Thursday, 26th December, 2024 3:52

NGÀY 11/9, SUY NGHĨ VỀ CHIẾN TRANH

Từ sự kiện 11/9 ở Mỹ, ngẫm lại vẫn thấy một vòng luẩn quẩn: Con người là nạn nhân của chiến tranh, mà chiến tranh – bạo lực – xung đột lại do chính con người gây ra. Vậy chính con người đang tự tiêu diệt lẫn nhau vì mục đích gì, vì lợi ích gì và có vì hạnh phúc của nhân loại?

11/9, nước Mỹ kỷ niệm ngày diễn ra cuộc khủng bố tàn bạo làm cả thế giới kinh hoàng. Sự kinh hoàng là bởi nó diễn ra ngay tại Washington – những tưởng là một thành trì bất khả xâm phạm của một cường quốc như Mỹ với cách thức tiến hành cuộc khủng bố một cách bài bản, liều lĩnh, điên cuồng. Sự kiện ngày 11/9/2001 đã được Nhà Trắng thốt lên như một ngày đen tối nhất trong lịch sử đất nước và nó như một nhát dao đâm đớn đau vào niềm kiêu hãnh của một siêu cường từ trước đến nay chỉ có “đem quân đi đánh xứ người” như Mỹ.

Từ sự kiện đó, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công và truy lùng khủng bố trên khắp thế giới, mà tập trung vào tổ chức Al Qaeda và trùm khủng bố Osama Bin Laden. Ngay sau đó, lấy lý do liên quan đến khủng bố, Mỹ đã phát động cuộc tấn công Iraq, lật đổ chính quyền của Tổng thống nước này Saddam Hussein. Và phải mãi chục năm sau đó, theo như tuyên bố của Mỹ, trùm khủng bố Bin Laden mới bị tiêu diệt. Thế nhưng, khủng bố cũng không vì thế mà chấm dứt và đi cùng với nó là những diễn biến phức tạp, khó lường.

Sau cuộc chiến Iraq, Mỹ tiếp tục phát động cuộc chiến ở Afghanistan, rồi Libya và hiện nay đang sục sôi kế hoạch tấn công vào Syria. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, khủng bố và bạo lực vẫn là những bóng ma lởn vởn ở khắp nơi. Máu và nước mắt vẫn đổ, bom đạn vẫn gầm xé, bệnh tật và đói nghèo vẫn dai dẳng đeo bám những dân tộc là nạn nhân của chiến tranh và xung đột. Những hệ lụy đó dường như không thể chấm dứt do sự tự ái của một cường quốc, hay do vì những lợi ích chính trị và quyền lợi bao trùm trái đất này?

Từ trước đến nay, có những cuộc chiến tranh chính nghĩa và cũng không ít các cuộc chiến phi nghĩa đã diễn ra trong lịch sử nhân loại. Nhưng cho dù diễn ra dưới bất kỳ nguyên do gì thì khi xảy ra chiến tranh, những người lính của hai bên chiến tuyến vẫn sẽ phải cầm súng chĩa về nhau để phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Không riêng gì các nước khác, ngay cả với nước Mỹ, sẽ có nhiều người vợ mất chồng, con mất cha và những người lính trở về với tấm thân không lành lặn. Nạn nhân thực sự của chiến tranh, khủng bố hay xung đột vẫn là chính con người.

Cuộc khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ với hình ảnh tòa tháp đôi bốc cháy, sụp đổ; thân xác những nạn nhân rơi lả tả từ độ cao hàng trăm mét xuống đất vẫn không thể phai mờ trong tâm trí của triệu triệu con người. Và cho dù xảy ra cách đây hơn một thập niên, nhưng chắc chắn trong nhiều năm sau này, mọi người vẫn sẽ nhớ và nhắc đến nó như một nỗi đau ám ảnh.

Ở ngay chân của tòa tháp đôi bị đổ sụp do khủng bố ngày 11/9, một đài tưởng niệm các nạn nhân và những người thiệt mạng khi cứu chữa thảm họa đã được dựng lên. Đó là ở nước Mỹ. Vậy còn ở các nước khác là nạn nhân chiến tranh do Mỹ phát động, đài tưởng niệm những người dân vô tội – nạn nhân của chiến tranh – được dựng lên ở đâu?

Từ sự kiện 11/9 ở Mỹ, ngẫm lại vẫn thấy một vòng luẩn quẩn: Con người là nạn nhân của chiến tranh, mà chiến tranh – bạo lực – xung đột lại do chính con người gây ra. Vậy chính con người đang tự tiêu diệt lẫn nhau vì mục đích gì, vì lợi ích gì và có vì hạnh phúc của nhân loại?

 

NGUỒN: VOV