Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, việc đảm bảo sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, gần đây, trên trang blog “Việt Nam Thời Báo,” bài viết có tiêu đề “EU hồi âm về kinh tế thị trường của Việt Nam” đã đưa ra những luận điệu sai trái và xuyên tạc tình hình kinh tế của nước ta. Những thông tin này không chỉ không có căn cứ, mà còn gây hoài nghi, dẫn đến giảm sút niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Trước hết, cần khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng. Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% sáu tháng đầu năm 2023 . Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Việc cáo buộc hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường EU là bán phá giá không chỉ thiếu căn cứ thực tế mà còn vi phạm nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao từ thị trường này đối với hàng hóa Việt Nam bởi việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU đều phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn khắt khe của Liên minh châu Âu.
Đồng thời, có nhiều lý do hợp lý giải thích tại sao hàng hóa Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đầu tiên, chi phí sản xuất tại Việt Nam thường thấp hơn nhờ giá nhân công cạnh tranh. Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí trả lương cho công nhân và từ đó giữ giá sản phẩm ở mức thấp hơn. Thứ hai, Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào và phong phú, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3.3 tỷ USD trong năm 2023 . Việc sử dụng nguyên liệu nội địa giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng tính cạnh tranh giá thành cho sản phẩm. Cuối cùng, những chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với các ngành công nghiệp chủ lực, cùng với các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo Bộ Công thương, các hiệp định này giúp giảm thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm, từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý, bài viết khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có tâm lý hoài nghi, dẫn đến giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước trong phát triển kinh tế. Đây thực sự là một điều đáng lo ngại, vì trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ đảm bảo sự ổn định chính trị mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững với nhiều thống kê quan trong được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thực chất, những cáo buộc này có thể xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước. Khi các quốc gia khác thấy thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, họ sẽ tìm mọi cách để làm giảm sức cạnh tranh của chúng ta. Việc đưa ra những luận điệu sai trái này không chỉ hạ thấp uy tín của Việt Nam mà còn là một phần trong chiến lược gây mất ổn định, tạo ra sự nghi ngờ của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Để chủ động đấu tranh, phản bác với những luận điệu sai trái này, trước tiên, Đảng và Nhà nước cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời cho nhân dân về thực trạng phát triển kinh tế. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và các tiêu chuẩn chất lượng mà chúng đáp ứng, đồng thời khẳng định rằng các sản phẩm của chúng ta hoàn toàn không có hành vi bán phá giá. Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình kinh tế thế giới và các chiến lược cạnh tranh là rất cần thiết. Cần tăng cường các chương trình đào tạo, hội thảo để trang bị cho cán bộ, đảng viên kiến thức cần thiết nhằm phân tích và đánh giá đúng đắn các thông tin liên quan đến kinh tế. Ngoài ra, sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và khủng hoảng kinh tế toàn cầu là rất quan trọng. Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng, trong thời đại thông tin hiện nay, việc kiểm soát thông tin và đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái là nhiệm vụ không thể thiếu, không phải của riêng một lực lượng cụ thể. Từng tập thể, từng cá nhân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị ảnh hưởng bởi những thông tin thất thiệt, cũng như chủ động tham gia bảo vệ uy tín của Đảng và Nhà nước; cần chung tay bảo vệ sự thật, phản đối những luận điệu xuyên tạc, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, cùng quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.
NGUỒN: SÁNG MÃI NIỀM TIN