Friday, 3rd May, 2024 3:41

AI CÓ THỂ NGĂN CHẶN PHƯƠNG TÂY PHÁ TAN HOANG THẾ GIỚI, NẾU KHÔNG PHẢI NGA?

Mặc dù các thách thức an ninh trong từng khu vực đều có những đặc điểm riêng, nhưng tôi xin nhắc lại, trên thực tế, tất cả những thách thức đó đều được tạo ra từ các cuộc phiêu lưu địa chính trị, các hành động ích kỷ, tân thực dân của Phương Tây.

Thông điệp của Tổng thống Nga V. Putin gửi các thành viên tham dự và khách mời của Hội nghị an ninh quốc tế Moskva lần thứ XI ngày 15/8/2023.

Thưa quý vị và các bạn! Kính thưa các quý khách đến từ các nước!

Tôi chào mừng các quý vị đã đến với Hội nghị an ninh quốc tế Moskva lần thứ XI.

Đại diện của các Bộ quốc phòng, các nhà ngoại giao và các chuyên gia tập trung tại Moskva để thảo luận các vấn đề trong chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực.

Ngày nay, những cuộc thảo luận cởi mở, trung thực, không thiên vị như vậy là vô cùng quan trọng và cần thiết, bởi vì tất cả chúng ta, toàn bộ cộng đồng thế giới trên cơ sở bình đẳng sẽ cùng nhau tạo dựng khung định hình tương lai.

Chúng ta đang chứng kiến quá trình nhất quán hình thành thế giới đa cực. Hầu hết các quốc gia sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ truyền thống, văn hóa và lối sống của họ. Các trung tâm kinh tế và chính trị mới đang được củng cố.

Tất cả những điều này có thể trở thành cơ sở quan trọng cho sự phát triển toàn cầu ổn định và tiến bộ, cho một giải pháp công bằng và quan trọng nhất là giải pháp thực sự để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, công nghệ và môi trường, để cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi của hàng triệu người.

Trong khi đó, ở các khu vực khác nhau trên thế giới, các cuộc xung đột cũ đang leo thang và bùng phát những cuộc xung đột mới. Mục tiêu của những kẻ gây ra điều này là quá rõ ràng: họ tiếp tục tìm kiếm lợi ích từ những thảm kịch của con người, hủy hoại các dân tộc, buộc các quốc gia phải cam tâm làm chư hầu trong khuôn khổ hệ thống thực dân mới, để khai thác tài nguyên của các quốc gia đó một cách không thương tiếc.

Các nước thành viên NATO tiếp tục xây dựng và hiện đại hóa khả năng tấn công của mình, ráo riết nỗ lực chuyển đối đầu quân sự vào không gian vũ trụ và không gian thông tin, đồng thời sử dụng các phương tiện quân sự và phi quân sự để gây sức ép. Tất cả những điều này đang xảy ra trong bối cảnh hệ thống kiểm soát vũ trang bị phá hủy.

Trong đó, Mỹ đang tìm mọi cách định dạng lại hệ thống tương tác giữa các quốc gia đã hình thành ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương theo sự sắp đặt của họ. Trên thực tế, việc thúc đẩy cái gọi là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chỉ là nhằm tạo dựng các liên kết chính trị-quân sự do Washington kiểm soát.

Không loại trừ khả năng, tình hình này đang dẫn tới chỗ hợp nhất hoàn toàn các lực lượng NATO với các cấu trúc của khối AUKUS vừa được tạo ra.

Các điểm nóng căng thẳng cũng đang âm ỉ ở các khu vực khác trên thế giới. Mặc dù các thách thức an ninh trong từng khu vực đều có những đặc điểm riêng, nhưng tôi xin nhắc lại, trên thực tế, tất cả những thách thức đó đều được tạo ra từ các cuộc phiêu lưu địa chính trị, các hành động ích kỷ, tân thực dân của Phương Tây.

Trong đó, các quốc gia thuộc khu vực Sahara – Sahel, như Cộng hòa Trung Phi và Mali, đã bị nhiều tổ chức khủng bố tấn công trực tiếp sau khi Mỹ và các đồng minh xâm lược Libya, làm sụp đổ nhà nước Libya.

Có thể thấy rõ hậu quả của chính sách đổ thêm dầu vào lửa này ở Ukraina. Bằng cách bơm hàng tỷ USD vào chế độ tân quốc xã, cung cấp thiết bị, vũ khí, đạn dược, gửi cố vấn quân sự và lính đánh thuê cho họ- tất cả đang được thực hiện để leo thang xung đột hơn nữa và lôi kéo các quốc gia khác vào cuộc.

Tôi xin nhắc lại, rõ ràng là ngày nay có thể giảm thiểu đối đầu ở cấp độ toàn cầu và khu vực, hóa giải các thách thức và rủi ro, củng cố lòng tin giữa các quốc gia và mở ra các cơ hội rộng lớn cho sự phát triển của họ chỉ bằng cách tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng thế giới.

Chúng tôi đã và đang luôn là những người trước sau như một ủng hộ trật tự thế giới đa cực, ưu tiên dựa trên các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chủ quyền và bình đẳng giữa các quốc gia, hợp tác mang tính xây dựng và lòng tin.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Hội nghị an ninh quốc tế Moskva sẽ đóng góp vào sự phát triển hợp tác mang tính xây dựng giữa các dân tộc và giữa các quốc gia của chúng ta.

Chúc các quý vị thành công và có những buổi thảo luận hiệu quả với nội dung phong phú.

Cám ơn sự quan tâm của các quý vị.

NGUỒN: ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM