Saturday, 20th April, 2024 23:19
HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương chiến tranh do chất độc da cam/dioxin để lại vẫn không ngừng gây đau thương cho biết bao thế hệ người Việt Nam.

Thời gian qua, trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam và Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy các giải pháp hiệu quả, thiết thực để hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá những nỗ lực trên là chưa đủ, bởi ở Việt Nam vẫn còn khoảng 3 triệu người chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam và những thế hệ tiếp theo của người Việt đang tiếp tục bị tác động bởi thảm họa này.

Trong bài đăng mới đây trên trang usip.org, TS Andrew Wells-Dang, Giám đốc chương trình Sáng kiến hòa giải và Di sản chiến tranh Việt Nam, Viện Hòa bình Mỹ (USIP) đánh giá: “Chất độc da cam và những chất độc hóa học khác mà Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam đã để lại một trong những hậu quả lâu dài và sâu sắc nhất đối với người dân đất nước hình chữ S”.

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành rải chất khai quang ồ ạt tại Việt Nam nhằm san bằng các cánh rừng già, nhiều nơi là căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phá hoại mùa màng cùng môi trường sống của người dân.

Được sử dụng rộng rãi nhất là loại chứa một chất cực kỳ độc hại: Dioxin. Sản phẩm hóa học này có đặc tính ổn định, chịu được 1.000 độ C trở lên và phân hủy rất chậm, do đó gây ảnh hưởng đến con người và môi trường trong thời gian dài.

Trong vòng 10 năm, ước tính khoảng 80 triệu lít chất khai quang với lượng dioxin lên tới gần 400kg đã được rải trên 3 triệu ha, gần bằng 1/4 diện tích của miền Nam Việt Nam. Hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam/dioxin đã di nhiễm sang thế hệ thứ tư. Từ thực tế trên, TS Andrew Wells-Dang cho rằng, Chính phủ Mỹ có trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm lịch sử trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam tại cả Việt Nam lẫn Mỹ.

Cùng nhận định trên, ông Phan Xuân Dũng, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) ở Singapore cho rằng, giải quyết những ảnh hưởng lâu dài của chất độc da cam là một khía cạnh quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ phát triển đi vào chiều sâu, vì nó tạo điều kiện cho “xây dựng và hàn gắn lòng tin” giữa hai nước.

“Trong những thập kỷ gần đây, quan hệ Việt-Mỹ có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn quan hệ đối tác song phương đi vào thực chất, hiệu quả thì điều quan trọng là Mỹ phải thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các hậu quả chiến tranh một cách nghiêm túc”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Có một điều cần lưu ý rằng, dù Mỹ có phối hợp với Việt Nam trong các dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại một số điểm nóng, nhưng cho đến nay, chính phủ nước này chưa từng lên tiếng nhận trách nhiệm cũng như tuyên bố sẽ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân da cam Việt Nam.

Trong những phát biểu gần đây, các quan chức Mỹ khẳng định sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề này, nhưng đến nay, Mỹ vẫn vô tình hay cố ý phân biệt đối xử trong việc bồi thường cho các cựu binh Mỹ và các nạn nhân da cam Việt Nam.

Một mặt, Mỹ cho rằng, không có bằng chứng khoa học khẳng định mối liên hệ giữa những vấn đề sức khỏe của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam với việc phơi nhiễm dioxin. Do đó, Mỹ từ chối bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam (ngoài việc hỗ trợ Việt Nam tẩy độc môi trường, Mỹ chỉ viện trợ các chương trình chăm sóc y tế với mức độ hạn chế cho người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân).

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã công nhận danh mục các loại bệnh của cựu binh Mỹ có liên quan tới việc phơi nhiễm dioxin, đã bồi thường hàng trăm triệu USD cho những cựu binh này. Từ thực tế đó có thể thấy, Mỹ đã và đang áp đặt “tiêu chuẩn kép” để bảo đảm tối đa lợi ích của Mỹ, phớt lờ quyền lợi của các quốc gia khác.

“Đối xử bình đẳng với tất cả nạn nhân da cam là một hành động đạo đức cần làm. Nếu hai bên có thể đạt được thỏa thuận như vậy, đó sẽ là một bước tiến lớn góp phần tăng cường lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo bàn đạp để mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển mạnh mẽ và tích cực hơn nữa trong những năm tới”, ông Phan Xuân Dũng khẳng định.

NGUỒN: HÀ LAN