Sunday, 28th April, 2024 17:13
CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM: KHƠI THÔNG SỨC MẠNH CỦA VĂN HÓA!
Phản ánh tình trạng ứng xử thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, nhà trường và nơi công cộng… đại biểu Quốc hội đề nghị, cần đặt trong tổng thể các quan hệ xã hội để đánh giá và có giải pháp đẩy lùi; đồng thời quán triệt tinh thần văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, khơi thông sức mạnh của văn hóa.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế
Môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại; một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội xuống cấp về lối sống, đạo đức; thông tin xấu độc từ mạng xã hội, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã làm gia tăng tội phạm… Những vấn đề này đại biểu Quốc hội đã nhiều lần phản ánh, song đến nay dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa kiểm soát tốt, thậm chí có mặt còn gia tăng.
Có ý kiến cho rằng, tâm trạng một bộ phận xã hội mong kinh tế như hôm nay, còn đạo đức như ngày xưa. Nghe có vẻ phi lý và chưa có đủ cơ sở để xem đó có phải là tâm trạng một bộ phận xã hội hay không, nhưng theo ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum), đây cũng là điều cần quan tâm, đánh giá. “Nếu bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội thì đạo đức hay sự xuống cấp của đạo đức, lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả hoạt động của con người trong chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đó cũng đặt trong tổng thể này”.
Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế được đề cập đầy đủ, rõ ràng nhưng có nơi, có lúc tính chất phát triển hài hòa chưa thực sự hiệu quả. Phát triển văn hóa còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam. Từ phản ánh đó, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng con người và phát triển kinh tế – xã hội mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hóa”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương cho rằng, quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xem văn hóa là cái đuôi, là cái bóng lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, xem nhiệm vụ phát triển văn hóa chưa mang tính cấp thiết, đầu tư vào văn hóa không có lợi nhuận.
“Kinh tế phát triển đến mấy mà không quan tâm phát triển văn hóa thì cũng tự đánh mất mình, phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất, nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Không để mục tiêu phát triển kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hóa, văn hóa phải đi cùng và đi ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển”, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương nói.
“Muốn có tác phẩm xứng tầm thì phải có chính sách xứng tầm”
Với 100 triệu dân, tỷ lệ dân số trẻ cao, tăng trưởng kinh tế 5 – 6%/năm, đó là dư địa rất lớn để chúng ta phát triển trước hết là văn hóa, nghệ thuật. Điều này có thể thấy rõ qua hai đêm diễn của ban nhạc Hàn Quốc BlackPink tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, thu về tới hơn 13 triệu USD, trong khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 31 triệu USD. Chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã được non nửa con số chúng ta phấn đấu của tổng thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ!
Dư địa lớn là vậy, nhưng khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đi giám sát, khảo sát về nghệ thuật biểu diễn, rất nhiều vấn đề đặt ra. Nhà hát thì không có diễn viên, diễn viên thì không có nhà hát. Có trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản lý đến 5 địa điểm đất vàng, đất kim cương của thành phố nhưng chỉ vận hành 1 địa điểm, 4 địa điểm còn lại hoặc là để hoang hoặc cho các đơn vị khác thuê. Trong khi đó, phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn phải đi thuê địa điểm. Hay về nhân lực, ngay với một số đoàn nghệ thuật truyền thống ở Trung ương cũng rất khó khăn, nhiều đoàn không có biên chế, nghệ sĩ làm nghề 10 năm phải bỏ. Khảo sát ở các trường nghệ thuật thì những ngành nghệ thuật truyền thống rất ít thí sinh đăng ký…
Dẫn chứng thực tế đó, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, muốn có tác phẩm xứng tầm thì phải có chính sách xứng tầm, mà quan trọng nhất là phải tạo dư địa sáng tạo cho nghệ sĩ sáng tạo. “Chúng ta đã có Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch của những đêm diễn đỏ đèn thì chúng ta cũng hy vọng với sự phát triển công nghiệp văn hóa, với những chính sách thiết thực sẽ có những tác phẩm văn hóa, văn nghệ xứng tầm, mang hơi thở thời đại”.
NGUỒN: VIETNAMTODAY