Friday, 17th January, 2025 17:05

NHẬN DIỆN, PHÊ PHÁN NHỮNG BIỂU HIỆN LỆCH LẠC TRONG SÁNG TẠO VĂN CHƯƠNG HIỆN NAY

Nền văn học nước nhà trong hơn 35 năm đổi mới chứng kiến sự cách tân mạnh mẽ từ góc độ nội dung lẫn thi pháp biểu hiện và tư tưởng nghệ thuật. Tuy vậy, mỗi sự phát triển luôn bao hàm mặt trái của nó. Dưới quan điểm biện chứng, mỗi giai đoạn văn học đều có những giới hạn tất yếu cần thẳng thắn chỉ ra nhằm khắc phục, từ đó hạn chế tối đa những tác hại có thể gây ra cho bạn đọc nói riêng và đời sống văn hóa tinh thần xã hội nói chung.

Cảnh báo những biểu hiện lệch lạc trong sáng tạo văn chương

1. Vấn đề nổi cộm, lệch lạc trong đời sống văn học thời gian qua cần chỉ ra là việc hư cấu lịch sử vượt ra khỏi logic của sự thật và bối cảnh xã hội thực tiễn của lịch sử. Viết về lịch sử không thể viết tùy tiện, sáng tạo hư cấu như thế nào cũng được. Nhà văn viết về lịch sử có thể sáng tạo ra tâm lý, ngôn ngữ, tư tưởng, tình cảm cho những nhân vật lịch sử nổi tiếng có thật, thậm chí có thể hoàn toàn sáng tạo ra thêm một vài nhân vật hư cấu để làm rõ hơn dụng ý nghệ thuật của mình, như Nguyễn Xuân Khánh đã làm trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”.

Nhưng nhà văn viết về lịch sử buộc phải nghiên cứu kỹ bối cảnh xã hội của thời điểm lịch sử mà tác phẩm đề cập đến. Đặt một loài cây, một đồ vật, một chi tiết, một sự kiện chưa/không thể có ở thời điểm lịch sử mà tác phẩm miêu tả, thì đó nhất định là một lỗi sáng tạo, một nhầm lẫn kém cỏi, chứ không thể ngụy biện dưới cái ô “sáng tạo không giới hạn về lịch sử”, hay thậm chí là cả thủ pháp “hư cấu siêu sử ký” (historical fiction) của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong văn học hậu hiện đại, những nhà văn như Isaac Bashevis Singer, Donald Barthelme có chủ ý và công khai ngay từ đầu những hư cấu lịch sử phi lý, cố tình trộn lẫn các sự kiện, nhân vật vào những bối cảnh xã hội khác nhau. Còn ở ta, đơn giản là những nhà văn có sự nhầm lẫn, sai sót về thời điểm và văn hóa lịch sử trong sáng tạo.

2. Vẫn còn hiện tượng nhiều nhà văn thường chủ trương sử dụng các chi tiết dục tính (sex), kinh dị, những chất liệu ngôn từ suồng sã, dung tục quá nhiều trong tác phẩm đã tạo ra nhiều hệ lụy, tác hại đối với đời sống tinh thần bạn đọc. Việc xuất hiện yếu tố sex, kinh dị hay từ tục trên văn đàn thế giới, trong sáng tác của các bậc thầy văn học là không hiếm. Nhưng yếu tố sex, từ tục hay kinh dị, huyền ảo xuất hiện trong tác phẩm của những bậc thầy văn học là những thủ pháp nghệ thuật có tính tư tưởng, có quan niệm thẩm mỹ nhất định.

Ngược lại, nhiều tác phẩm văn học đương đại của Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ tập trung vào sex, kinh dị, hay sử dụng từ tục nhằm gây scandal (bê bối) nhằm nổi tiếng và bán sách. Ranh giới giữa thanh và tục, giữa thủ pháp nghệ thuật với sự non kém nghệ thuật, vấn đề đạo đức trong sáng tạo văn học luôn rất khó để minh/nhận định. Cùng một từ, một bối cảnh, một hành vi, nhưng ở nhà văn có tài, có tâm, thì nó có thể là một sáng tạo, ngược lại, với những nhà văn kém tài, hoặc có tài song tâm không trong sáng, thì nó chỉ đơn thuần là một chiêu trò để thu hút độc giả.

3. Biểu hiện lệch lạc khác trong sáng tác văn học là kiểu sáng tạo theo bản năng, viết văn “cứ hay là được”, “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Rất nhiều nhà văn hiện nay, cả thế hệ già lẫn thế hệ trẻ cố chấp tin rằng tài năng thiên bẩm của họ sẽ là tấm hộ chiếu thông hành suốt đời trên con đường văn chương. Họ chẳng cần bất kỳ một “visa” nào để đi vào những thế giới khác của nghệ thuật đương đại thế giới.

Có nghĩa là, nhà văn cứ viết theo cảm xúc, nhận thức cá nhân là được, không cần đọc nhiều các tác giả đồng nghiệp, đọc văn học thế giới lại càng viển vông xa vời, tất nhiên không cần đọc các tri thức xã hội nhân văn hay khoa học tự nhiên làm gì cho mất thời gian. Những lý thuyết văn học, những trào lưu, trường phái văn học thế giới lại càng xa xỉ đối với nhà văn Việt Nam. Điều này dẫn đến hiện trạng những sáng tác văn học Việt Nam thiên về miêu tả vấn đề địa phương, về suy tư cá nhân, thời gian bị tù đọng.

Những nhà văn dẫu tài năng nhất cũng sớm tàn lụi, hoặc mất đi sức sáng tạo, sự cương mãnh trong tư duy nghệ thuật sau khi những tác phẩm đầu tay đã gây xôn xao văn đàn, hứa hẹn một sự nghiệp tươi sáng. Họ đã không thể đi xa và đi lâu dài trong thế giới nghệ thuật khi tác phẩm thiếu đi tính tư tưởng, tính thời đại, những kiến thức đương đại về lý thuyết văn học và những quan điểm mỹ học, triết học mới.

Nhiều nhà văn ngày nay có thể vẫn có những tác phẩm đáng chú ý, hoặc tác phẩm bán chạy trên thị trường sách, song họ đã không còn là người tiên phong, người dẫn đầu cho một thời đại văn học mới. Đơn giản hơn, họ đã không vượt qua được cái bóng của chính mình trong quá khứ. Chính vì ít đọc, nhất là ít đọc những kiệt tác văn học thế giới đương đại cùng những lý thuyết văn học, trào lưu và trường phái văn học mới của thế giới nên nhiều nhà văn ở nước ta ngộ nhận trong sáng tạo.

4. Trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay, tạo ra những hạn chế và lệch lạc không nhỏ là bộ phận văn học mạng. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” theo cách nói của nhà báo người Mỹ T.Friedman, nơi chứng kiến thân phận của tri thức bị biến thành hàng hóa và được chu chuyển, buôn bán trên internet. Nhà văn viết bằng bàn phím và mười đầu ngón tay chứ không dùng bút giấy truyền thống nữa.

Mạng xã hội trở thành cộng đồng diễn giải chính, là không gian khả dĩ để nhà văn tồn tại, thay vì thế giới của thực tại. Thế giới ảo đang dần lấn át thế giới thực, từ đó những tác giả và tác phẩm văn học mạng bước ra văn đàn, lấn át những nhà văn truyền thống. Hàng loạt nhà văn được đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ/nhỏ tuổi hiện nay yêu mến cuồng nhiệt là nhà văn mạng. Họ chiếm lĩnh thị trường sách một cách áp đảo so với văn học viết truyền thống. Đa phần họ đều trẻ tuổi, thông minh, có tài năng.

Tuy nhiên, mặt trái của văn học mạng, xuất phát từ đặc trưng trong tiếp nhận và bản chất của ngôn ngữ, đó là nặng về tính giải trí, tính truyền thông đa phương tiện mà yếu về tính tư tưởng, thiếu chiều sâu về nghệ thuật. Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của văn học mạng. Sự phát triển của nó trong xu thế văn hóa, văn minh hiện nay là tất yếu, song cũng cần nhận ra văn học mạng chỉ chủ yếu là văn học giải trí, văn học thị trường hoặc là cận văn học.

Tạo “bệ đỡ” và không gian lành mạnh cho sáng tạo văn chương chân chính

Từ nhận định nói trên, chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn học nói chung, cũng như thực tiễn sáng tạo văn học nói riêng.

Giải pháp đầu tiên là đổi mới tư duy trong quản lý văn nghệ. Các cơ quan quản lý văn học hiện nay đa phần nặng về tính hành chính và tư tưởng mà thiếu đi những nhà chuyên môn đích thực, được đào tạo bài bản. Những hội văn nghệ cả ở Trung ương và địa phương ngày càng mở rộng quy mô hội viên, song lại hoạt động chưa hiệu quả, nặng về tính quan liêu, cơ chế xin-cho và bị mối quan hệ cá nhân chi phối. Do đó, cần sớm đổi mới phương thức quản lý nhà nước về văn học-nghệ thuật, cũng như đổi mới phương thức hoạt động của các hội nghề nghiệp liên quan đến văn chương, nâng cao chất lượng các giải thưởng văn học.

Trong tình hình hiện nay, cần quan tâm đến đời sống nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ, làm sao cho họ có thể sống được với đam mê và nghề nghiệp. Muốn vậy, cần quảng bá, khuyến khích phát triển văn hóa đọc. Vị thế của môn văn trong nhà trường cũng cần được cải thiện, thông qua đổi mới cách giảng dạy văn chương, đổi mới cách lựa chọn tác phẩm văn học. Người học văn phải được tự do sáng tạo trong cảm thụ và nghị luận, từ đó mới yêu văn chương một cách thuần khiết. Nhà nước, các nhà xuất bản và các đoàn thể, doanh nghiệp cần thành lập những quỹ bồi dưỡng tài năng trẻ, những giải thưởng văn học danh giá, có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến vai trò của bộ môn lý luận văn học nói riêng và ngành Ngữ văn nói chung trong hệ thống giáo dục đại học. Chính họ sẽ là những nhà lý luận, phê bình văn học tương lai-“bà đỡ” cho những tác phẩm lớn ra đời. Chỉ có thể có một nền văn chương lớn chừng nào có một nền lý luận phê bình văn học vững mạnh. Các hội văn học, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cần tổ chức thường xuyên hơn các diễn đàn, hội nghị trao đổi, hội thảo khoa học và các khóa học ngắn hạn về lý luận, phê bình văn học cho các nhà báo, nhà văn và giáo viên, giảng viên của ngành văn học.

Trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay, cần chú trọng làm trong sạch và nâng cao chất lượng xuất bản, văn hóa đọc. Các cơ quan chức năng cần phối hợp các giải pháp tư tưởng, hành chính để tinh lọc, loại bỏ những tác phẩm tiêu cực, có nội dung độc hại, rẻ tiền, chủ yếu đánh vào tâm lý tò mò, những động cơ thấp hèn, bản năng của bạn đọc và tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, đạo đức xã hội.

Việc làm căn cơ hơn là kiến tạo cho nhà văn không gian sáng tạo lành mạnh, để họ có thể phát huy tâm huyết, tài năng của mình nhằm cho ra đời những tác phẩm văn chương có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Muốn vậy, cần có chính sách đãi ngộ tốt cho những nhà văn thực tài. Các tạp chí văn học cần nâng cao mức nhuận bút, các nhà xuất bản cần mạnh dạn đầu tư cho những bản thảo văn học tốt (chứ không phải chỉ bán giấy phép để lấy tiền), các hội văn nghệ cần có quỹ sáng tạo văn học lớn để đầu tư cho sáng tác. Nguồn tiền đầu tư cho sáng tác văn học cần đa dạng hóa, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp ủng hộ, gây quỹ bạn đọc… Nhà văn sống được với nghề nghiệp, là một con người tử tế, đàng hoàng, thì mới có thể an tâm đầu tư sáng tạo ra những tác phẩm chân chính, có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật.

NGUỒN: QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN