Saturday, 14th September, 2024 15:49

Nhà chức trách Nhật cho biết đã phát hiện chất lạ trong 5 lọ vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer tại hai thành phố gần thủ đô Tokyo và một thành phố thuộc tỉnh Osaka.

Các lọ vắc xin chứa chất trắng trôi nổi đều thuộc về cùng một lô FF5357, theo chính quyền các thành phố Sagamihara và Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa và thành phố Sakai thuộc tỉnh Osaka, miền tây Nhật.

 

Ba thành phố Nhật phát hiện vắc xin Pfizer nhiễm bẩn

Các lọ chứa vắc xin Pfizer. Ảnh: Kyodo

 

Cụ thể, các lọ Pfizer chứa tạp chất xuất hiện ở 3 địa điểm tiêm chủng ở Sagamihara từ ngày 11 – 14/9, một địa điểm ở Kamakura vào ngày 12/9 và một điểm tiêm chủng ở Sakai hôm 14/9.

 

Báo Japan Times đưa tin, cả 3 thành phố nói trên đã yêu cầu Pfizer phân tích chất lạ. Họ tuyên bố đã không dùng các lọ vắc xin nhiễm bẩn, nhưng tiếp tục tiêm các liều Pfizer khác thuộc cùng lô vắc xin được xác nhận không bị lẫn tạp chất.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật gặp sự cố với vắc xin Covid-19. Hồi tháng 8, Bộ Y tế nước này đã buộc phải cho ngưng sử dụng khoảng 1,63 triệu liều vắc xin Moderna để phòng ngừa rủi ro sau khi phát hiện các chất lạ trong nhiều lọ vắc xin của hãng.

 

Tuần trước, chiến dịch tiêm chủng quốc gia của Nhật đã đạt cột mốc quan trọng khi 50% dân số toàn quốc được chủng ngừa đầy đủ. Phát biểu trong chương trình tọa đàm với kênh NHK hôm 12/9, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch ở đất nước mặt trời mọc cho hay, khoảng 60% dân số toàn quốc dự kiến sẽ được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 vào cuối tháng 9, tương đương mức hiện tại ở châu Âu.

 

Theo ông Nishimura, chính phủ đang nghiên cứu lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế vào khoảng tháng 11, khi phần lớn người dân dự kiến hoàn thành tiêm chủng. Khi đó, những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có xét nghiệm âm tính sẽ được phép đi du lịch, tụ tập tiệc tùng hoặc tham dự các sự kiện đại chúng.

 

Báo New York Times thống kê, cho đến nay, Nhật đã tiêm được ít nhất một liều vắc xin cho 64% dân số và 52% hoàn thành tiêm chủng.