Thursday, 21st November, 2024 19:25

“Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo của Nghị viện châu Âu (EP) có những thông tin, nhận định thiếu khách quan, công bằng, dựa trên một số thông tin sai lệch, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 24/6/2022 đã khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của EP về công tác hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới. Đây là tiếp tục là những nội dung quen thuộc mà Nghị viện châu Âu hay chính giới một số nước phương Tây và một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí chống phá Việt Nam đưa ra để xuyên tạc về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Khi nói về nhân quyền ở Việt Nam, Viễn đưa ra một số luận điểm sau đây để một lần nữa cho thấy báo cáo của Nghị viện châu Âu thiếu khách quan, công bằng, dựa trên một số thông tin sai lệch, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Quyền con người ở Việt Nam được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; việc đảm bảo quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam; quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật. Những thành quả trong việc bảo đảm, tôn trọng quyền con người và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân được thể hiện trên mọi lĩnh vực, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh và đã được cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao.

PHẢN BÁC VỀ BÁO CÁO CỦA NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU (EP)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (ẢNH: TTXVN)

Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 và được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam đã vinh dự lọt vào tốp 10 danh sách những quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới vào năm 2019.Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9/12/2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,3 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng trên 354%; tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,73% (năm 2019)… Theo báo cáo của trang mạng “We are social”, năm 2020 Việt Nam có hơn 68 triệu dân sử dụng internet (chiếm tỷ lệ 70% dân số) với mục đích sinh kế, học tập, giải trí trực tiếp, biểu đạt và thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, văn kiện Đại hội Đảng.

Với những thành tựu trong việc tôn trọng, bảo đảm về quyền của con người, Việt Nam được tín nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 – 2016). Tại khóa họp lần thứ 73, tại trụ sở Liên hợp quốc vào ngày 07/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu cao kỷ lục và gần tuyệt đối với 192/193 phiếu. Đồng thời, mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 01 và tháng 4 năm 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người trước đại dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam.

Cuối tháng ba vừa qua, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ trì công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc và thông tin về ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023- 2025. Báo cáo cũng đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. Có thể nói rằng, chưa bao giờ uy tín, vị thế của chế độ xã hội và Việt Nam như hiện nay. Đó là những minh chứng phản bác về những nội dung trong báo cáo mà Nghị viện Châu Âu đã đưa ra.

 

NGUỒN: VIỄN