Friday, 22nd November, 2024 15:53

CẢNH GIÁC VIỆC LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước Việt Nam công nhận hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, tại Việt Nam chưa từng xảy ra xung đột tôn giáo nghiêm trọng. Thế nhưng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay, do âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nên đã xảy ra một số “điểm nóng” về chính trị – xã hội liên quan đến việc lợi dụng vấn đề tôn giáo ở một số địa phương.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, các hoạt động tài trợ để cổ vũ, kích động, nhen nhóm thành lập nhiều tổ chức phản động gắn với các hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị nhằm chống Đảng, chống chính quyền, tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn, ở nhiều địa phương. Không những thế, chúng còn kích động các tín đồ, chức sắc các tôn giáo chống lại chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Thực tế tại Việt Nam, ngay sau khi giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác tôn giáo. Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp của Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Ngày 14-6-1955, Người đã ký Sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.

Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà và lịch sử đã chứng minh, dù trong điều kiện khó khăn của đất nước, nhưng chức sắc các tôn giáo đồng bào có đạo giáo khẳng định rõ sự gắn bó đồng hành với dân tộc.

Các hoạt động tôn giáo lớn trở thành lễ hội của người dân như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng với hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam; với Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức hội thảo: Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ”; Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”… Việt Nam cũng đã chủ động cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trao đổi tận cùng các vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm, để thấy rõ thực tiễn về đời sống tôn giáo ở Việt Nam đa dạng, phong phú.

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Trước đây, trong văn kiện Đại hội X, XI, XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”, thì trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần.

Nguồn lực tinh thần của các tôn giáo chính là các giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo và nguồn lực vật chất của tôn giáo chính là nguồn lực vật chất của các tín đồ, chức sắc tôn giáo được thể hiện trong hoạt động của họ. Nguồn lực vật chất của các tôn giáo thể hiện ở việc các tín đồ và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt các đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra là để thực hiện các mục tiêu của cách mạng, góp phần phát triển đất nước.

Chính sách, pháp luật của Việt Nam đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo chính đáng của nhân dân và quyền này đã được thực thi trên thực tế. Dù các thế lực thù địch dùng trăm mưu nghìn kế để chống phá nhưng chúng không thể phủ nhận được chính sách ưu việt về tôn giáo tại Việt Nam. Vì thế mọi người cần cảnh giác trước những thông tin xấu, độc từ các đối tượng thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam./.

NGUỒN: ST