Để hiểu chuyến công du Campuchia của Thủ Tướng Phạm Minh Chính có tầm quan trọng như thế nào, chúng ta cần nhìn lại kết quả của chuyến thăm tới Trung Quốc vừa qua.
Nhìn vào chuyến thăm của Việt Nam đến Trung Quốc vừa qua, sẽ thấy một giai đoạn mới đã mở ra cho khu vực Đông Nam Á. Thái độ tiếp đón Việt Nam rất đặc biệt, với nghi thức ngoại giao cao nhất, hai nhà lãnh đạo đã gần như không có khoảng cách. Những hình ảnh ấy mang ý nghĩa rất lớn vì đó là thể hiện sự xoay trục của Trung Quốc.
Sau kỳ đại hội Đảng XX, Trung Quốc đang hướng đến một kỷ nguyên mới. Và để đạt được nó, Bắc Kinh cần vượt qua nhiều rào cản đến từ trong nước và từ các nước phương Tây. Do đó Trung Quốc cần một không gian xung quanh yên ổn, không bắt tay với phương Tây để chống lại Trung Quốc. Và ở phía Nam Trung Quốc là một cộng đồng các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Về mặt chính trị, nhiều quốc gia Đông Nam Á hiện nay đều có chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó xu hướng tới Trung Quốc sẽ thái độ ôn hòa hơn với khu vực này. Đông Nam Á cũng quan trọng với Trung Quốc về kinh tế, vì sẽ xuất khẩu được các mặt hàng nguyên liệu thô, phục vụ cho việc gia công và xuất khẩu hàng hóa ở các nước. Khi mà hàng xuất xứ từ Trung Quốc có xu hướng bị cấm cửa bởi các nước Phương Tây. Đông Nam Á có thể được xem như là lá chắn kinh tế đối với Trung Quốc.
Về vấn đề biển Đông, cần nhìn vào thực tế là Đài Loan hiện đang là một nút chặn, nếu sáp nhập được Đài Loan Trung Quốc sẽ thành công tiến ra Thái Bình Dương. Nên nếu nhìn trên thang đo lợi ích, việc duy trì mối quan hệ với Đông Nam Á sẽ tốt hơn là độc chiếm biển đông. Vì vậy, chuyến thăm của Việt Nam tới Trung Quốc vừa qua đã cho thấy an ninh hòa bình cho khu vực sẽ được đảm bảo lâu dài.
Vậy chuyến thăm tới Campuchia của Thủ Tướng nói lên điều gì?
Việc Trung Quốc có xu hướng ôn hòa trên biển Đông, đang tạo một giai đoạn thuận lợi cho các nước ASEAN tập trung phát triển kinh tế, hướng tới thịnh vượng chung của cả khối.
Do đó những chuyến thăm cấp cao là rất quan trọng, và cần thiết vào giai đoạn này. Với Campuchia, đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trên cương vị Thủ tướng và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Campuchia trong Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022. Thường xuyên duy trì kết nối giữa các lãnh đạo cấp cao sẽ giúp Việt Nam và Campuchia cũng như các nước Đông Nam Á có phản ứng nhanh kịp thời, không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế, y tế mà còn có thách thức về chính trị như căng thẳng Mỹ – Trung hay như vấn đề bất ổn ở Myanmar.
Mỗi một giai đoạn đều có giới hạn của nó, do đó Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á cần tận dụng cơ hội này để hướng tới mục tiêu thịnh vương chung. Phấn đấu để khối Đông Nam Á thịnh vượng sẽ mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Vì nếu Việt Nam giữ được một vai trò quan trọng trong một khu vực thịnh vượng, thì từ đó sẽ càng có tiếng nói hơn trên trường quốc tế. Không chỉ được chú ý hơn tại các cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc mà còn đủ tầm để ngồi vào bàn đàm phán song phương trong các vấn đề nóng bỏng với những siêu cường như Mỹ và Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tham vọng muốn nắm vận mệnh của cả Châu Á, thì Việt Nam cũng muốn một đóng một vai trò trong quá trình đưa khối Đông Nam Á đến thịnh vượng. Bằng những chuyến thăm cấp cao và những hợp đồng ký kết về kinh tế sẽ mở ra cơ hội củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong con mắt của các nước láng giềng.
Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về đầu tư trực tiếp tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư gần 2,8 tỷ USD vào thị trường nước láng giềng, với 188 dự án trong nhiều lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Với hệ thống luật kinh tế đang dần hoàn thiện, môi trường đầu tư Campuchia thời gian qua đã trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Việt Nam.
Việt Nam đã làm được và nay bối cảnh chính trị tiếp tục hỗ trợ chúng ta, nên với những chuyến thăm cấp cao là việc cần thiết, thường xuyên nên làm để đứng vững được ở vị trí quan trọng đó.
NGUỒN: CÁNH CÒ