Saturday, 27th April, 2024 17:23

RA MẮT SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỀ NGOẠI GIAO BẢN SẮC 'CÂY TRE VIỆT NAM'

Chiều 21-11, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Cuốn sách tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện… của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích ngoại giao bản sắc “cây tre Việt Nam”

Ngay trong phần đầu tiên của cuốn sách là bài viết tổng quan của Tổng bí thư, cũng là bài viết mới nhất của ông về đối ngoại và lần đầu tiên được công bố.

Trong đó, Tổng bí thư khẳng định trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện nay rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

Tổng bí thư lý giải “vững ở gốc” là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia – dân tộc để phục vụ, độc lập – tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc.

“Chắc ở thân” là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn. Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

“Uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng.

Theo Tổng bí thư, thực tiễn đã chứng minh đường lối đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đường lối đó đã giúp tạo lối và mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận và mở ra cục diện mới thuận lợi cho đất nước.

Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới.

Việt Nam từ một nước bị bao vây và cấm vận, nay đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ. Trong số này có ba nước quan hệ đặc biệt, năm nước Đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ từ thực tiễn vừa qua, có năm bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó “bài học bao trùm và bất biến là luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại, ngoại giao”.

Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam càng thể hiện rõ bản sắc “cây tre Việt Nam”. Cũng trong bài viết này, Tổng bí thư đã nêu ra bảy nhiệm vụ chủ yếu của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới.

Kim chỉ nam cho công tác đối ngoại, ngoại giao

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trương Thị Mai – ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, trưởng Ban Tổ chức Trung ương – nhấn mạnh sự ra đời của cuốn sách đã bổ sung lĩnh vực đối ngoại vào bộ sách lý luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc xuất bản cuốn sách này của Tổng bí thư đã đúc kết những tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc với đỉnh cao là nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

“Cuốn sách của Tổng bí thư là kim chỉ nam đường lối chủ trương của Đảng, là cơ sở quan trọng về lý luận và thực tiễn về công tác đối ngoại trong tình hình mới, khẳng định Tổng bí thư và Đảng luôn coi trọng công tác đối ngoại, xem đó là một trong những động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đối với bạn bè quốc tế, Thường trực Ban Bí thư cho rằng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nội dung cuốn sách còn biểu hiện sự đồng tình, ủng hộ của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao và bạn bè quốc tế về vai trò và những đóng góp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại trong những năm qua.

Bà Mai yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách đến người dân không chỉ trong mà còn ở ngoài nước để hiểu rõ hơn về giá trị của cuốn sách và đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, cần sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách; các chi bộ mở sinh hoạt chuyên đề về nội dung cuốn sách.

Bà cũng đề nghị hệ thống giáo dục toàn quốc, nhất là các học viện, trường chính trị, trường đại học, cao đẳng cả nước xây dựng tài liệu học tập, nghiên cứu về công tác đối ngoại, ngoại giao trên cơ sở nội dung cuốn sách.

Cũng tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cùng các đại biểu trong và ngoài nước đã có bài phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của cuốn sách, các tham luận về đường lối đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bao gồm hơn 800 trang, chia thành ba phần.

Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết tổng quan và bảy bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc.

Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện… của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương.

Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

 

NGUỒN: TUỔI TRẺ