Theo Nikkei Asia Review, bằng những nỗ lực khôi khục nền kinh tế, Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế một cách ngoạn mục. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, vươn lên vị trí dẫn đầu tăng trưởng toàn châu Á.
Trích dự báo kinh tế mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5% hồi tháng 4 xuống 2,8%. Điều này làm chậm lại tốc độ tăng trưởng dự báo cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương xuống còn 3,2% cho năm nay.
Trước đó, trong tháng 4, WB dự báo khu vực tăng trưởng 5%. Khu vực được dự báo trong báo cáo bao gồm Đông Á, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Việt Nam đang dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng hàng năm là 7,2%, tăng từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Triển vọng với Indonesia không đổi ở mức 5,1%. Ngoại trừ Trung Quốc, khu vực được dự kiến tăng trưởng 5,3% trong năm 2022, với các dự báo tăng trưởng cho Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Phần lớn khu vực đã mở cửa trở lại cho việc đi lại và nới lỏng các hạn chế ngừa đại dịch dù Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” và áp đặt các đợt phong tỏa lẻ tẻ ở các thành phố lớn. WB dự đoán Philippines, Thái Lan và Campuchia sẽ trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch vào cuối năm nay.
Điều này cùng là dễ hiểu khi Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cũng như xuất khẩu mạnh mẽ đồ điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác. Nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mong muốn chuyển sang hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Không chỉ vượt Trung Quốc về tăng trưởng, từ đầu năm 2021, Việt Nam cũng đã vượt qua một số nước khác như Ấn Độ để trở thành điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn ở châu Á.
Trích dẫn thông tin từ Bộ phận phân tích thông tin (EIU), Việt Nam đang vươn lên nhanh chóng, trở thành trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng giá rẻ.
Báo cáo của EIU cho thấy, các yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn hơn các nước khác là nhờ động lực khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đội ngũ lao động chi phí cạnh tranh và có ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do.
Lý giải nguyên nhân khiến Việt Nam trở nên thân thiện với nhà đầu tư, chiến lược gia Ruchir Sharma chuyên về thị trường mới nổi tại Morgan Stanley cho biết, FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – tỷ lệ cao nhất ở các nền kinh tế mới nổi.
Tờ Financial Express (Ấn Độ) cũng nhận xét Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất chi phí thấp, đánh bại Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách FDI, chính sách ngoại thương và kiểm soát hối đoái.
Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận định, sự ổn định chính trị – xã hội và cơ cấu dân số đã giúp Việt Nam giành được niềm tin của các nhà đầu tư.
NGUỒN: CÁNH CÒ