Sunday, 22nd December, 2024 21:33

NHỮNG THÁCH THỨC CHỜ ĐỢI TÂN TỔNG THỐNG SRI LANKA

Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe sẽ lãnh đạo đất nước Sri Lanka cho đến hết nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, tức vào cuối năm 2024. Ông  cũng có quyền bổ nhiệm thủ tướng mới với sự chấp thuận của quốc hội.

Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 20/7 đã chính thức được bầu làm Tổng thống mới của nước này sau khi đánh bại đối thủ chính là ông Dullas Alahapperuma, Nghị sỹ Đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền, trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, với 134/255 phiếu bầu.

Tân Tổng thống Ranil Wickremasinghe được đánh giá là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, với sự hiểu biết sâu sắc trong các vấn đề chính trị nội bộ, cũng như ngoại giao và kinh tế.

Trước đó, ông Wickremasinghe đã từng 6 lần giữ chức Thủ tướng của Sri Lanka. Nhà lãnh đạo kỳ cựu này được coi là thân phương Tây và được kỳ vọng có thể đưa Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ, cũng như tiếp tục đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức cho vay, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Từ tháng 4/2022, Sri Lanka đã mất khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Đảo quốc 22 triệu dân này rơi vào tình trạng khan hiếm nhiên liệu, lương thực thực phẩm và thuốc men.

Trong khi đó, để giành được sự ủng hộ về mặt chính trị trong Nghị viện, ông Wickremasinghe đã dựa vào các nghị sĩ ủng hộ chính quyền cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksas. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền, chiếm đa số trong Quốc hội, ông Wickremesinghe đã trở thành Tổng thống thứ 8 của Sri Lanka. Tổng thư ký Đảng SLPP, ông Sagara Kariyawasam đã nhận định, trong thời điểm này, tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe là người duy nhất có kinh nghiệm và năng lực trong việc đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này.

Nhiệm vụ nặng nề của tân Tổng thống Wickremesinghe

Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Wickremesinghe cho biết, Sri Lanka đang ở trong tình trạng khó khăn và có nhiều thách thức lớn đang chờ đợi phía trước. Chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ trước mắt là cố gắng đưa Sri Lanka thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế và khôi phục an ninh trật tự. Điều cần thiết ngay trong thời điểm này là ổn định chính trị để đạt được sự ổn định kinh tế, và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình nhằm khôi phục lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền và chính phủ mới.

Nhiệm vụ trước mắt đối với tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe tương đối nặng nề. Chính quyền mới sẽ phải giải quyết những vấn đề rất cấp bách như đưa ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng kép của đất nước, tái cơ cấu các khoản nợ để tìm kiếm các khoản cứu trợ mới của cộng đồng quốc tế.

Chính quyền tân Tổng thống Wickremesinghe đang đặt mục tiêu khôi phục sự ổn định chính trị trong nước để có thể nối lại các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế về các gói cứu trợ. Hiện, Sri Lanka cần khoảng 5 tỷ USD trong 6 tháng tới để trang trải cho những nhu cầu thiết yếu của 22 triệu dân nước này.

Tân Tổng thống Sri Lanka đồng thời phải tìm ra những biện pháp nhằm hạ nhiệt cho cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và lạm phát giá hàng hóa đang diễn ra. Những sai lầm trong điều hành kinh tế của các chính quyền Sri Lanka nhiều năm qua, kết hợp với hệ quả của đại dịch Covid-19, gần như đã xóa bỏ hoàn toàn các tiến bộ phát triển và làm xói mòn khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia này.

Những ưu tiên hàng đầu hiện nay

Trước và sau khi kết quả bầu cử Tổng thống được công bố, nhiều người dân Sri Lanka đã tụ tập, biểu tình trước Văn phòng Tổng thống ở thủ đô Colombo. Theo nhận định của một số chuyên gia, việc ông Ranil Wickremesinghe được bầu làm Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka có thể “kích hoạt” một làn sóng biểu tình phản đối trên khắp cả nước, khi tân Tổng thống Sri Lanka được coi là một người quá thân thiết với gia đình Rajapaksa vốn cầm quyền 2 thập kỷ qua tại nước này.

Ông Ranil Wickremesinghe từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Tài chính trong giai đoạn các thành viên của gia đình Rajapaksa lãnh đạo đất nước. Chính vì sự gần gũi này mà nhiều người dân Sri Lanka cho rằng ông Wickremesinghe cũng phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện tại. Tuần trước, những người biểu tình đã kêu gọi ông Wickremesinghe từ chức sau khi ông này nhậm chức quyền Tổng thống của Sri Lanka và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Mặc dù chính quyền tân Tổng thống Wickremesinghe chưa đưa ra các kế hoạch cho tương lai nhưng một số nhà lập pháp đã tuyên bố ủng hộ ông nhằm thành lập một chính quyền đa đảng phái. Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Sri Lanka cho biết sẽ bắt đầu các bước thay đổi hiến pháp để cắt giảm quyền lực của Tổng thống và củng cố Quốc hội, khôi phục luật pháp và trật tự, cũng như việc đưa ra các hành động pháp lý đối với những người biểu tình.

Ngoài ra, bài toán đối ngoại cũng là thử thách lớn với tân Tổng thống Sri Lanka. Với vị trí đặc biệt của mình, Sri Lanka đang là địa bàn mà các cường quốc như Ấn Độ hay Trung Quốc muốn tranh thủ giành ảnh hưởng. Việc điều phối các mối quan hệ với bên ngoài để vừa duy trì quan hệ, vừa tận dụng được các nguồn lực nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và tránh rơi vào các vòng xoáy cạnh tranh sẽ rất phức tạp.

Một điều thấy rõ trong mấy tháng khủng hoảng vừa qua là sự thiếu ổn định, chia rẽ chính trị nội bộ đã và đang làm gián đoạn những nỗ lực cải cách và tập trung nguồn lực để thoát khỏi khủng hoảng của quốc đảo Nam Á. Để vượt qua cuộc khủng hoảng kép chưa từng có này, tân Tổng thống Wickremesinghe sẽ cần khôi phục sự ổn định chính trị, thu phục lòng dân trước khi tính tới những kế hoạch to lớn hơn nhằm đưa đất nước Sri Lanka trở lại.

 

NGUỒN: VOV