Saturday, 18th January, 2025 15:40

Hai nghiên cứu công bố hôm 6/10 xác nhận rằng khả năng bảo vệ miễn dịch được cung cấp bởi hai liều vaccine Covid-19 của Pfizer sẽ bị giảm chỉ sau vài tháng.

Tuy vậy, khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong vẫn còn mạnh mẽ.

Hai nghiên cứu này ủng hộ quan điểm rằng cần cho tiêm liều Pfizer bổ trợ thứ ba để tối ưu hóa khả năng bảo vệ.

Các nghiên cứu từ Israel và Qatar và được công bố trên Tạp chí Y học New England, ủng hộ lập luận rằng ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng cần duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Trước hết, nghiên cứu từ Israel đã thực hiện trên 4.800 nhân viên y tế, cho thấy mức độ kháng thể giảm nhanh chóng sau hai liều vaccine “đặc biệt là ở nam giới, ở những người từ 65 tuổi trở lên và ở những người bị ức chế miễn dịch.”

Tiến sĩ Gili Regev-Yochay tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu với các nhân viên y tế tại Sheba.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mức độ được gọi là kháng thể trung hòa – tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng – có tương quan với khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Nhưng đối với nghiên cứu này, họ chỉ nghiên cứu mức độ kháng thể.

Họ viết: “Các công trình đã công bố về nhiều loại vaccine, chẳng hạn như vaccine ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella, đã cho thấy mức độ kháng thể trung hòa giảm mỗi năm từ 5 đến 10%. Chúng tôi nhận thấy rằng phản ứng dịch thể đối với vaccine BNT162b2 của Pfizer giảm đáng kể và nhanh chóng trong vòng vài tháng sau khi tiêm chủng.”

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng miễn dịch đối với những người được chủng ngừa sau khi nhiễm Covid-19 tự nhiên kéo dài lâu hơn. Nó đặc biệt mạnh đối với những người đã hồi phục sau nhiễm trùng và sau đó được tiêm chủng.

Họ viết: “Nhìn chung, bằng chứng tích lũy từ nghiên cứu của chúng tôi và những người khác cho thấy phản ứng dịch thể lâu dài và hiệu quả vaccine ở những người đã nhiễm bệnh trước đó thì tỏ ra cao hơn so với ở những người nhận hai liều vaccine.”

Một nghiên cứu thứ hai từ Qatar đã xem xét các ca nhiễm trùng thực tế của dân Qatar, là nơi đã tiêm nhiều vaccine, chủ yếu là tiêm Pfizer.

Laith Abu-Raddad của Weill Cornell Medicine-Qatar và các đồng nghiệp viết: “Sự bảo vệ chống lại nhiễm trùng nhờ vaccine BNT162b2 được tạo ra nhanh chóng sau liều đầu tiên, đạt đỉnh trong tháng đầu tiên sau liều thứ hai, và sau đó giảm dần trong những tháng tiếp theo. Sự suy yếu dường như sẽ tăng tốc sau tháng thứ tư, đạt mức thấp khoảng 20% trong những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện và tử vong vẫn ở mức trên 90%, họ nói.

Họ lưu ý rằng sự bảo vệ đang suy yếu có thể liên quan đến hành vi. Họ viết: “Những người được tiêm chủng có lẽ có tỷ lệ tiếp xúc xã hội cao hơn những người không được tiêm chủng và cũng có thể có mức độ tuân thủ các biện pháp an toàn thấp hơn.”

Họ viết: “Những phát hiện này cho thấy rằng một phần lớn dân số được tiêm chủng có thể mất khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong những tháng tới, có thể làm tăng khả năng xảy ra các đợt dịch mới”.