Lợi dụng tình hình khó khăn trong bảo đảm ổn định thu nhập, việc làm của một số doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết kích động công nhân đình công, biểu tình.
Các bài viết này phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, cho rằng Công đoàn Việt Nam không đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động, và rằng chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập với Công đoàn Việt Nam mới chăm lo tốt cho quyền lợi của người lao động. Đây là âm mưu nguy hiểm, với ý đồ muốn phá hoại ổn định chính trị, phá hoại môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Luôn quan tâm, quyết liệt đề nghị tăng lương cho người lao động
Thời gian qua, những khó khăn của tình hình thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ lao động tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động như: Da giày, dệt may, gỗ… Có ít đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm việc làm, thậm chí cắt giảm lao động ngay vào thời điểm cuối năm 2022 và cận Tết Quý Mão năm 2023, làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, người lao động.
Do kinh tế thế giới khá ảm đạm, lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng thấp nên theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số người thất nghiệp năm 2022 có thể lên tới 207 triệu người. Như thế, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động đang là khó khăn chung của các nước trên thế giới.
Bất chấp thực tế khách quan đó, có quan điểm sai trái được lan truyền trên mạng cho rằng, Công đoàn Việt Nam hiện nay bỏ mặc, không còn quan tâm tới đấu tranh đòi quyền lợi, không đòi tăng lương cho người lao động, mà chỉ quan tâm kết nạp đoàn viên công đoàn.
Thực tế là vấn đề đấu tranh đòi tăng lương, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho người lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thực tế là trong các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tiếng nói của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn là tiếng nói đầy trọng lượng và rất quyết liệt. Mỗi lần họp bàn về tăng mức lương tối thiểu vùng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đưa ra một mức đề xuất cao nhất so với các ý kiến khác và đấu tranh quyết liệt với đại diện người sử dụng lao động để bảo vệ đề xuất ấy.
Cụ thể, ngay trong năm 2022 vừa qua, từ những đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, ngày 12-6-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Nghị định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2022. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng đã tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng/tháng) so với mức cũ. Về mức lương tối thiểu giờ, nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Các mức lương tối thiểu trên là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận và trả lương đối với người lao động.
Để bám sát tình hình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp theo quy định mới về mức lương tối thiểu.
Đồng thời liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn tại các tổng công ty trực thuộc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội… của các doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện nghị định của Chính phủ.
Đồng thời, các cấp công đoàn cũng nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.
Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm nào nhà nước có điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì tiền lương thực tế của người lao động sẽ được tăng cao hơn mức tăng bình quân khoảng 2%. Trong 10 năm qua, tiền lương của người lao động tăng bình quân 6-7% mỗi năm. Năm Covid-19 tác động mạnh, Nhà nước không điều chỉnh lương tối thiểu, tỷ lệ tăng có giảm còn 5-6%. Những năm kinh tế phát triển tốt, mức tăng đạt 8-9%. Chỉ khi thiếu giờ làm, tiền lương của người lao động mới phải giảm do doanh nghiệp cũng không có nguồn để bảo đảm. Tuy nhiên, hụt đơn hàng, thiếu việc cũng chỉ ở nhóm ngành sản xuất. Một số ngành như dịch vụ ăn uống vẫn có sự tăng trưởng.
Kịp thời giải quyết khi có tranh chấp lao động tập thể
Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, các cấp công đoàn đều chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, bảo đảm quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Đồng thời cần khẳng định rằng, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động không phải chỉ là trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.
Khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội, nhiều người lao động mất việc, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân, người lao động, trong đó vai trò của Công đoàn Việt Nam rất nổi bật.
Từ việc các cấp công đoàn quan tâm, phát hiện những khó khăn của người lao động, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 tập trung hỗ trợ 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp. Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.600 tỷ đồng.
Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin của công nhân, người lao động cũng như toàn thể nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Không tổ chức nào thay thế được Công đoàn Việt Nam
Cũng do luôn sâu sát, nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động nên ngay từ cuối quý III năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão 2023. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến sẽ chủ trì, trực tiếp tổ chức 21 Chương trình “Ngày hội công nhân-Phiên chợ nghĩa tình năm 2023” tại các địa phương có đông công nhân, người lao động, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn; dành gói hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng phân bổ về các công đoàn ngành, địa phương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh thực sự khó khăn, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người, được chi bằng tiền mặt (ước có khoảng 1 triệu đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ-bằng 10% tổng số đoàn viên công đoàn).
Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, tự quyết định mức chi chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Ví dụ như, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-LĐLĐ về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động nhân dịp Tết Quý Mão 2023 với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”.
Dự trù kinh phí chăm lo Tết Quý Mão năm 2023 cho đoàn viên, người lao động khó khăn của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh khoảng 140 tỷ đồng, trong đó, cấp thành phố bảo đảm từ 25-28 tỷ đồng, công đoàn cấp trên chăm lo 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể khác có hỗ trợ chăm lo Tết cho công nhân. Các hoạt động như tặng quà Tết, tặng vé xe về Tết, tổ chức chợ Tết bình ổn giá… rất thiết thực với công nhân, người lao động.
Như thế có thể thấy, ý kiến cho rằng người lao động bị Công đoàn Việt Nam bỏ mặc, Công đoàn Việt Nam không quan tâm đến đấu tranh đòi tăng lương, không quan tâm đấu tranh cho đời sống người lao động là ý kiến hoàn toàn sai trái. Nguy hại hơn nữa là mưu đồ kích động người lao động đình công tự phát, biểu tình để đòi tăng lương. Cần nhận thức rằng doanh nghiệp chính là môi trường làm việc, là nơi trả lương và bảo đảm đời sống cho người lao động.
Vì thế, công nhân, người lao động phải có trách nhiệm cùng xây dựng để doanh nghiệp phát triển, từ đó mới có nguồn lực để tăng lương, bảo đảm đời sống. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, bảo đảm quyền lợi hài hòa, cùng chia sẻ khó khăn giữa công nhân và người sử dụng lao động là một chủ trương đúng đắn của Công đoàn Việt Nam. Môi trường kinh doanh có ổn định thì các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Do đó, việc kích động công nhân biểu tình, đình công tự phát là lừa phỉnh họ, xui họ làm điều sai trái, để rồi tự hủy hoại nồi cơm của chính mình.
Có thể khẳng định, từ khi ra đời cho tới nay, Công đoàn Việt Nam vẫn luôn là tổ chức có vai trò chính trị quan trọng, có uy tín cao, hiệu quả cao trong việc đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, người lao động, chưa có tổ chức nào có thể thay thế vai trò của Công đoàn Việt Nam. Không sự bôi nhọ, xuyên tạc nào có thể phủ nhận được thực tế rõ ràng đó.
NGUỒN: QDND