Sunday, 13th October, 2024 11:32

CHIẾN TRANH VIỆT NAM: QUẢ ĐẮNG TỪ 'THUYẾT DOMINO' CỦA MỸ

“Thuyết domino” đã làm Washington bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh lâu dài và kết quả thất bại của cuộc chiến tranh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và sức mạnh của Mỹ trên thế giới.

Thuật ngữ “Thuyết domino” (domino theory) lần đầu tiên xuất hiện dưới thời của Tổng thống Dwight D. Eisenhower , ám chỉ nguy cơ phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương mà trọng tâm là ở miền nam Việt Nam. Theo thuyết này, nếu Mỹ không can thiệp để những người cộng sản “chiếm cứ” miền nam Việt Nam thì đó sẽ là quân bài domino làm cho Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar “sụp đổ vào tay cộng sản” và sẽ tạo lợi thế lớn cho các phong trào cộng sản tại Châu Á đe dọa các khu vực sống còn còn lại của “thế giới tự do”.

Thuyết này được đặt tên theo hiệu ứng domino với hình ảnh quân cờ đầu tiên đổ khiến các quân cờ kế tiếp nó đổ và phá hủy toàn bộ trạng thái ban đầu của hệ quân cờ.

Theo hệ quả của thuyết domino, Mỹ tự thấy cần phải giúp đỡ các đồng minh chặn đứng chủ nghĩa cộng sản tại miền nam Việt Nam và Đông Dương. Đó là tiền đề để giải thích cho sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam và sau này dẫn đến sự tham chiến trực tiếp của Quân đội Mỹ tại chiến trường Đông Dương.

Bối cảnh ra đời của “Thuyết domino”

Mỹ đã giúp đỡ Pháp và các lực lượng bản xứ chống lại Việt Minh. Đến cuối cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946-1954), 80% chi phí chiến tranh của Pháp là do Mỹ viện trợ, nhưng cuối cùng Pháp vẫn thất bại. Thắng lợi của Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp dẫn đến Hiệp định Geneva, theo đó Việt Nam bị chia cắt tạm thời trong hai năm trước khi tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Đối với người Mỹ, kế hoạch của họ là viện trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm để miền nam Việt Nam hoàn toàn độc lập với Pháp. Mỹ cũng thúc đẩy Ngô Đình Diệm thành lập một chính quyền quốc gia đại diện cho những xu hướng chính trị chính tại Việt Nam, ổn định miền nam Việt Nam, bầu ra Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp rồi sau đó phế truất Quốc trưởng Bảo Đại. Miền Nam Việt Nam đã trở thành mũi nhọn của Mỹ trong chiến lược chống cộng sản toàn cầu.

Nhà sử học Mortimer T. Cohen trích dẫn báo cáo của CIA rằng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và không một ai có thể thắng ông nếu nếu tổng tuyển cử thống nhất đất nước diễn ra. Phía Mỹ quyết tâm ngăn chặn điều này và viện trợ cho chính phủ Quốc gia Việt Nam (sau này trở thành Việt Nam Cộng hòa ) để chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành một tiền đồn chống cộng thân Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn Chủ nghĩa Xã hội lan xuống Đông Nam Á.

Chính quyền của Tổng thống John F. Kennedy đã phát triển thêm “Thuyết domino” với cam kết mạnh mẽ hơn: “Mỹ sẽ gánh vác mọi gánh nặng, liên kết với mọi đồng minh, chống lại mọi kẻ thù để bảo vệ thế giới tự do” và can thiệp ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến tại Việt Nam. “Thuyết domino” được Tổng thống Lyndon B. Johnson đưa lên đỉnh cao bằng cách đưa quân viễn chinh Mỹ tham chiến, tiến hành chiến tranh cục bộ tại Việt Nam.

Tác hại của “Thuyết donino” đối với nước Mỹ

Theo những người chỉ trích, “Thuyết domino” đã làm Washington bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh lâu dài và kết quả thất bại của cuộc chiến tranh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và sức mạnh của Mỹ trên thế giới.

Chính phủ Mỹ đã bỏ qua thực tế là phong trào Việt Minh là một phong trào giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân vì sự độc lập của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam – một đảng được đại đa số nhân dân Việt Nam ủng hộ do sự lãnh đạo thành công trong kháng chiến chống Pháp. Do đó, chính phủ Mỹ đã kiên quyết chống lại phong trào Việt Minh cũng như tìm cách để chia cắt, gây phương hại đến sự độc lập thống nhất của Việt Nam.

Theo nhiều nhà phân tích, “Thuyết domino” chỉ là chiêu bài của chủ nghĩa thực dân mới với mục đích thực sự là khống chế các quốc gia trong tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Đến mùa xuân năm 1995, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara cũng đã phải thừa nhận rằng “Thuyết domino” là sai lầm.

 

NGUỒN: KIẾN THỨC