Saturday, 23rd November, 2024 5:24

CẢNH GIÁC TRƯỚC MƯU ĐỒ THÀNH LẬP NHÀ NƯỚC "KHMER KROM"

Lợi dụng vấn đề dân tộc gây chia rẽ khối đại đoàn kết là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Một trong những chiêu trò của các đối tượng chống phá đang tiến hành là tuyên truyền, xuyên tạc về cái gọi là quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số và đánh đồng nó với quyền dân tộc tự quyết. Mưu đồ thành lập nhà nước Khmer Krôm tại các tỉnh Tây Nam Bộ chính là thủ đoạn gây hận thù trong đồng bào Khmer. Qua đó, kích động số chống đối cực đoan tiến hành các hoạt động đòi ly khai tự trị.

1. Với hơn 1,3 triệu người đồng bào Khmer Tây Nam Bộ có truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, cùng các dân tộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.

Sự hình thành, ổn định và phát triển của vùng đất Nam Bộ từ xa xưa đến ngày nay là minh chứng về sự đoàn kết; một yếu tố nội sinh để cùng nhau phát triển của các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa trong chỉnh thể của một nước Việt Nam độc lập thống nhất. Một chân lý không thể phủ nhận đó là: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Song, các thế lực thù địch từ bên ngoài vẫn không từ bỏ âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc, không ngừng kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai tự trị trong cộng đồng người Khmer; xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ hòng phá hoại, chia rẽ mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

2. Phật giáo Nam tông giữ vai trò là tôn giáo của dân tộc Khmer, góp phần trong việc bảo tồn, bổ sung và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống Khmer Nam Bộ. Hầu hết các lễ hội của dân tộc đều gắn liền với sự tích của Phật giáo Nam tông như: Chôl chnăm Thmây, Đôntal, Ok om bok,… Phật giáo Nam tông có vai trò quan trọng trong việc làm đa dạng và phong phú thêm đối với loại hình nghệ thuật dân tộc của người Khmer.

Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống đối tìm cách tiếp cận một số sư, tăng bị chi phối bởi các mục đích chính trị từ bên ngoài thông qua việc tài trợ học bổng đi nước ngoài học tập và một số hoạt động xã hội nhằm xây dựng lực lượng tử bên trong, ngấm ngầm tuyên truyền các tư tưởng cực đoan, thù địch, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước.

Những năm qua đã manh nha xuất hiện một số tổ chức hội, nhóm của các sư tăng Khmer có ý đồ chống đối, gây mất an ninh trật tự ở một số địa phương trong khu vực.

3. Các tổ chức chính trị phản động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc thiểu số ở Nam Bộ để gieo rắc những thông tin sai trái, xuyên tạc. Chúng lợi dụng internet, thường xuyên thu thập thông tin, tình hình trong nước, sau đó đăng tải trên mạng xã hội bóp méo sự thật, vu cáo chính quyền địa phương vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc và cung cấp cho các thế lực thù địch bên ngoài nhằm thực hiện mưu đồ chống phá.

Những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, người có uy tín trong đồng bào và lực lượng Công an thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là âm mưu diễn biến hòa bình của các thế thù địch phản động. Đồng thời vận động chức sắc và tín đồ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, tự phòng, tự quản về an ninh trật tự và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động ở địa phương như: chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã thật sự phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đồng bào Khmer phát triển toàn diện; hàng loạt những chính sách an sinh xã hội, kinh tế, hỗ trợ vốn sản xuất, đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sạch sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo,đời sống khó khăn. Riêng chính sách hỗ trợ giúp đỡ bà con nghèo, nhất là những dịp lễ Tết cổ truyền Chôl chnăm Thmây của đồng bào Khmer đã góp phần làm ấm hơn tình đoàn kết của dân tộc. Kết quả thực hiện những chính sách này đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo hiệu quả, từng bước đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con Khmer.

4. Mục đích kêu gọi thành lập cái gọi là Khmer Krom hoặc kêu gọi sát nhập Tây Nam Bộ vào Campuchia, hành động này đe dọa nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam. Chúng muốn kích động đồng báo Khmer ở Việt Nam và người dân Campuchia chống phá và chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.

Là hai nước láng giềng có chung biên giới, cùng là thành viên ASEAN, tình đoàn kết hữu nghị là giá trị tốt đẹp bền vững, được hun đút từ lịch sử hàng nghìn năm của hai nước Việt Nam – Campuchia và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung.
Tại Lễ kỷ niệm 45 năm Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, tổ chức ngày 20/6/2022, Thủ tướng Campuchia – Hun Sen khẳng định rằng hành động của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia cùng Campuchia trong sự nghiệp giải phóng đất nước, cứu nhân dân Campuchia rút khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và phát triển đất nước.
Hai thủ tướng bày tỏ vui mừng khi cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, không ngừng của đất nước Chùa Tháp, tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai thủ tướng khẳng định coi trọng mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cùng nhau thắt chặt, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”./.

NGUỒN: TRI THỨC MỚI