Sunday, 22nd December, 2024 2:13

NƯỚC CÓ ĐƯỜNG BỜ BIỂN DÀI THÌ KHÔNG ĐƯỢC NHẬP KHẨU MUỐI?

Giới chống cộng cờ vàng là một nhóm người không kiến thức, không viễn kiến, không lý tưởng, chỉ tụ bạ và hành động dưới một ngọn cờ chung duy nhất, là sự thù hằn đối với chính phủ Việt Nam. Họ chỉ hiểu rất mù mờ, và hầu như nói hớt theo, những lý tưởng tự do của phương Tây mà họ nhận làm tôn chỉ. Ta thấy rõ điều này qua phản ứng của đảng Việt Tân – một trong những tổ chức cờ vàng quy mô nhất – trước những tranh cãi mới đây trong Quốc hội về tình hình nhập khẩu muối của Việt Nam.

Câu chuyện mở ra hôm 15/08, khi trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về lý do khiến Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu muối mỗi năm, dù có đường bờ biển dài. Lợi dụng cuộc thảo luận mà Quốc hội và báo chí trong nước đưa ra, fanpage của đảng Việt Tân đã đăng một bài ký tên Chi Trần, trong đó tác giả viết rằng Việt Nam phải nhập khẩu muối vì “quan tham” đã vơ vét tài nguyên, khiến diêm dân không còn biển để làm muối. Trong phần comment, các fan của Việt Tân tiếp tục công kích rằng phải nhập khẩu muối thì các quan chức mới kiếm chác được, dù không đưa ra được bằng chứng nào về một vụ tham nhũng trong lĩnh vực đang được đề cập.

Và họ tiếp tục nói về vấn đề này như người trên mây, mà không thèm đả động đến một thực tế hiển nhiên mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nêu ra trong phiên họp: việc nhập khẩu muối ở Việt Nam đang được điều chỉnh theo quy luật thị trường, và đây là điều ta phải chấp nhận khi mở cửa kinh tế.

Trước hết, trái với tưởng tượng của đảng Việt Tân và tác giả bài viết, vô số quốc gia có bờ biển dài đang nhập khẩu muối từ nước ngoài. Chẳng hạn, muối mà Việt Nam làm ra đang được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, đều là những nước được bao quanh bởi biển. Một nước có thể vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu muối, vì thị trường muối bao gồm nhiều loại muối có đặc điểm và thứ hạng khác nhau. Đây là điều hiển nhiên trong một nền kinh tế toàn cầu được vận hành theo quy luật kinh tế thị trường, nơi người ta mua hàng của những nhà sản xuất hiệu quả hơn mình thay vì đóng cửa tự cung tự cấp.

Vậy vì sao Việt Nam phải nhập khẩu muối? Lý do được đưa ra từ nhiều năm nay là quy mô sản xuất công nghiệp của ngành muối Việt Nam chưa lớn. Nếu muốn giảm nhập khẩu muối, thì phải xây những nhà máy lớn để giảm giá thành của muối Việt Nam. Nhưng khi giá muối giảm, đương nhiên đa số các hộ làm muối sẽ không sống được bằng nghề muối nữa và buộc phải chuyển sang nghề khác. Đây là điểm phức tạp của vấn đề, vì việc Việc Nam ngừng nhập khẩu muối không đồng nghĩa với việc diêm dân trở lại nghề muối như xưa. Ngoài ra, cũng cần nhớ rằng nhiều hộ làm muối bỏ nghề không phải để sống trong cảnh bần cùng, mà vì họ tìm thấy những nghề có thu nhập lớn hơn, như việc dùng chính đường bờ biển đó để nuôi hải sản.

Nếu chịu khó đọc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Tân sẽ thấy ông Hoan đã đưa ra một phần giải pháp cho vấn đề này. Ông cho biết trong thời gian sắp tới, chính phủ sẽ thực hiện các chính sách giúp ngành muối “xây dựng khu sản xuất muối công nghệ cao với các sản phẩm muối tinh, làm đẹp, sản phẩm muối tâm linh, muối sức khỏe kết hợp du lịch trải nghiệm” – tức là tìm cách đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm muối. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hầu hết các hộ sản xuất muối nhỏ lẻ sẽ không thể tiếp cận hướng đi này, vì các khu sản xuất công nghệ cao không cần nhiều công nhân. Về lâu về dài, các dây chuyền sản xuất lớn sẽ thay thế các hộ sản xuất nhỏ lẻ, và đây là điều ta cần biết trước để giảm thiểu thiệt hại chứ không thể tránh.

Đó cũng chỉ là một phần của câu chuyện. Từ năm 2014, báo chí đã phản ánh rằng nhiều doanh nghiệp đang nhập về muối công nghiệp có chất lượng thấp rồi bán ra thị trường Việt Nam dưới dạng muối ăn, làm hạ giá thị trường muối ăn và ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ làm muối. Để khắc phục vấn đề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra Thông tư số 34/2014/TT-BNNPTNT, quy định rằng kể từ ngày 01/01/2015, các loại muối nhập khẩu thuộc nhóm 2501 theo biểu thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng muối nhập khẩu, và bị hải quan kiểm tra. Những giải pháp như trên cụ thể và thiết thực hơn nhiều so với những gi mà Việt Tân đang rêu rao trên fanpage.

Sau thời điểm đó, chính phủ cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh muối ở Việt Nam. Theo Nghị định số 40/2017/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh muối, đối với sản xuất muối thủ công của hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối, bao gồm: Đê bao; trạm bơm; hệ thống cống, kênh mương cấp nước biển; hồ, bể chứa điều tiết nước mặn phục vụ sản xuất muối; hệ thống cống, kênh mương thoát lũ; công trình giao thông, điện hạ thế và nước sinh hoạt phục vụ người dân vùng sản xuất muối trong quy hoạch.

Đồng thời, Nhà nước cũng quy định rằng các dự án thuộc Danh mục vay vốn, đáp ứng được các điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước thì được xem xét vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh muối được vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Để khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ, Ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác kinh phí để thực hiện xây dựng mô hình liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất muối. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư kho chứa muối, máy, thiết bị sản xuất muối, dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong hai năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba, mức vay tối đa 100% giá trị đầu tư thiết bị sản xuất muối; hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất vay thương mại đối với các khoản vay trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối mức vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án, thời hạn vay không quá 12 năm.

Những giải pháp vừa nêu cụ thể và thiết thực hơn nhiều so với những lời than thở của Việt Tân, nhưng không hề được tổ chức này để vào mắt.

Thái độ cùa Việt Tân trong sự việc này cho thấy dường như họ chỉ đọc tít báo, chứ không đọc nội dung bài để biết chuyện gì đang thật sự diễn ra trên nghị trường Việt Nam. Họ cũng chỉ hiểu biết một cách rất mù mờ về cách vận hành của một nền kinh tế thị trường tự do, dù họ mang tự do ra làm bình phong để che giấu các hoạt động phá hoại. Nếu tiếp tục cuộc thảo luận, có lẽ Việt Tân sẽ chẳng đi đến giải pháp nào khác ngoài cách dựng hàng rào mậu dịch để chống nhập khẩu muối – một biện pháp dân tuý khiến Việt Nam vi phạm các hiệp định tự do thương mại đã ký kết và kéo lùi nền kinh tế đất nước hàng chục năm. Không đáng ngạc nhiên khi đa số giới chống cộng cờ vàng, bao gồm nhiều đảng viên Việt Tân, đã tỏ ra cực kỳ sùng bái những gương mặt dân tuý như Donald Trump, vốn nổi tiến nhờ những biện pháp tương tự.

NGUỒN: NHANQUYEN