Thursday, 12th December, 2024 1:32
TÁC ĐỘNG ĐA CHIỀU TỪ CUỘC XUNG ĐỘT HAMAS - ISRAEL TỚI AN NINH KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ
Ngày 07/10/2023, xung đột giữa lực lượng Hồi giáo Hamas với Israel bùng phát tại Dải Gaza gây nhiều hệ lụy to lớn, vượt ra ngoài khu vực chiến sự, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh khu vực và thế giới. Điều đó cũng làm cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thêm phức tạp và khó đoán định.

Nguyên nhân xung đột

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, xung đột Hamas – Israel ở Dải Gaza ngày 07/10/2023 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trực tiếp là lực lượng Hamas tấn công trả đũa hành động tàn bạo của Israel nhằm vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem (ngày 01/10/2023) cũng như các hoạt động thù địch của chính quyền Tel Aviv tại khu vực Bờ Tây. Trên thực tế, hơn bảy thập niên qua, xung đột giữa người Palestine với người Israel luôn âm ỉ và gây nhức nhối cho cộng đồng quốc tế. Trước khi nổ ra cuộc xung đột này, lực lượng Hamas và Israel đã 04 lần đụng độ vào các năm 2008, 2012, 2014 và 2021. Bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập hai nhà nước Palestine và Israel cùng sự lên án của cộng đồng quốc tế, Tel Aviv chưa bao giờ ngừng sử dụng sức mạnh quân sự để đàn áp các phong trào nổi dậy của người Palestine cũng như khẳng định chủ quyền ở Bờ Tây và Dải Gaza. Những năm gần đây, mặc dù Israel có sự “điều chỉnh” chính sách từ “đối đầu” sang “đối thoại” trong quan hệ với các nước Arab nhưng cũng không cải thiện được tình hình, thậm chí càng làm mâu thuẫn giữa Israel và Palestine thêm trầm trọng. Giới chức Palestine thì coi đây là mưu đồ “thâm độc, nguy hiểm” của Israel, hòng chia rẽ các nước trong thế giới Arab và “chọc mũi giáo” vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine. Vì thế, hành động của Israel ngày 01/10/2023 được ví như “giọt nước tràn ly”, là lý do để Phong trào Hồi giáo Hamas tiến hành cuộc tấn công vào Israel. Cuộc tấn công này còn hướng tới mục đích giúp các nước Arab nhận ra một thực tế: việc chấp nhận các yêu cầu an ninh của Israel sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực và an ninh tại Trung Đông; nơi đây sẽ còn bất ổn chừng nào người Palestine bị “đứng ngoài” các thỏa thuận. Hamas đã lựa chọn thời điểm mở cuộc tấn công khi chính quyền Tel Aviv đang bị chia rẽ sâu sắc, khiến quân đội Israel tuy chiếm ưu thế tuyệt đối về các mặt, nhưng cũng bị bất ngờ và chịu nhiều tổn thất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hận thù dân tộc, hận thù tôn giáo “truyền kiếp” bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền đối với vùng đất mà cả Israel và Palestine đều coi là “linh thiêng”, của tổ tiên để lại là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các cuộc xung đột đẫm máu. Một nguyên nhân nữa chính là sự “bất lực” của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu để hóa giải xung đột này. Sau khi cuộc tấn công nổ ra, với mục tiêu “quét sạch Hamas”, Israel mở chiến dịch quân sự trả đũa tổng lực, làm cho xung đột diễn ra khốc liệt, khó lường, gây nhiều hệ lụy to lớn, vượt ngoài vùng chiến sự ở Dải Gaza, tác động đa chiều, cả trước mắt và lâu dài đối với an ninh khu vực cũng như toàn cầu.

Đẩy Trung Đông vào vòng xoáy xung đột, tiến trình hòa bình bế tắc

Với việc tấn công tổng lực cả trên không, trên biển, trên bộ, chiến dịch quân sự “Thanh gươm sắt” của Israel đã tàn sát đẫm máu nhiều dân thường Palestine ở Dải Gaza, gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế và thế giới Arab. Nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo trong khu vực đã tuyên bố sẽ ủng hộ Hamas tiến hành “thánh chiến” chống lại Israel. Do đó, chiến sự không chỉ diễn ra quyết liệt ở Dải Gaza mà còn có nguy cơ lan sang, rộng ra nhiều khu vực khác, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy xung đột và bất ổn. Ở Bờ Tây, giao tranh diễn ra ác liệt giữa các nhóm vũ trang người Palestine và binh lính Israel. Tại biên giới Israel – Lebanon, giao tranh giữa lực lượng Hezbollah và quân đội Israel cũng diễn ra dữ dội, lãnh đạo Hezbollah còn tuyên bố sẵn sàng mở mặt trận mới chống Israel khi thời cơ chín muồi. Trên biên giới Israel – Syria, các nhóm vũ trang thân Hamas cũng thường xuyên mở các cuộc tập kích vào các đơn vị đồn trú của Israel. Lực lượng Houthi tại Yemen cũng thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa, phương tiện bay không người lái vào lãnh thổ Israel và tàu, thuyền của Mỹ, Israel trên Biển Đỏ. Tại Syria và Iraq, các nhóm vũ trang được cho là do Iran hậu thuẫn cũng tăng tần suất các cuộc tấn công bằng bom, tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, xung đột Hamas – Israel tiếp tục căng thẳng, kéo dài, có nguy cơ lan rộng, lôi kéo sự can thiệp trực tiếp của các nước lớn sẽ gây chia rẽ và nguy hiểm cho an ninh khu vực.

Cuộc xung đột làm đảo lộn những toan tính chiến lược của Mỹ, Israel và nhiều nước Arab ở Trung Đông

Trước tiên, xung đột khiến kế hoạch (do Mỹ khởi xướng) đưa Israel “chung sống hòa bình” với thế giới Arab bị đổ vỡ. Sau khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, chính quyền Saudi Arabia tuyên bố ngừng vô thời hạn tiến trình bình thường hóa quan hệ với nước này. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Jordan, Marocco cũng tuyên bố sẽ xem xét lại các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ đã ký với Israel. Các đồng minh của Mỹ trong thế giới Arab, như: Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt lên án hành động sát hại thường dân Palestine của Israel là “không thể chấp nhận được” và yêu cầu Israel ngừng ngay cuộc tiến công vào Dải Gaza. Đây được cho là “đòn chí mạng” giáng vào nỗ lực đưa Israel xích lại gần thế giới Arab, cũng như việc thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực theo ý đồ của Mỹ.

Tiếp theo, những thỏa thuận đạt được trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Iran của Mỹ cũng “tan thành mây khói”, khi Washington liên tục đe dọa gia tăng trừng phạt “cứng rắn” với Tehran vì các hành động mà nước này cho là Iran hậu thuẫn các nhóm vũ trang chống lại Israel. Ngoài ra, việc công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza cũng làm quan hệ giữa Mỹ với các nước tại khu vực Trung Đông lao dốc không phanh, uy tín của Washington sụt giảm nghiêm trọng. Hay nói cách khác, Mỹ đang “tự làm khó mình” trong thiết lập một cấu trúc mới cho an ninh tại Trung Đông và vô hình trung tạo điều kiện “thuận lợi” cho Nga, Trung Quốc nâng cao vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này, nhất là vai trò trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc cuộc xung đột.

Theo các nhà phân tích, xung đột Hamas – Israel không chỉ gây ra những bất ổn cho khu vực, mà điều đáng lo ngại là cuộc xung đột đang khoét sâu sự chia rẽ, hận thù giữa người Arab, người Hồi giáo với người Do Thái. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến Trung Đông vẫn sẽ là “điểm nóng” của thế giới, tiến trình hòa bình chưa tìm được lối thoát.

Tăng thêm các mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu

Sau khi xung đột nổ ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ hệ thống nhân đạo bị sụp đổ nghiêm trọng, những tác động từ xung đột Hamas – Israel đối với người Palestine là vô cùng to lớn và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Theo thống kê của Cơ quan y tế Gaza, tính đến cuối tháng 12/2023, có khoảng 21.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 54.000 người bị thương, hơn 01 triệu người rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất” đang rất cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc phải viện dẫn Điều 99 Hiến chương Liên hợp quốc để kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động ngay và kiên quyết ngăn chặn thảm họa đối với người Palestine ở Gaza. Ngày 22/12/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 2720, yêu cầu các bên cho phép và tạo điều kiện cung cấp, hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức, an toàn, không bị cản trở trên quy mô lớn đối với người dân Palestine trên Dải Gaza. Mặc dù vậy, Nghị quyết 2720 khó có thể phát huy hiệu quả khi mà Israel liên tục có những động thái cứng rắn đối với cuộc xung đột.

Bên cạnh đó, xung đột cũng gây ra những tác động nghiêm trọng khác đến an ninh toàn cầu. Hoạt động chống người Palestine của Israel ở Dải Gaza bị lên án là “tội ác chiến tranh” làm dấy lên làn sóng “bài Do Thái”, đe dọa an ninh của cộng đồng người Do Thái ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước phương Tây, cảnh sát phải tăng cường an ninh tại các giáo đường và trường học của người Do Thái, nhất là khi những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine liên tục nổ ra. Trên Biển Đỏ, lực lượng Hồi giáo Houthi tổ chức nhiều cuộc tập kích vào các tàu mà họ cho là của Israel hoặc có liên hệ với quốc gia này, khiến tuyến thương mại huyết mạch chiếm hơn 15% giao thương toàn cầu bị ngưng trệ. Các tay súng Houthi thậm chí còn tấn công cả tàu chiến của Mỹ, tàu vận tải của một số nước phương Tây, làm cho an ninh hàng hải ở Biển Đỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến mức Mỹ cùng một số nước phải khẩn cấp thành lập liên minh, mở các đợt không kích vào các căn cứ của Houthi để đối phó và bảo vệ an toàn cho tuyến hàng hải này. Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại, với việc làm ngưng trệ giao thương trên Biển Đỏ, lực lượng Houthi đang tạo ra một trận tuyến mới, gây bất lợi cho Mỹ và Israel, nó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hàng hải quốc tế, có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu và lạm phát tăng cao.

Ngoài ra, xung đột cũng làm cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thêm phức tạp và khó đoán định. Đối với Mỹ, những năm qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hạn chế can thiệp trực tiếp vào khu vực Trung Đông để tập trung cho chiến lược “xoay trục” về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đã tổ chức xây dựng hành lang phía Đông kết nối Ấn Độ với các quốc gia vùng Vịnh Arab; hành lang phía Bắc kết nối các quốc gia vùng Vịnh với châu Âu thông qua Jordan và Israel. Cùng với đó, Washington cũng thiết lập hành lang tam giác kinh tế Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Tuy nhiên, xung đột Hamas – Israel đã cản trở những kế hoạch này của Mỹ. Bởi vậy, vừa để cân bằng các nguồn lực, vừa giữ được vai trò kiềm chế xung đột ở Trung Đông, vừa kiểm soát được xung đột ở Ukraine và “xoay trục” thành công sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là “bài toán” nan giải đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Với Nga, việc Mỹ phải đầu tư nguồn lực lớn hơn cho xung đột tại Trung Đông – bước thụt lùi không mong muốn về chiến lược, chắc chắn sẽ giúp Nga phần nào giảm áp lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Còn Trung Quốc, nước này sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong thực thi chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Có thể thấy, xung đột Hamas – Israel càng kéo dài sẽ càng gây những hệ lụy khôn lường đối với an ninh khu vực cũng như thế giới và những người phải gánh chịu hậu quả lớn nhất, tồi tệ nhất không ai khác chính là người dân Palestine và cả người dân Israel. Dư luận quốc tế mong muốn các bên liên quan cần sớm chấm dứt xung đột, giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp, xây dựng Trung Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

NGUỒN: MINH ĐỨC – ĐỨC MẠNH