Có lẽ nhiều bạn không biết về sự trùng khớp giữa bộ phim Lời Hứa Với Cha, tựa đề tiếng Anh là Ode to My Father (2014) với MV Do You Know (2011) của ca sĩ Jo Sung Mo. Trong hai tác phẩm giải trí trên, hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam được khắc họa một cách rất sai lệch và xuyên tạc. Chúng mô tả những người phụ nữ Việt Nam phải van xin, quỳ lạy, tìm đến binh lính Hàn Quốc xin hỗ trợ, rồi những người phụ nữ này kể tội lính Việt Cộng, chỉ điểm chỗ ở của quân đội Việt Cộng cho quân đội Hàn Quốc. Chưa hết, những tác phẩm trên mô tả những người lính Việt Cộng như một đám ác ôn chỉ nhăm nhăm tấn công phụ nữ, người già và trẻ em. Còn lính Hàn Quốc xuất hiện như những vị cứu tinh với tấm lòng đầy bác ái.
Hai câu chuyện được ra mắt công chúng từ cách đây tương đối lâu rồi, MV Do You Know đến tai người nghe đã được 10 năm, còn Ode to My Father đã được công chiếu cách đây 7 năm. Mới đây, hai tác phẩm này được công chúng Việt Nam rất phẫn nộ vì trình độ “tự sướng” của một bộ phận làng giải trí Hàn Quốc, đến mức bôi đen, xúc phạm lịch sử, phụ nữ Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người Việt cho rằng không nên trách những MV hay bộ phim ấy, vì chúng đã trôi qua lâu rồi, việc đào lên “là không hay” và “cho thấy sự hẹp hòi, ích kỷ của người Việt”. Nhưng mà khoan, nếu bạn tìm kiếm cụm từ “베트남 전쟁” trên Youtube, sẽ thấy xuất hiện một đống nói về những sự kiện như:
– Sức mạnh tuyệt đối của quân đội Hàn Quốc khiến người Mỹ/Việt khiếp sợ.
– Lính Hàn đã giúp Việt Nam tái thiết đất nước như thế nào.
– 12 lính Hàn đã hạ gục 500 lính Việt Cộng.
– Lính Hàn đã giúp đỡ người dân Việt Nam thế nào.
Tại Bảo tàng lịch sử quân sự Hàn Quốc, người Hàn Quốc có hẳn một khu nói về những chiến tích vĩ đại, cao cả của lính Hàn tại Việt Nam. Ngay tại sảnh dẫn vào, người Hàn Quốc ghi rõ: “Để đóng góp vào hòa bình thế giới và đáp lại viện trợ cần thiết từ các đồng minh trong Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã điều động lực lượng của mình đến Việt Nam”. Mà Việt Nam đâu có tham gia chiến tranh Triều Tiên? Ngay cả VNCH cũng không? Hàn Quốc đến Việt Nam qua lời đề nghị của Mỹ – một kẻ can thiệp vào Việt Nam, vậy thì Hàn Quốc cũng chỉ ở tư cách một gã lính đánh thuê mà thôi. Tiếp nữa, một dòng chữ khác bằng tiếng Hàn và tiếng Anh hiện ra tiếp theo: “Vì họ đã ngã xuống ở đấy, nên mới có Tổ Quốc ngày hôm nay”.
Đặc biệt, chủ trương của binh lính Hàn Quốc được ghi lại bằng tiếng Việt là: “Chính sách của quân đội Đại Hàn tại Việt Nam là cứu giúp một người dân lành còn hơn là giết một trăm tên Việt Công”. Theo chuyên gia lịch sử quân sự Hàn Quốc Ku Su Jeong, lính Hàn đã gây ra 80 vụ thảm sát, 9000 dân thường đã thiệt mạng, trung bình mỗi vụ thảm sát đã gây ra cái chết cho 110 người. Theo nhiều nguồn, tổng số dân thường Việt Nam thương vong bởi những tay lính Hàn Quốc có thể lên tới 100.000 người. Chưa hết, trong khu trưng bày ấy, người Hàn có đã phục dựng lại những khung cảnh lính Hàn Quốc cày cuốc, chăn trâu, đút cơm cho trẻ em, làm việc thiện nguyện hỗ trợ người dân dựng nhà cửa… Nghe có hư cấu hông?
Kết thúc sự kiện chiến tranh Việt Nam, người Hàn đặt một câu cảm thán đầy ám thị: “Nếu không tự bảo vệ được bản thân thì không ai có thể bảo vệ được cho bạn”. Điều hài hước ở đây là câu viết trên từng bị dân mạng Trung, Nhật đem ra để “cà khịa” Hàn Quốc vì Hàn Quốc còn không tự bảo vệ được bản thân thì đừng có nói đạo lý. Vì trong thời chiến, chỉ huy quân đội Hàn Quốc được trao cho… một người Mỹ thông qua một quy trình được gọi là “quy trình OPCON”.
Mặc dù những MV hay bộ phim trên đã diễn ra lâu rồi, nhưng sự dối trá, bất lương vẫn còn hiện diện. Người Hàn có thể không làm những MV hay bộ phim phản ánh sai sự thực lịch sử nữa, nhưng có vô số chứng cứ cho thấy rằng, họ vẫn luôn nghĩ rằng họ đã ban phát ân huệ cho nhiều người Việt trong cuộc chiến tại Việt Nam. Họ không làm những thước phim “mô tả lịch sử” nữa, mà giờ đang đóng vai những nạn nhân bị tổn thương từ cuộc chiến. Họ khiến cho nhiều người Việt nghĩ rằng: “À, hóa ra họ cũng áy náy lắm, chúng ta nên bỏ qua cho họ”.
Vậy thì ai thương đồng bào tôi? Họ còn chẳng thèm xin lỗi. Họ chỉ đang đóng vai bị hại, họ nói rằng họ bị ép buộc phải “nã súng vào trẻ em, phụ nữ Việt Nam”.
Lên án những bộ phim, hay MV trên, không phải là “ăn mày quá khứ”, mà là để bảo vệ lịch sử chân chính, bảo vệ hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam. Chỉ trích những tác phẩm ấy, để hai quốc gia hướng tới một sự nhất quán rõ ràng, không gợi nhớ lại quá khứ đau thương, không xuyên tạc thêm lịch sử. Nói về những tác phẩm ấy, để những người Hàn Quốc biết mà sửa sai, biết để đừng khiến cho “nỗi đau thêm dài”.
Chúng ta phải lên tiếng để không còn những bộ phim, những tác phẩm xuyên tạc lịch sử của chúng ta được công bố ra trong tương lai nữa. Chúng ta chịu tác động của văn hóa Hàn, Nhật, Trung. Tại những quốc gia đó, người hâm mộ duy trì một tâm thế bảo vệ lịch sử rất khắt khe. Xét ở một góc độ nào đó, chúng ta cần phải học hỏi họ, có một tâm thế như họ.
Im lặng chính chính là thừa nhận, không lên tiếng tức là đồng ý, không bày tỏ cảm xúc tức là xác nhận.
Nếu chúng ta im lặng trước những hành vi xuyên tạc sai trái của quá khứ, thì dần dần chúng ta sẽ vô cảm với hiện tại, thờ ơ với tương lai. Rồi một ngày nào đó, khi đã “tẩy não” xong, từ kẻ thủ ác, họ sẽ trở thành người hùng. Chúng ta từ vị thế kế thừa và bảo vệ lịch sử sẽ trở thành những kẻ phân vân với lịch sử, nghi ngờ cha ông, tin vào những người xa lạ…
—-
Tham khảo từ:
1. Korean War Memorial Museum in Seoul – 전쟁기념관
2. [4K] Seoul Walk –Ⅱ.THE WAR MEMORIAL OF KOREA, Korean War, 625, History Room, UN participation
3. TRONG BẢO TÀNG HÀN QUỐC CÓ KHU LỊCH SỬ VIỆT NAM ?? | ‘HỌ’ NÓI NHỮNG GÌ VỀ ‘CHÚNG TA’ ?? – 8H Sáng [8am]