Thursday, 21st November, 2024 20:26
Nữ sinh viên người Việt Jenny Nguyen (24 tuổi) hy vọng chiến dịch của mình có thể mang lại thêm tiếng nói cho cộng đồng người gốc Á tại Mỹ.
Những người tham gia vào chiến dịch chống kỳ thị tại OUWB Ảnh: OUWB
Những người tham gia vào chiến dịch chống kỳ thị tại OUWB Ảnh: OUWB

Nỗi lo của người gốc Á

Jenny Nguyen hiện là sinh viên năm 2 tại Trường Y William Beaumont của Đại học Oakland (OUWB) ở bang Michigan. Cô nhiều lần bị kỳ thị từ khi cùng gia đình chuyển sang Mỹ vào năm 2001. Có tên tiếng Việt là Uyên Mi, nhưng Jenny phải đổi tên vì bị phân biệt chủng tộc. “Bạn bè ở trường tiểu học thường trêu chọc tôi vì cái tên khác lạ. Họ còn hát để chế nhạo tên tôi”, Jenny chia sẻ với Thanh Niên. Từ khi còn nhỏ, cô gái sinh ra tại Khánh Hòa và lớn lên ở bang California này đã cảm thấy mình bị những người bạn đồng trang lứa bỏ lại. “Dù ở khu vực có nhiều người Việt, tôi vẫn cảm thấy mình khác biệt với những người bạn sinh ra tại Mỹ”, Jenny nói thêm.
Khi lớn lên, Jenny lại biết về nhiều vụ cướp, giết người mà nạn nhân là người gốc Á. “Tôi rất buồn và tức giận vì người gốc Á giống như mục tiêu dễ dàng của tội phạm, nhưng chúng tôi lại không thể làm gì”, Jenny tâm sự. Cô cho biết nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là tội ác vì thù ghét, gần đây càng nghiêm trọng hơn do nhiều người nghĩ đại dịch Covid-19 có liên quan cộng đồng gốc Á. Vụ xả súng tại spa ở Atlanta, bang Georgia hồi đầu năm nay khiến 8 người chết đã làm người Mỹ gốc Á rúng động. “Mẹ và dì tôi cũng làm việc trong tiệm nail (làm móng). Thật đáng sợ khi nghĩ rằng chuyện này cũng có thể xảy ra với người thân của mình”, cô chia sẻ thêm.
Chiến dịch chống kỳ thị của nữ sinh Việt ở Mỹ - ảnh 1

Jenny Nguyen hiện là Phó chủ tịch APAMSA tại OUWB ẢNH: NVCC

Lan tỏa ra cộng đồng

Vì vậy, Jenny cùng các thành viên Hiệp hội Sinh viên y khoa châu Á – Thái Bình Dương (APAMSA) tại OUWB đã chọn chủ đề “Chống vi rút, chống định kiến” cho chiến dịch nâng cao sức khỏe tâm thần trong năm nay. Đây là chiến dịch APAMSA tại OUWB tổ chức thường niên vào tháng 5 để chào mừng Tháng nhận thức về sức khỏe tâm thần và Tháng di sản người Mỹ gốc Á.

Bang đầu tiên bắt buộc dạy lịch sử người Mỹ gốc Á

Illinois vừa trở thành bang đầu tiên của Mỹ yêu cầu dạy môn lịch sử người Mỹ gốc Á tại các trường công, sau khi Thống đốc JB Pritzker ngày 9.7 ký ban hành Đạo luật giảng dạy bình đẳng lịch sử người Mỹ gốc Á, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, theo CNN. “Chúng tôi đang làm cho Illinois trở thành bang đầu tiên ở nước này yêu cầu lịch sử người Mỹ gốc Á sẽ được dạy trong các trường công, bao gồm một phần về kinh nghiệm của người Mỹ gốc Á”, ông Pritzker nhấn mạnh trong thông báo. Dự luật sẽ yêu cầu các trường bổ sung một phần trong chương trình giảng dạy về những sự kiện của lịch sử người Mỹ gốc Á, kể cả những đóng góp của các cá nhân người Mỹ gốc Á trong chính quyền, nghệ thuật, nhân văn và khoa học, cũng như những đóng góp của các cộng đồng người Mỹ gốc Á cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của Mỹ. Văn Khoa

Trong chiến dịch, các thành viên OUWB chia sẻ cảm nhận về nạn kỳ thị người gốc Á, trải nghiệm của bản thân và giải pháp. Jenny, Phó chủ tịch APAMSA tại OUWB, cho biết việc tạo ra nền tảng để chia sẻ về vấn đề này rất quan trọng. “Người gốc Á thường có suy nghĩ một điều nhịn bằng chín điều lành. Mẹ tôi khuyên không phản kháng việc bị phân biệt chủng tộc để tránh chuốc lấy rắc rối, nhưng tôi hy vọng thế hệ chúng tôi có thể tạo ra sự thay đổi bằng cách khuyến khích mọi người lên tiếng”, Jenny nói với Thanh Niên.

Sau các tội ác vì kỳ thị người gốc Á, nạn nhân vượt qua nỗi sợ hãi thế nào?

Cô rất vui khi chiến dịch được những người xung quanh đóng góp và hỗ trợ, trong đó nhiều người không thuộc cộng đồng gốc Á. Theo Jenny, điều này cho thấy sức lan tỏa của chiến dịch. “Cho dù chỉ có thêm một người nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc sau hoạt động này, tôi cũng sẽ xem đây là một thành công”, Jenny cho biết.