Friday, 22nd November, 2024 4:02

TRUNG QUỐC CÓ THỂ KHIẾN QUAN HỆ MỸ- Ả RẬP SAUDI BỊ CHIA RẼ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp kết thúc giai đoạn dài không rời khỏi nước bằng chuyến thăm Ả Rập Saudi gặp Thái tử Mohammed bin Salman, theo tạp chí Politico.

Dù chưa được xác nhận chính thức, nhưng một nguồn tin tiết lộ chuyến thăm có thể diễn ra ngay tuần này.

Lựa chọn Ả Rập Saudi làm điểm đến đầu tiên sau hơn 2 năm không công du nước ngoài đem lại chiến thắng ngoại giao kép cho Chủ tịch Tập. Chuyến thăm giúp khẳng định mối quan hệ nồng ấm với một quốc gia cung cấp năng lượng quan trọng đồng thời cho phép ông Tập quảng bá sức mạnh Trung Quốc mà không sợ bị phản đối về chính sách đang áp dụng tại Tân Cương, Hồng Kông hay việc gia tăng đe dọa quân sự với Đài Loan.

Chuyến thăm không chỉ minh chứng cho ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, mà còn cho phép Thái tử bin Salman gửi thông điệp đến chính quyền Tổng thống Joe Biden: Mỹ có một đối thủ nặng ký cạnh tranh vị thế “bảo trợ” cho Ả Rập Saudi.

Theo học giả Michael Singh (Viện Washington về chính sách vùng Cận Đông): “Một phần trong chiến lược của Trung Quốc tại Trung Đông là thể hiện với các nước trong khu vực rằng họ là đối tác đáng tin cậy hơn và tốt hơn Mỹ. Bắc Kinh cố gắng truyền đạt thông điệp này theo cách không đối đầu trực tiếp với Washington. Chúng ta sẽ thấy thông điệp không chỉ được gửi đi từ Ả Rập Saudi mà còn từ nhiều đối tác khác: họ có lựa chọn mua vũ khí hay đầu tư thay thế Mỹ. Như vậy không có nghĩa các nước tìm cách xoay trục khỏi Mỹ mà chỉ là họ đang tìm kiếm lợi ích trong mối quan hệ đó”.

Chủ tịch Tập hủy hết mọi chuyến thăm nước ngoài kể từ khi Trung Quốc bùng dịch COVID-19 đầu năm 2020 đến nay. Ông chỉ mới rời Bắc Kinh để sang Hồng Kông vào tháng 6 vừa qua.

Cách xử lý tiếng nói bất đồng chính kiến không khoan nhượng của Ả Rập Saudi tương tự như Trung Quốc, khiến Riyadh trở thành điểm đến hấp dẫn để Chủ tịch Tập khởi động lại nỗ lực ngoại giao quốc tế bằng gặp gỡ trực tiếp. Giáo sư Dawn Murphy (Đại học Chiến tranh quốc gia Mỹ) cho biết: “Trong lần công du nước ngoài đầu tiên sau thời gian dài, Chủ tịch Tập muốn đến nước mà ông sẽ được đón tiếp tích cực”.

Tờ The Wall Street Journal vào tháng 3 đã tiết lộ Ả Rập Saudi mời Chủ tịch Tập sang thăm. Chọn thời điểm hiện tại công du đem lại cho cả Riyadh lẫn Bắc Kinh cơ hội so sánh sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc với chuyến thăm tháng 7 đầy căng thẳng và tranh cãi của Tổng thống Biden.

Chuyến thăm tháng 7 khiến Tống thống Biden nhận phải chỉ trích từ trong nước Mỹ lẫn sự tức giận từ Ả Rập Saudi. Lúc chưa lên nắm quyền ông từng chỉ trích Ả Rập Saudi “sát hại trẻ em” ở Yemen, cam kết buộc quốc gia Trung Đông này phải trả giá vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Trước thông tin Chủ tịch Tập chuẩn bị sang thăm Ả Rập Saudi, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Yemen Tim Lenderking tuyên bố: “Mỹ là đối tác quan trọng không chỉ với Ả Rập Saudi mà còn với từng quốc gia trong khu vực. Thông điệp chính mà Tổng thống Biden mang đến qua chuyến thăm tháng trước là Mỹ sẽ không đi đâu cả”.

Sự phụ thuộc vào dầu mỏ Ả Rập Saudi cung cấp của Trung Quốc giúp hai nước xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Bắc Kinh – Riyadh năm 2016 nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược gắn với hợp tác năng lượng ổn định và lâu dài. Năm 2021, Ả Rập Saudi trở thành đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc khởi xướng.

Vài tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, tập đoàn dầu khí nhà nước Ả Rập Saudi Aramco ký biên bản ghi nhớ hợp tác với đối tác Trung Quốc Sinopec trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, giới quan chức lưu ý rằng giữa tuyên bố hợp tác với hành động thực tế thường có khoảng cách rất lớn. Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách công (Đại học Rice) David Satterfield: “Cả Trung Quốc lẫn Ả Rập Saudi đều giỏi đưa ra nhiều tuyên bố về các khuôn khổ chiến lược hợp tác toàn diện mới, nhưng chúng chẳng bao giờ thành hiện thực”.

Học giả Michael Singh nhận định chuyến thăm sắp diễn ra là cơ hội để Chủ tịch Tập và Thái tử bin Salman thể hiện sự nâng cấp quan hệ bằng cách triển khai thực hiện cam kết bỏ USD chuyển sang dùng nhân dân tệ trong thanh toán một số giao dịch dầu. “Làm vậy nhắm vào thế thống trị của USD, làm giảm sức mạnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng tác động sẽ không đáng kể vì dầu được định giá bằng USD chứ không phải đồng rúp hay nhân dân tệ”, theo học giả Singh.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập cũng diễn ra trong lúc Ả Rập Saudi chỉ xem Trung Quốc là phương án mua khí tài quân sự cuối cùng. Bắc Kinh lâu nay thường cung cấp cho Riyadh những trang bị mà Washingtion từ chối bán nhằm tránh châm ngòi chạy đua vũ trang ở Trung Đông.

Đầu tháng 8, chính quyền Tổng thống Biden công bố gói vũ khí trị giá 3,05 tỉ USD cho Ả Rập Saudi, trong đó có cả hệ thống tên lửa Patriot.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Ả Rập Saudi Robert Jordan: “Ả Rập Saudi dường như không muốn cắt đứt quan hệ với Mỹ. Tôi nghĩ chuyến thăm của Tổng thống Biden đã giúp hồi sinh một số lĩnh vực trong quan hệ song phương”.

Cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị tại Trung Quốc giữa Mỹ với Trung Quốc có thể đem lại lợi ích cho Ả Rập Saudi. Cựu Đại sứ Jordan nhận định: “Họ có lựa chọn nhưng không thực sự muốn một mối quan hệ độc quyền”.

Ông Satterfield cho rằng: “Mỹ đang và vẫn sẽ là đối tác an ninh quan trọng với Ả Rập Saudi vì Iran vẫn là mối đe dọa lớn với Riyadh lẫn toàn vùng Vịnh. Trung Quốc không quan tâm đến Iran, không thể đóng vai trò đối tác hỗ trợ Ả Rập Saudi nếu nổ ra xung đột chống lại Iran”.

NGUỒN: MỘT THẾ GIỚI