Năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến bức tranh toàn cảnh đầy biến động với cả hai màu tối, sáng đan xen. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chạy đua vũ trang,… diễn ra gay gắt ở nhiều nơi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng dư chấn của nó vẫn chi phối và tác động đến nhiều quốc gia. Tạp chí Quốc phòng toàn dân tổng hợp, giới thiệu “10 sự kiện quốc phòng, quân sự thế giới nổi bật năm 2022”.
1 – Xung đột quân sự Nga – Ukraine
Bùng phát từ ngày 24/02/2022, xung đột quân sự Nga – Ukraine diễn ra ngày càng khốc liệt và chưa thể có hồi kết, bởi ngoài sự tham chiến của lực lượng quân đội hai nước còn có sự can dự của nhiều nhân tố bên ngoài ở những mức độ khác nhau, khiến cho xung đột càng phức tạp, khó lường. Theo các nhà phân tích quốc tế, cuộc chiến Nga – Ukraine thực chất là cuộc đối đầu giữa các siêu cường, các trung tâm quyền lực để định hình một trật tự thế giới mới trong tương lai. Chính điều này đã đẩy cuộc xung đột ngày một nguy hiểm hơn và tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.
2. Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng mới
Tháng 10/2022, Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) và Chiến lược quốc phòng mới. Điểm nổi bật của cả hai chiến lược đều cho rằng, “kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh” đã kết thúc và Mỹ đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ; đồng thời, xác định Nga, Trung Quốc là “các thách thức chiến lược cấp bách nhất”. Để đạt được mục tiêu, Mỹ chú trọng phương châm chiến lược “răn đe kết hợp” dựa trên sử dụng đồng bộ sức mạnh quân sự (trong đó có kho vũ khí hạt nhân), áp lực kinh tế và chính trị, cùng các liên minh mạnh mẽ, để ngăn chặn kẻ thù tiến công nước Mỹ. Các chiến lược cũng đề xuất tập trung nghiên cứu, phát triển các công nghệ tối tân, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và vũ khí năng lượng định hướng.
Theo giới phân tích, NSS và Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ không có sự thay đổi lớn nào trong tư duy và chính sách; thay vào đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm cho rằng, duy trì “vai trò lãnh đạo độc tôn” là chìa khóa để Mỹ vượt qua các mối đe dọa toàn cầu và “định hình tương lai trật tự quốc tế”.
3. NATO đưa ra khái niệm Chiến lược mới
Khái niệm Chiến lược mới được các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua ngày 29/6/2022; trong đó xác định: tổ chức này đang bước vào “kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược”; đồng thời, nhấn mạnh 03 nhiệm vụ cốt lõi: vừa răn đe phòng thủ, vừa phòng ngừa giải quyết khủng hoảng và phòng vệ tập thể. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, NATO chuyển từ việc xem Nga là “đối tác chiến lược” trở thành mục tiêu đe dọa trực tiếp nhất. Đặc biệt, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành một chủ đề chính thức trong khái niệm Chiến lược mới, coi Trung Quốc là “thách thức hệ thống” lâu dài và cũng lần đầu tiên các đối tác Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản có mặt tại một hội nghị cấp cao nhất của NATO, cho thấy rõ sự thay đổi nhận thức của Khối trong việc mở rộng ảnh hưởng về phía Đông.
4. Đàm phán về Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ – Nga và NATO – Nga thất bại
Đầu tháng 01/2022, giới chức Mỹ, NATO và Nga đã tiến hành đàm phán Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ – Nga và NATO – Nga. Theo đó, dự thảo Hiệp ước đảm bảo an ninh Nga – Mỹ (do Nga soạn thảo) gồm 11 điều khoản; trong đó, Nga đề xuất Mỹ phải cam kết không tiếp tục mở rộng NATO sang phía Đông, không kết nạp thêm các nước đã từng là thành viên của Liên Xô trước đây, v.v. Đối với Hiệp ước đảm bảo an ninh Nga – NATO (cũng do Nga đề xuất) gồm 09 điều khoản; trong đó, Nga cũng yêu cầu NATO cam kết không tiếp tục mở rộng, bao gồm cam kết không kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên; đồng thời, đề xuất hai bên sẽ không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực được coi là có thể tấn công các mục tiêu lãnh thổ của nhau.
Tuy nhiên, do không có nhận thức chung nên Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga – Mỹ, Nga – NATO mà phía Nga đề xuất chưa được ký kết. Trong khi Mỹ, NATO phản đối Nga áp đặt ý chí của mình lên chính sách đối ngoại của Mỹ và NATO, điều mà họ cho là “không thể chấp nhận được”, thì Nga khẳng định, những yêu cầu của họ đối với Mỹ và NATO chỉ nhằm bảo đảm an ninh công bằng giữa các bên; đồng thời, cảnh báo sẽ áp dụng mọi biện pháp hợp pháp khi nhận thấy bị đe dọa. Khi đó, quan hệ giữa Nga với Mỹ, NATO sẽ đứng trước những hậu quả cực kỳ khó lường. Thực tế là xung đột Nga – Ukraine đã nổ ra, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh châu Âu và thế giới.
5. Triều Tiên thông qua luật tuyên bố trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân
Năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện 18 lần phóng thử tên lửa với lý do đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, coi đó là hành động khiêu khích và gây bất ổn. Đáng chú ý, ngày 02/11/2022, Bình Nhưỡng đã phóng ít nhất 23 tên lửa hướng ra vùng biển phía Đông và phía Tây của bán đảo Triều Tiên. Vụ phóng này đánh dấu lần đầu tiên tên lửa của Triều Tiên rơi gần lãnh hải Hàn Quốc kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cách đây hơn 70 năm.
Đặc biệt, ngày 08/9/2022, Quốc hội Triều Tiên thông qua luật tuyên bố là quốc gia sỏ hữu vũ khí hạt nhân, khẳng định nước này không thảo luận về giải trừ hạt nhân và cho phép tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nếu bị đe dọa. Theo các nhà phân tích quốc tế, việc thông qua luật này là nhằm chế định tình huống để Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, trong đó bao gồm khả năng đáp trả hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt của đối phương nhằm vào các “mục tiêu chiến lược” của nước này.
6. Liên minh châu Âu thông qua kế hoạch xây dựng nền quốc phòng độc lập
Ngày 21/3/2022, EU đã thông qua Định hướng chiến lược có tính “lịch sử” – xây dựng nền quốc phòng độc lập, còn được gọi là Kế hoạch “La bàn chiến lược”. Kế hoạch gồm 4 trụ cột: hành động, đầu tư, đối tác và bảo mật; trong đó, ưu tiên thành lập lực lượng phản ứng nhanh khoảng 5.000 người, được trang bị hiện đại, đủ khả năng tác chiến linh hoạt ở trong và ngoài khu vực. Theo đó, EU sẽ tăng ngân sách quốc phòng đầu tư cho nghiên cứu phát triển, mua sắm các vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến; mở rộng hợp tác quân sự đa phương, nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích của liên minh ở khu vực và trên toàn cầu. EU cũng sử dụng Quỹ Hòa bình châu Âu để hỗ trợ phát triển quốc phòng cho các nước thành viên và hỗ trợ cho các bên đối tác trong các hoạt động quân sự cần thiết. Lãnh đạo của EU tuyên bố “La bàn chiến lược” sẽ là kim chỉ nam, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho chính sách an ninh và quốc phòng độc lập của EU trong thời gian tới.
7. Nga thông qua Học thuyết Hải quân mới
Ngày 31/7/2022, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh thông qua Học thuyết Hải quân mới. So với Học thuyết Hải quân năm 2015, Học thuyết mới có rất nhiều thay đổi quan trọng khi nghiêng về quan điểm đối đầu toàn diện với phương Tây; chủ trương tăng cường sự hiện diện và khả năng tác chiến của Hải quân Nga ở các vùng biển trên toàn thế giới. Để đạt mục tiêu chiến lược, Nga sẽ tái cơ cấu hoàn toàn ngành công nghiệp đóng tàu, mở rộng khả năng sản xuất và sử dụng công nghệ mới cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự; phục hồi các hoạt động thăm dò đáy biển và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Học thuyết mới chủ trương tăng cường quan hệ với các nước bè bạn, các nước đối tác để đảm bảo sự hiện diện quân sự của Nga tại Địa Trung Hải, Vịnh Persia và các vùng biển chiến lược khác. Học thuyết đưa ra 3 cấp độ lợi ích: (1). “Các khu vực có lợi ích sống còn”, Nga có thể sử dụng tất cả sức mạnh để bảo vệ. (2). “Các khu vực quan trọng”, việc sử dụng vũ lực là biện pháp cuối cùng sau khi không còn sự lựa chọn nào khác. (3). “Các khu vực khác”: phần còn lại của vùng biển quốc tế, nơi các lợi ích của Nga sẽ được thúc đẩy bằng các phương pháp phi vũ lực.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, Học thuyết Hải quân năm 2022 là tài liệu an ninh quốc gia đầu tiên mà Nga công bố kể từ cuộc chiến ở Ukraina, phản ánh tư duy chiến lược của Điện Kremlin ở thời điểm hiện tại.
8. Nhật Bản công bố chính sách quốc phòng mới
Tháng 11/2022 Nhật Bản thông qua 03 văn kiện quan trọng bao gồm: “Chiến lược an ninh quốc gia”, “Chiến lược phòng thủ quốc gia” và “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng”. Theo các nhà phân tích, có rất nhiều nội dung đáng chú ý trong ba văn kiện liên quan tới lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản. (1). “Chiến lược an ninh quốc gia” định vị Trung Quốc như một thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay đối với đất nước Mặt trời mọc. (2). “Chiến lược phòng thủ quốc gia” nêu rõ việc Nhật Bản sẽ sở hữu “khả năng phản công” khi cần thiết. (3). “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng” xác định kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng giai đoạn 2023 – 2027 lên 43.000 tỉ yên (tương đương khoảng 315 tỉ USD), tăng 15.500 tỉ yên so với giai đoạn 2019 – 2023. Theo nhận định của các nhà quan sát, những thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản, nhằm gia tăng khả năng phòng thủ cũng như sức mạnh của nước này trước những biến động khó lường của khu vực và thế giới.
9. Thụy Điển và Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tổ chức tháng 9/2022, các nước thành viên NATO đã đạt được đồng thuận để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Trước đó, vào tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo các quan chức NATO, việc phê chuẩn để Thụy Điển và Phần Lan là thành viên chính thức của NATO cần khoảng thời gian tới 01 năm; khi được thông qua, hai nước này sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của Điều 5 trong Hiệp ước. Tức là khi một nước thành viên của NATO bị xâm lược thì toàn Khối coi như cũng bị xâm lược, đổi lại hai nước cũng phải sẵn sàng tham chiến bên cạnh NATO nếu một thành viên của Khối bị tấn công. Việc Thụy Điển và Phần Lan là hai quốc gia thực hiện chính sách trung lập gia nhập NATO đã cho thấy sự thay đổi về lập trường của các quốc gia này do tác động sâu sắc của tình hình an ninh khu vực và thế giới.
10. Các nước nới lỏng hoặc bãi bỏ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Với việc hơn một nửa dân số trên thế giới (54%) đã được tiêm vắc xin phòng bệnh, tình hình đại dịch Covid-19 đã trong tầm kiểm soát ở nhiều quốc gia. Đến nay, hầu hết các nước đã ban hành lộ trình nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường, cho phép mở cửa biên giới, nối lại các hoạt động giao thương quốc tế bằng đường không, đường bộ và đường biển, v.v.
Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, việc kiểm soát được dịch Covid-19 đã cho phép các nước tổ chức trở lại các hoạt động quân sự, duy trì và phát triển năng lực tác chiến của quân đội. Đặc biệt, thông qua tham gia phòng, chống dịch, năng lực của quân đội ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống được nâng lên và là lực lượng không thể thiếu trong quản lý khủng hoảng, góp phần ổn định hòa bình chung của nhân loại.
NGUỒN: QDTD