Mới đây, một đoạn sông Hằng chảy qua bang Uttar Pradesh bất ngờ chuyển màu xanh khiến người dân hết sức hoang mang.
Theo Sputnik, có hơn 4.500 ngôi làng tập trung ở ven bờ sông Hằng trên khắp Ấn Độ. Sông Hằng chảy qua nhiều bang, từng được coi là nguồn sống của Ấn Độ và là dòng sông linh thiêng bậc nhất.
Sông Hằng đôi khi chuyển sang màu xanh lục vào mùa mưa do lượng rêu và địa y từ các ao hồ đổ vào nhiều.
Các chuyên gia nói sắc xanh của sông Hằng có thể bắt nguồn từ tảo lam. B.D. Tripathi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Malviya Ganga thuộc Đại học Hindu Banaras, nói: “Dựa trên quan sát bằng mắt thường, có vẻ màu nước bị biến đổi do tảo lam (Microcystis), thường tìm thấy ở những vùng nước tù đọng. Ở sông Hằng, chúng có thể đến từ một số cống rãnh hai bên bờ hoặc nguồn nước đọng khi mưa”.
Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, nó có thể khiến cá chết và gây hại cho các động vật thủy sinh. Người dân tắm trong nước chứa tảo có thể gây ra các bệnh về da trong khi uống nước có thể gây hại cho gan.
Ngày 8/6, dòng sông Yamuna, dòng sông chính đáp ứng 60% nhu cầu nước tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ đang bị những mảng bọt phủ trắng do ô nhiễm.
Theo Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ, phần lớn yếu tố gây ô nhiễm ở sông Yamuna là phân người và nước thải công nghiệp. Ô nhiễm làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lây truyền qua nước như tiêu chảy và ảnh hưởng đến hàng nghìn người nghèo sống gần sông, những người uống và sinh hoạt bằng nước lấy từ sông.
Sự kiện tương tự đã từng xẩy ra trong thắng 11.2019. Ô nhiễm không khí cực độ ở Ấn Độ khiến một lượng lớn bọt trắng độc hại trôi nổi lềnh bềnh đầy sông Yamuna.