Huyền Sử Vua Đinh là một bộ phim thuộc đề tài lịch sử của Việt Nam, được giới thiệu là “mang tới góc nhìn mới mô tả câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.” Vậy nên, ít nhiều khán giả đã có phần háo hức chờ mong về sự thành công của dự án điện ảnh về sử Việt – mảng đề tài khó và hiếm hoi trong thị trường điện ảnh nhiều năm nay
Thế nhưng, sau khi ra rạp Huyền Sử Vua Đinh lại không được như kì vọng, nếu không muốn nói là thảm hoạ. Chẳng những bộ phim chỉ thu về 45 triệu đồng sau 5 ngày công chiếu mà nó còn nhận được hàng tấn gạch đá chê bai.
Bà Nguyễn Thúy Lành – Giám đốc sản xuất phim Huyền Sử Vua Đinh khi được cán bộ phòng phát hành của Cục điện ảnh đặt câu hỏi: “Đây là bộ phim đầu tay em sản xuất để ra rạp, sao lại chọn đề tài khó thế?”
Bà Lành đã trả lời, vâng, rất hào hùng: “Nếu không ai dám làm thì phim lịch sử Việt Nam sẽ đi về đâu??? Các thế hệ tương lai sẽ đón nhận lịch sử bằng cách nào để có thể yêu thích và tự hào về nó? Tôi và Ekip sẵn sàng đón nhận tất cả những khen chê của khán giả, miễn là phim được ra rạp và góp phần nhỏ bé trong việc đưa lịch sử Việt Nam và lòng tự hào dân tộc đến gần hơn với quần chúng.”
Vậy, liệu rằng có phải khán giả Việt khó tính, quay lưng với lịch sử dân tộc và cố tình soi mói, ném đá các tác phẩm Việt?
Không phải vậy các bạn ạ! Khán giả Việt không ủng hộ, thậm chí phê phán chê bai phim hoàn toàn có lý do xác đáng. Đó là Huyền sử vua Đinh là một bộ phim mang danh là “đem sử Việt lên màn ảnh”, tuy nhiên cốt truyện chán ngắt – không có điểm nhấn, chỉ mang hình thức kể truyện thông thường. Bộ phim thậm chí còn được đầu tư qua loa, cẩu thả – không hề có cái gì gọi là tâm huyết ở đâu. Phim vướng phải những lỗi rất ngớ ngẩn và sơ đẳng như diễn viên có người còn nhuộm tóc xanh tóc đỏ, vô số các đồ vật của thời hiện đại xuất hiện nhiều trong phim như trụ điện, bóng đèn, nhà cấp 4 … Thậm chí, hoá trang râu tóc cho nhân vật thì qua loa đại với mức giả trân còn thua cả bên tuồng chèo. Hay ngay cảcờ vua họ Đinh thì biến thành Đăng.
Quả là “chữ Tác đánh thành chữ Tộ” vậy!
Vậy nên, có thể nói, Huyền sử vua Đinh cũng như Phượng Khấu, đều luôn miệng nói “dũng cảm chủ động khai thác đề tài sử Việt” và “dốc hết tâm huyết vào từng thước phim” – nhưng thực tế là đang “mượn danh lịch sử để kinh doanh”. Thậm chí, Huyền sử vua Đinh còn thua cả Phượng Khấu ở độ chỉn chu và khâu đầu tư, là “thảm hoạ trong thảm hoạ”.
Nói các bạn nghe. Không phải ngẫu nhiên mà “Đêm hội Long trì”, của cố đạo diễn Hải Ninh, mặc dù ra mắt từ năm 1989 song đến nay vẫn là một trong những thành công lớn của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới, được các nhà phê bình đánh giá đây là phim dã sử – cổ trang kinh điển nhất của thế kỷ XX.
Tại sao ư? Vì bộ phim này tiếp cận lịch sử Việt với thái độ nghiêm túc và trân trọng, tâm huyết. Đêm hội Long Trì quy tụ dàn diễn viên xuất sắc, nghiên cứu tỉ mỉ về bối cảnh lịch sử và chuyển thể thành công nó lên màn ảnh một câu chuyện vốn đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mô tả đầy lôi cuốn về những mưu mô chốn cung đình.
Rõ ràng, đề tài lịch sử là đề tài khó, hoan nghênh những người dũng cảm đi tiên phong, n hưng ít nhất nhà sản xuất phải tiếp cận lịch sử với thái độ tôn trọng đúng mực, dành thời gian và tâm huyết của mình vào đấy – Chứ không phải là thái độ hời hợt qua loa, đưa những thước phim thiếu sức sống, thậm chí là ngớ ngẩn vào để lừa dối khán giả với danh nghĩa để “thế hệ tương lai tiếp cận lịch sử dân tộc”.
Không, làm gì có lịch sử nào lạ thế. Thậm chí ngay cả huyền sử, dã sử … trên phim ảnh – nếu là một bộ phim nghiêm túc thì Sử Việt làm gì có những quả tóc highlight xanh đỏ tím vàng, làm gì quân lính mang kính cận thị, râu tóc ất ơ dán ghép qua loa như là tuồng chèo 3 xu như thế.
Vậy, đó chỉ có thể hành vi “mượn danh lịch sử” mà thôi!
Và văn hóa “mượn danh lịch sử” để PR cho sản phẩm của mình là không thiếu ở Việt Nam. Lấy ví dụ như một game thẻ bài có tên là Sử Hộ Vương, được NSX giới thiệu thì đây là tựa game mang yếu tố lịch sử Việt Nam (?) nhưng tạo hình, nét vẽ thì thể hiện điều ngược lại. Các nhân vật lịch sử Việt Nam hiện ra trong thẻ bài với các tạo hình lệch lạc, ngớ ngẩn. Nhân vật thì tóc nhuộm xanh đỏ tím vàng đủ màu bắt mắt. Nam thì hoặc biến thái hoặc quỷ dị. Nữ thì hở mông hở ngực như ảnh thẻ 18+ rẻ tiền. Đó nào phải là nhân vật lịch sử của Việt Nam, đó đơn giản chỉ là thứ hình ảnh tục tằng pha trộn văn hoá ngoại lai nhưng được gắn cho cái tên là nhân vật lịch sử Việt Nam mà thôi!
Để giải thích cho thắc mắc này từ cộng đồng mạng, Founder của Sử Hộ Vương, Phạm Vĩnh Lộc cho rằng: Hình ảnh kiểu này là thị hiếu của dân Việt Nam. Đã có khoảng cách giữa hai thế hệ nên người già và lớp trẻ có cái nhìn khác nhau về mặt thể hiện hình ảnh của Sử Hội Vương. Một founder khác của Sử Hộ Vương là Phương Thảo cho rằng cô và ekip làm Sử Hộ Vương đang đại diện cho ước mơ của rất nhiều người trẻ tuổi về một cách tiếp cận lịch sử hoàn toàn mới (?) Thảo tin rằng việc làm của mình sẽ giúp cho giới trẻ Việt Nam tìm hiểu thêm về lịch sử, yêu hơn lịch sử dân tộc.
Làm gì có lịch sử Việt Nam nào lạ kỳ như thế? Lẽ dĩ nhiên, Sử Hộ Vương đã bị cộng đồng các bạn trẻ Việt Nam yêu lịch sử dân tộc tẩy chay tới cùng. Nguyên nhân là gì ư? Tôi nói cho các fan của Sử Hộ Vương biết này, nguyên nhân không phải là vì “cổ hủ, cứng nhắc”, mà đơn giản chúng tôi tẩy chay về việc NSX cố tình mượn danh lịch sử để PR và kinh doanh sản phẩm.
“Ai ở đây đã thấy Quang Trung chưa ạ?” – Ừ, chưa ai thấy thật, nhưng nếu đã mang hình ảnh người anh hùng áo vải của dân tộc ra để cho sản phẩm thu hút, cần phải có trách nhiệm với hình ảnh đó. Không thể tùy tiện mang vị hoàng đế lẫy lừng của Việt Nam ra bôi bác, gắn liền với hình ảnh một gã xăm trổ ngáo ngơ được, càng không được phép xuyên tạc về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Lịch sử có nhiều cách tiếp cận, nhưng đã nhân danh lịch sử, thì ít nhất trong đấy phải có dấu tích lịch sử. Lịch sử không thể chiều lòng theo thị hiếu được, vì lịch sử thì chỉ có một nhưng thị hiếu thay đổi theo từng thời kỳ.
Tôi từng viết về chủ đề này, sau bài viết của tôi có một bạn trẻ đã từng hỏi: Vậy trong trường hợp đó nên làm gì? Tôi đáp: Làm ơn đừng mượn danh lịch sử, nhân danh văn hóa để đi kinh doanh trên thị hiếu giới trẻ nữa. Ngày hôm sau, Sử Hội Vương đã chỉnh sửa lại phần mô tả game. Rằng: “Câu chuyện Sử Hộ Vương lấy bối cảnh thời hiện đại – với các nhân vật hoàn toàn hư cấu, lấy cảm hứng từ lịch sử, huyền sử, nếu có “vô tình” giống với nhân vật nào thì hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên.”
Không còn “mượn danh lịch sử Việt Nam” để câu view được nữa, Sử Hộ Vương cũng chìm dần trong dòng chảy trên không gian mạng. Và gần đây nhất, là bị xoá sổ hắn!
Truyện hay phim dù là giải trí nhưng cũng nên bao hàm cả tư tưởng văn hóa. Sức sống, tinh thần phấn đấu, những giá trị nhân văn, hướng thiện – luôn cần là điểm nhấn quan trọng trong một tác phẩm.
Nếu mang danh là sử Việt, vậy thì làm ơn tiếp cận nó với thái độ nghiêm túc, cầu thị và tôn trọng – tuyệt đối đừng cẩu thả qua loa.
Đừng mượn danh lịch sử để kinh doanh, cũng như đừng vì chạy theo thị hiếu mà bôi đen lịch sử, bán rẻ văn hóa!
NGUỒN: ĐẠO SĨ