Saturday, 21st December, 2024 23:35

Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mô tả Việt Nam và Ấn Độ là những quốc gia quan trọng mà Mỹ sẽ luôn tăng cường quan hệ.

Ông Kurt Campbell là nhà ngoại giao am hiểu về châu Á, từng làm trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á – Thái Bình Dương dưới thời tổng thống Barack Obama – Ảnh chụp màn hình

Phát biểu trong một hội thảo trực tuyến ngày 19-11, ông Campbell cho rằng Việt Nam cùng Ấn Độ và một số ít quốc gia khác đang đứng đầu danh sách những nước có vai trò quan trọng, sẽ định hình tương lai của châu Á.

“Tôi tin rằng cho dù là ai nắm quyền ở Washington, thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa cũng đều sẽ làm những gì cần thiết để xây dựng mối quan hệ với các nước này”, quan chức Nhà Trắng nhận định.

Theo ông Campbell, Việt Nam là một nước có chính sách ngoại giao trung dung ở khu vực và đang có sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực công nghệ.

“Người Việt Nam đang nâng tầm ngoại giao của mình”, nhà ngoại giao Mỹ nhận xét và cho biết Hà Nội đang ngày càng chủ động, có vai trò tích cực hơn trong ASEAN. Mỹ và các quốc gia lớn khác đều nhấn mạnh ASEAN có vai trò trung tâm trong các vấn đề của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Dù hệ thống chính trị giữa Mỹ và Việt Nam khác nhau, ông Campbell tin rằng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong tương lai. Nhà ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ-Việt tăng cường tiếp xúc lẫn nhau, hướng tới “chia sẻ mục tiêu chiến lược thực sự”.

 

NGUỒN: BÁO TUỔI TRẺ

Nói về Ấn Độ, ông Campbell mô tả nước này sẽ là một nhân tố chính trên trường quốc tế trong thế kỷ 21. “Tôi rất lạc quan về tương lai (mối quan hệ) với Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nhận ra rằng thành viên quan trọng, chủ chốt nhất trong Tứ giác kim cương là Ấn Độ”.

Nhóm Tứ giác kim cương (QUAD) gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quân sự và ứng phó COVID-19 trong thời gian qua. Trung Quốc xem QUAD là một tập hợp quân sự nhằm kiềm chế sự phát triển của nước này.

Theo ông Campbell, việc Ấn Độ theo đuổi lập trường không liên kết đã ngăn QUAD trở thành một phiên bản NATO của châu Á. Tuy nhiên, đã tới lúc Mỹ và Ấn Độ nên suy nghĩ một cách “sáng tạo và chiến lược” về những gì có thể xảy ra trong quan hệ song phương trong tương lai.