì chúng tôi là duy nhất. Chúng tôi là hãng nhỏ, nhưng riêng về chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi là Số Một.

Chúng tôi có thống kê lại, tính đến 1980, chúng tôi đã sản xuất 1400 đầu mục quay bằng phim nhựa về Việt Nam. Đó là chưa tính tới những sản phẩm video, và cả những sản phẩm mà một phần tư liệu mua của phía Việt Nam.

– Phương Tây thường nhìn nhận rằng báo chí ở các nước xã hội chủ nghĩa thường nặng về tuyên truyền. Là một hãng truyền hình được phép lập văn phòng thường trú ở một nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làm sao các ông có thể thuyết phục được các đài truyền hình Nhật Bản và phương Tây, cũng như khán giả, rằng NDN đưa tin trung thực và khách quan, chứ không phải tuyên truyền hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?

– Những người làm chuyên môn truyền hình rất dễ phân biệt những hình ảnh thực và những hình ảnh dàn dựng để tuyên truyền. Chẳng hạn, chúng tôi thường quay những hình ảnh cuộc sống, sinh hoạt của những người dân bình thường, và những hình ảnh khi họ chiến đấu với không quân Mỹ.

Còn sự đồng cảm với sự khổ cực của người dân miền Bắc lúc đó là có thật, bởi chúng tôi cũng có cuộc sống khổ cực. Ở Khách sạn Thống Nhất khác xa với Sofitel Metropole bây giờ, nhiều khi cũng phải ăn thực phẩm đã hơi bốc mùi, còn gạo mì thì lẫn với mọt…

– Tôi vẫn muốn hỏi là khi những bộ phim đầu tiên được mang đi chào hàng cho các hãng truyền hình của Mỹ như CBS, ABC, hay NBC, họ có tỏ thái độ nghi hoặc gì không?

– Những hình ảnh về chiến tranh mà chúng tôi quay đều là những hình ảnh được phép quay. Những đài truyền hình của Mỹ biết rõ trong thời chiến, những hình ảnh nào là hình ảnh được phép quay. Chúng tôi chỉ được phép quay cảnh bắn phá, huỷ hoại làng mạc, khu dân cư, bên cạnh những sinh hoạt bình thường của người dân trong thời chiến.

Trong chiến tranh, bí mật là hàng đầu, nên chúng tôi không được phép đến những địa điểm quân sự, không được phép quay các hoạt động quân sự. Nếu chúng tôi mà có những hình ảnh đó, chắc chắn là tuyên truyền rồi.

Ví dụ, cuối năm 1974, chúng tôi được đến Đông Hà quay phim. Sau này, tôi mới biết là lúc đó bộ đội miền Bắc đang chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975, chứ lúc đó thấy những đoàn quân, đoàn xe, xe tăng nườm nượp di chuyển vào phía Nam. Nhưng tuyệt đối chúng tôi không được hướng ống kính về phía đó.

– Khi đưa những hình ảnh từ miền Bắc cộng sản về Nhật, rồi bán sang Âu – Mỹ, các ông có gặp rắc rối gì với chính quyền Nhật lúc đó không?

– Nói chung, chính phủ Nhật không có cảnh báo gì chúng tôi cả. Chỉ có những tờ báo của phe đối lập thì lên tiếng nọ kia thôi.

Chẳng hạn, khi NDN đưa tin Mỹ ném bom phá huỷ bệnh viện Quỳnh Lập (Nghệ An), có một tờ báo Nhật Bản là Mainichi đã viết rằng chúng tôi dàn dựng trong studio.

Chỉ khi chúng tôi bộ phim mang đi triển lãm quốc tế ở Stokkholm và Copenhaghen, cũng như chúng tôi mang phim đi chiếu ở những địa điểm công cộng, phục vụ biểu tình phản chiến, thì mọi chuyện mới hai năm rõ mười.

– Thế còn mật vụ Nhật thì sao?

– Họ thường có mặt tại những nơi chúng tôi chiếu phim và theo dõi rất kỹ.

– Mật vụ Nhật Bản có làm khó dễ gì người chiếu và người xem không?

– Họ chỉ bám theo khi chúng tôi chở máy đi chiếu lưu động. Hay trước văn phòng NDN có mấy chú mật vụ luôn lảng vảng quanh đó thôi. Chắc họ nghĩ chúng tôi là một nhóm cộng sản đang âm mưu gì đó.

– Có bao giờ NDN bị cảnh sát triệu tập lên làm việc không?

Cũng chẳng có gì nghiêm trọng cả. Chẳng hạn, khi tôi mới từ Hà Nội về, rủ bạn bè đến quán bia để kể những điều thú vị, chắc mật vụ ngồi gần đó nghe thấy. Sau đó, họ cũng gọi điện đến, hỏi han linh tinh về chuyện nọ chuyện kia thôi. Nhưng, nói chung, không có điều gì xảy ra cả.

– Thế Nhà Trắng có gây sức ép gì với chính phủ Nhật không?

– Tôi không biết. Chúng tôi chỉ được các đồng nghiệp Nhật, tác nghiệp ở Mỹ, có kể lại rằng trong một buổi họp báo ở Nhà Trắng, đại diện Nhà Trắng đã hỏi phóng viên Nhật hãng Nihon Denpa News (NDN) là hãng nào mà toàn đưa những tin “chống Mỹ” như vậy.

Sau này, chúng tôi vẫn có “duyên nợ” với những cuộc chiến tranh của Mỹ. Sau Việt Nam, là Afganistan, hay Iraq. Văn phòng Báo chí Nhà Trắng đã đặt câu hỏi NDN là hãng nào mà táo tợn đến vậy, Mỹ gây chiến ở đâu NDN có mặt ở đó.

Ở Nhật có câu ngạn ngữ là “cái hình nhân này làm cho người ta sợ hãi”, và NDN là hình nhân đó đối với Nhà Trắng.

– Lúc đó, chính quyền Mỹ có động thái gì với NDN không?

– Tôi còn nhớ có ba lần phim chúng tôi gửi về Tokyo, hồi đó chưa có đường bay thẳng, đã bị phía Mỹ can thiệp thu giữ. Tôi nhớ rõ là một lần ở Bangkok, một lần ở Moscow, khoảng năm 1968.

– Ở Băngkok thì tôi có thể hiểu. Tôi cứ tưởng lúc đó Liên Xô là đồng minh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đối thủ chính của Mỹ trong Chiến tranh lạnh thì làm sao họ lại giúp Mỹ được?

– Cuộc sống ở Moscow lúc đó khó khăn lắm. Dường như người Mỹ đã dùng tiền hối lộ những người liên quan đến việc chuyển phim, và thùng đựng phim của chúng tôi là đã bị thất lạc.

– Ông tin chắc chứ?

– Tôi có hai lý do để tin là có sự can thiệp của Mỹ.

Thứ nhất, lần đó chúng tôi quay cảnh Mỹ đưa trực thăng vào miền Bắc để giải cứu tù binh Mỹ, nhưng bất thành. Người Mỹ sợ những hình ảnh đó được phát đi toàn thế giới.

Thứ hai, chúng tôi đã mất cảnh giác là báo trước cho các đài truyền hình của Nhật, và của Mỹ như ABC, CBS và NBC là có những hình ảnh này. Thông tin về những thùng phim đã như thế đã bị tiết lộ.

– Phong trào phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam ở Nhật Bản bắt đầu từ bao giờ?

– Có thể nói khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Trên truyền hình Nhật Bản chỉ sau đó ít ngày có phát hình trận ném bom xuống Đồng Hới vào ngày 7/2/1965.

Bình luận viên của Đài TBS mà chúng tôi đưa vào miền Bắc đã bình luận ngay trên đống đổ nát ở Đồng Hới sau trận ném bom. Cùng với những hình ảnh chúng tôi quay được, lời bình luận này đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh với người dân Nhật Bản.

Ngay cả người Mỹ khi xem những hình ảnh này trên truyền hình Mỹ, cũng bắt đầu đặt câu hỏi về cuộc leo thang của Mỹ ra miền Bắc, liệu có đúng như họ nói là triệt phá ý đồ xâm lược miền Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay không.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đưa các bình luận viên của tất cả các đài truyền hình Nhật Bản, kể cả NHK, vào Hà Nội. Bên cạnh những hình ảnh chúng tôi chủ động quay và sau đó chào bán cho các đài, chúng tôi đề xuất từng chủ đề với các đài, và nếu đồng ý, họ cử bình luận viên theo chúng tôi vào Hà Nội. Hoặc có khi họ chủ động đề xuất với chúng tôi.

– Phong trào phản chiến ở Nhật Bản đã tác động thế nào đến chính phủ Nhật?

– Nhờ những hình ảnh chúng tôi quay được về xác máy bay có dòng chữ Yokohama, là căn cứ của Mỹ trên đất Nhật, mà người dân Nhật phản đối rất dữ dội về việc một nạn nhân của hai quả bom nguyên tử của Mỹ lại làm tay sai cho chính thủ phạm để huỷ diệt một dân tộc khác.

Nhưng, nói chung, có thể nói là phong trào phản chiến ở Nhật, trong đó có sự góp sức của chúng tôi, đã hoà cùng, và tương tác với các phong trào phản chiến ở châu Âu, và nhất là ngay trên đất Mỹ. Phong trào rộng lớn này đã góp phần buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, và sau đó ký kết hiện định hoà bình Paris để rút quân khỏi Việt Nam.

– Ấn tượng của ông khi Hiệp định Paris được ký?

– Tôi đã chứng kiến và quay nhiều cuộc bắn pháo hoa. Pháo hoa Trung Quốc rất đẹp, pháo hoa Nhật Bản cũng tuyệt vời. Nhưng cuộc bắn pháo hoa vào ngày 18.1.1973, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, để chào mừng Hiệp định Paris, là cuộc bắn pháo hoa đẹp nhất thế giới.

Tôi đã quay được những dòng người nô nức kéo về khu vực hồ Hoàn Kiếm, rồi vẻ mặt hân hoan, rạng ngời của họ ngước lên bầu trời – một bầu trời đầy ánh sáng không phải của bom đạn mà là hoà bình.

– Sau bao lâu kể từ ngày 30/4/1975, NDN có mặt ở Sài Gòn?

– Vào ngày 30/4/1975, tôi đang quay phim ở Paris. Tuy nhiên, NDN đã cử phóng viên tăng cường vào Hà Nội, và chạy xe co măng ca theo đoàn quân giải phóng. Tức là bộ đội giải phóng một địa phương thì chúng tôi có mặt ngay. Họ có mặt ở Sài Gòn ngay vào ngày đầu của tháng 5/1975.

Tôi vào Sài Gòn 1-2 tháng sau đó để làm bộ phim tài liệu “Việt Nam thống nhất”. Lần đó, tôi đã tin rằng nền hoà bình đã trở lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam…

Nhưng, tiếc thay, tôi lại phải chứng kiến tiếp hai cuộc chiến tranh nữa đối với với nhân dân Việt Nam. Tôi là quay phim chính của NDN trong cuộc chiến biên giới phía Tây Nam cuối năm 1978, và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ngay đầu năm sau.

– Cả hai cuộc chiến?

– Tôi quay cả cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ, khi bộ đội Việt Nam sang giúp Campuchia, và quay hình ảnh tập đoàn Pol Pot chạy khỏi Phnom Penh vào đầu năm 1979. Và sau khi Phnom Penh được giải phóng, văn phòng NDN được thành lập ở đó. Chúng tôi lúc đó là phóng viên chiến trường, làm 4 chương trình phóng sự lớn, và rất hay, về giải phóng Phnom Penh.

Thế rồi, ngay sau đó, lại xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Tôi vừa về Hà Nội, từ Phnom Penh, nên được cử lên Lạng Sơn quay phim.

Hình ảnh tôi nhớ nhất lại là một biển người (Trung Quốc) tràn sang Việt Nam. Lúc đó, tôi đi cùng với nhóm quay phim của Canada, để phát trên truyền hình Mỹ và Canada. Đạn hai bên bắn nhau ầm ầm trên đầu chúng tôi.

Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với nhóm Canada, chứ Văn phòng NDN vẫn cử người lên và chương trình của họ được phát ở Nhật.

– Trong giai đoạn Việt Nam bị cô lập từ cuối những năm ’70 đến đầu những năm ’90, NDN làm gì tại Việt Nam?

– Chủ yếu là đề tài kinh tế. Thời sự chủ yếu là cuộc sống của người dân và thuyền nhân, quả trình cải tạo công thương nghiệp, và xây dựng kinh tế mới.

Đó là thời kỳ khó khăn nhất, nghèo nhất, gạo thiếu, Mỹ, Nhật, và các nước phương Tây bao vây cấm vận, và, đặc biệt, là tác động của chủ nghĩa đại bá của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Cả Mỹ và Trung Quốc, mỗi nước vì một lý do, đã đẩy Việt Nam vào thời kỳ khó khăn nhất. Rất nhiều người đi khỏi Việt Nam đi tị nạn vì lý do kinh tế.

– Thế đến đầu những năm 1990, khi các hãng nước ngoài được cho phép vào Hà Nội lập văn phòng thường trú, vai trò của NDN thay đổi thế nào?

– Chúng tôi lúc đó hạn chế làm thời sự,mà chuyển sang làm phóng sự với tư cách là chuyên gia về Việt Nam. Các hãng mời chúng tôi làm rất nhiều. Chúng tôi có kinh nghiệm về Việt Nam, và đặc biệt vì đã sát cánh với họ trong thời kỳ khó khăn nhất nên dễ nhận được sự thông hiểu.

– Hiện nay, với tư cách là hãng sản xuất truyền hình có 50 năm kinh nghiệm về đưa tin chiến sự, các ông có theo dõi tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc không?

– Tôi nghĩ nó cũng giống như sự căng thẳng của Nhật Bản và Trung Quốc trên biển, nên chúng tôi rất quan tâm. Sự quan tâm này đến mức độ là năm ngoái, khi đến Hà Nội, chúng tôi đã đến gặp ông Lương Thanh Nghị (Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao), một người bạn cũ của NDN, đề nghị rằng nếu chính phủ Việt Nam cho phép làm phim về đề tài biển đảo, xin hãy ưu tiên cho NDN.

– Ông nghĩ gì về việc cho tới hiện nay, chưa có hãng truyền thông nước ngoài nào được cấp phép thực hiện chương trình về biển đảo?

– Tôi biết đây là vấn đề quan hệ quốc gia nên khá nhạy cảm và phức tạp. Chẳng hạn, đối với Nhật Bản tranh chấp không chỉ với Trung Quốc, mà cả Hàn Quốc, hay Nga, nữa.

– Dường như trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rất có ý muốn đưa thông tin ra thế giới, tuy khả năng rất hạn chế, để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới. Và, dù đưa tin hoàn toàn khách quan, NDN đã tham gia tích cực vào việc đó.

– Ông có nghĩ rằng trong cuộc đấu tranh chủ quyền Biển Đông, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong một điều kiện khách quan thuận lợi hơn rất nhiều lần, cũng nên làm một điều tương tự?

– Tôi nghĩ vấn đề biên giới lãnh thổ nó khác so với cuộc Chiến tranh Việt Nam, bởi có nhiều nước liên quan. Tôi chưa thể nói trước điều gì.

– Nếu trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, các ông quay những hình ảnh máy bay Mỹ ném bom trường học, bệnh viện, khu dân cư, hay đê điều, tức là không phải những mục tiêu quân sự như phía Mỹ vẫn tuyên bố, thì những hình ảnh ngư dân Việt Nam bị thu bắt giữ, bị cướp tàu thuyền, ngư cụ…, có những điểm tương tự như vậy. Tiếng nói của một bên thứ ba bao giờ cũng được coi là khách quan và thuyết phục hơn.

– Chúng tôi rất muốn đến tận nơi để tìm hiểu sự thật, và từ đó mới có thể bình luận được. Một khi Việt Nam tin vào lẽ phải của mình, thì rất nên sớm cho phép truyền thông làm chuyện đó.

– Lý do tại sao ông lại muốn NDN là hãng nước ngoài đầu tiên được phép làm về vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông? Có phải các ông tự tin rằng NDN thuyết phục được cả phía Việt Nam lẫn phương Tây về tính khách quan trong việc đưa tin từ miền Bắc?

– Hãng nào chẳng muốn đi đầu về thông tin. Hơn nữa, nếu chúng tôi có mặt, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu sự thật và đưa tin về sự hiện diện của người dân của một quốc gia ở những quần đảo đó từ bao giờ, và quá trình thụ đắc đã diễn ra như thế nào.

Chẳng hạn, khi đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đầu năm 1979, rõ ràng chúng tôi quay được hình ảnh quân Trung Quốc vượt qua các cột mốc biên giới vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải quân đội Việt Nam vượt sang lãnh thổ Trung Quốc. Người xem biết ngay ai xâm lược ai.

– Xin cảm ơn ông, và chúc dự định của ông sớm được thực hiện.

NGUỒN: VIETNAMNET