Saturday, 21st December, 2024 23:01

Năm 1993, 10 tổ chức tự nhận là hoạt động vì nhân quyền trên thế giới đã đứng ra thành lập cái gọi là “giải thưởng Martin Ennals” để trao cho người được họ cho rằng “đã thể hiện thành tích xuất sắc trong việc chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền bằng những biện pháp can đảm, cần được bảo vệ”!

MỘT "GIẢI THƯỞNG XÚC PHẠM NHÂN QUYỀN"

Từ trái sang phải: Trần Quỳnh Vi, Bùi Thị Thiện Căn, Will Nguyễn; Geneva, ngày 24/5/2022. (Ảnh: tự chụp màn hình)

Từ đó đến nay, “giải thưởng” này liên tục được trao, được tán tụng là “giải Nobel về nhân quyền”! Xét từ ý nghĩa chân chính của nhân quyền, việc lập ra và trao một giải thưởng về nhân quyền là cần thiết, tuy nhiên nhìn vào danh sách 10 tổ chức lập “giải thưởng Martin Ennals” như Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI), Liên đoàn quốc tế nhân quyền (FIDH), Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền (FLD), Hệ thống tài liệu và thông tin nhân quyền (HURIDOCS),… có thể hiểu “giải thưởng Martin Ennals” ra đời nhằm mục đích gì. Bởi hoạt động nhiều năm nay của HRW, AI, FIDH, FLD, HURIDOCS,… cho thấy những tổ chức này chủ yếu nấp bóng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia và chiếm tỷ lệ cao trong số người được các tổ chức này ca ngợi, bảo vệ, trao giải thưởng là người đã vi phạm pháp luật của chính đất nước họ và phải nhận án tù!

Điểm danh số người được trao “giải thưởng Martin Ennals” từ năm 1994 đến năm 2022, sẽ thấy chủ yếu đến từ các quốc gia vốn nằm trong “tầm ngắm” hoặc đã lựa chọn đường hướng phát triển không theo ý muốn của một số thế lực quốc tế. Tuyệt nhiên không thấy người ở các quốc gia có tình trạng nhân quyền đáng lo ngại nhưng lâu nay HRW, AI, FIDH, FLD, HURIDOCS,… vẫn tảng lờ. Có hai lý do đưa tới kết quả này: một là “giám khảo giải thưởng Martin Ennals” gồm thành viên các tổ chức lập “giải thưởng” nên chắc chắn chỉ lựa chọn người phù hợp mục đích của họ; hai là thông tin dựa vào để đánh giá, lựa chọn người trao giải dù được quảng bá “bao gồm các tổ chức đang hoạt động ở mọi nơi trên thế giới” nhưng điểm danh chỉ thấy chủ yếu lượm lặt ở châu Phi, châu Á (như: Viện nhân quyền Cairo, Trung tâm nghiên cứu nhân quyền và dân chủ châu Phi, Dự án bảo vệ nhân quyền đông và sừng châu Phi, Ủy ban nhân quyền châu Á, Diễn đàn châu Á…). Nên không có ý nghĩa nào khác, về bản chất, “giải thưởng Martin Ennals” chỉ là biến dạng của thứ tiêu chuẩn kép mà từ khi ra đời đến nay HRW, AI, FIDH, FLD, HURIDOCS,… vẫn luôn luôn theo đuổi.

Vì thế, việc trao “giải thưởng Martin Ennals” năm 2022 cho Phạm Đoan Trang – một người vi phạm luật Việt Nam và phải nhận án tù, cũng không phải là điều gì lạ lẫm. Cáo trạng tại phiên tòa do Tòa án nhân dân TP Hà Nội tổ chức ngày 14/12/2021 đã chỉ rõ: “Phạm Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, nên việc Phạm Đoan Trang phải nhận bản án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 là thích đáng. Và cơ quan hành pháp của Việt Nam đã nghiêm túc thực thi pháp luật nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia. AI, HRW, FLD, FIDH, HURIDOCS,… cố bênh vực, tô vẽ cho Phạm Đoan Trang bằng một “giải thưởng” thì chỉ càng chứng minh các tổ chức này đã và đang xúc phạm nhân quyền, và lợi dụng nhân quyền để làm điều xấu!

NGUỒN: NHÂNDÂN