Saturday, 18th January, 2025 0:25

HÀNH LANG SUWALKI - KHU VỰC CHIẾN LƯỢC TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU NGA-NATO

Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, tình trạng đối đầu giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày càng gia tăng, kéo theo sự leo thang căng thẳng tại một số khu vực có vai trò quan trọng về mặt chiến lược quân sự, trong đó có Hành lang Suwalki. Vậy tại sao Suwalki lại được coi là “mắt xích yếu” của Liên minh quân sự này và việc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên đối với Hành lang Suwalki như thế nào đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

“Mắt xích yếu” của NATO

Suwalki (Hành lang Suwalki) là dải đất được đặt tên theo thị trấn Suwalki của Ba Lan, dài khoảng 60km, rộng gần 115km chạy dọc theo biên giới Ba Lan – Litva, với đầu phía Tây được chặn bởi Kaliningrad (thuộc Nga) và đầu phía Đông là Belarus – đồng minh truyền thống của Nga án ngữ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nơi đây là vùng đất yên bình, ít có tầm quan trọng và không được nhiều quốc gia quan tâm, bởi thời điểm này Litva (giáp với Suwalki và Kaliningrad về phía Bắc) là một phần của Liên Xô, còn Ba Lan (nằm ở phía Nam Suwalki và Kaliningrad) là đồng minh của Liên Xô trong khối Vacsava. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã (năm 1991), những vấn đề liên quan tới Suwalki bắt đầu nổi lên, nhất là thời điểm nhiều nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, trong đó có Litva, Latvia, Estonia cùng Ba Lan lần lượt rời khỏi “quỹ đạo” của Nga – quốc gia tiếp quản di sản còn lại của Liên Xô, để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lúc này, Suwalki trở thành điểm kết nối duy nhất trên đất liền giữa Litva, Latvia và Estonia với phần còn lại của EU, còn Kaliningrad trở thành phần lãnh thổ của Nga nằm lọt giữa các quốc gia phương Tây.

Mối quan ngại của NATO liên quan tới Hành lang Suwalki ngày càng gia tăng kể từ cuộc đảo chính tại Ukraine năm 2014 và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Năm 2022, khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, mối quan hệ giữa Nga với NATO rơi vào tình trạng căng thẳng, thế đối đầu giữa hai bên tại khu vực Suwalki ngày càng rõ ràng, nhất là khi Litva, Ba Lan trở thành thành viên của NATO và hậu thuẫn cho Ukraine. Theo các chuyên gia quân sự, Suwalki được xem là “gót chân Achilles” trong hệ thống phòng thủ của NATO ở phía Đông, bởi khu vực này nằm ở thế “dễ công, khó thủ”. Nếu Nga với NATO xảy ra xung đột, Nga có thể kiểm soát Hành lang này một cách dễ dàng thông qua cuộc tấn công gọng kìm, với một mũi ở hướng Tây Bắc (từ Kaliningrad), một mũi ở hướng Đông Nam (từ đồng minh Belarus), khi đó Litva, Latvia và Estonia sẽ bị đẩy vào thế bao vây, cô lập.

Trong khi Hành lang Suwalki được ví như “mắt xích yếu” của NATO thì Kaliningrad lại được đánh giá là tiền đồn vững chắc của Nga ở viễn Tây. Ngoài vai trò là “đại bản doanh” của Hạm đội Baltic hùng hậu, Kaliningrad còn là địa điểm lý tưởng đặt hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M với tầm bắn có thể vươn tới Vacsava (Ba Lan), Budapest (Hungary), Praha (Séc) và thậm chí cả Vienna (Áo). Bên cạnh đó, hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở Kaliningrad và hệ thống phòng không ở gần St.Petersburg kết hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Belarus có thể phong tỏa toàn bộ vùng trời Suwalki, yểm trợ cho lực lượng mặt đất nếu Nga muốn mở một con đường kết nối từ Belarus qua Suwalki tới Biển Baltic. Nói cách khác, với phương Tây, Hành lang Suwalki được coi là một nút thắt nguy hiểm, nếu Nga hoặc Belarus trấn giữ được vị trí chiến lược này hoặc chỉ cần phá hủy các tuyến đường tại Suwalki, khi đó NATO sẽ không thể gửi quân tiếp viện bằng đường bộ tới Litva, Latvia và Estonia, mà phải chuyển sang hoạt động trên không và trên biển. Tuy nhiên, phương thức tiếp viện trên không, trên biển khó có thể hỗ trợ kịp thời 03 nước thành viên vùng Baltic một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất.

Trong thời điểm hiện nay, khả năng Nga mở cuộc tấn công vào Hành lang Suwalki là rất khó, nếu hành động này xảy ra, khi đó Điều 5 trong Hiệp ước của NATO về phòng thủ chung sẽ được kích hoạt, cuộc chiến giữa hai bên có thể sẽ lan rộng ra nhiều quốc gia châu Âu. Mặc dù vậy, cả hai đang không ngừng củng cố lực lượng và tăng cường các hoạt động răn đe làm vùng đất kẹp giữa Nga, Belarus, Ba Lan và Litva “nóng” lên từng ngày.

Cuộc chạy đua nguy hiểm

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, để bảo vệ sườn Đông của Khối, NATO đã thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng phòng thủ tại các quốc gia vùng Baltic. Năm 2017, Khối này đã thành lập 04 nhóm tác chiến quy mô tiểu đoàn đa quốc gia ở Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan, lần lượt do Anh, Canada, Đức và Mỹ đảm nhiệm. Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra (năm 2022), tổ chức quân sự này tiếp tục thành lập thêm 04 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia; đồng thời, tăng gấp đôi số quân trên bộ và mở rộng sự hiện diện quân sự dọc biên giới phía Đông của Khối, từ Biển Baltic ở phía Bắc đến Biển Đen ở phía Nam. Bốn nhóm tác chiến này nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO thông qua Trụ sở Đông Bắc của Quân đoàn đa quốc gia ở Szczecin (Ba Lan). Trong đó, lực lượng đông đảo nhất vùng Baltic hiện đang đóng ở Latvia với 1.840 binh sĩ do Canada lãnh đạo; tại Estonia, Anh đảm nhiệm chỉ huy một nhóm tác chiến khoảng 800 binh sĩ Anh và khoảng 300 binh sĩ Pháp và Đan Mạch; tại Litva, nhóm tác chiến khoảng 1.800 binh sĩ đến từ các nước: Đức, Luxembourg, Bỉ, Séc, Hà Lan và Na Uy do Đức chỉ huy. Ngoài ra, Berlin cũng quyết định “đồn trú vĩnh viễn” khoảng 4.000 binh sĩ tại Litva và đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của lực lượng này. Thời gian gần đây, Tây Ban Nha cũng triển khai hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại NASAMS, có tầm bắn lên tới 120km cùng 08 máy bay chiến đấu Eurofighter tại căn cứ không quân Amari của Estonia, như thực hiện một phần cam kết với NATO tại khu vực Baltic. Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, máy bay chiến đấu sẽ cùng với các lực lượng của NATO tham gia tuần tra trên không phận các nước Latvia, Litva và Estonia.

Một số quan chức NATO cho biết, lực lượng của Khối tại Baltic sẽ đóng vai trò “cản đường”, nhằm làm chậm các cuộc tấn công từ bên ngoài và cảnh báo cho những thành viên còn lại. Nếu chiến sự xảy ra, lực lượng mũi nhọn (khoảng 13.000 quân) sẽ được huy động và sẵn sàng triển khai trong vòng 48 giờ để mở đường cho lực lượng đặc nhiệm (khoảng 27.000 quân) tham chiến 30 ngày sau đó. Còn ở biên giới với Belarus, Ba Lan đã lên kế hoạch tăng cường khoảng 10.000 binh sĩ, trong đó có 4.000 binh sĩ thuộc lực lượng quân sự đặc biệt, gần 1.000 quân thuộc tiểu đoàn công binh được điều đến Hành lang Suwalki. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Belarus là đồng minh của Nga khiến Ba Lan phải thận trọng, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko tiếp nhận khoảng 8.000 tay súng thuộc Tập đoàn quân sự Wagner.

Có thể thấy, việc NATO tăng cường khả năng phòng thủ ở các quốc gia vùng Baltic không chỉ giúp Khối này bảo vệ biên giới phía Đông, mà còn nằm trong toan tính vô hiệu hóa và cô lập pháo đài quân sự Kaliningrad của Nga, qua đó giúp Hành lang Suwalki an toàn hơn. Nói về vấn đề này, người đứng đầu Bộ Chỉ huy tác chiến của Quân đội Đức Bernd Schutt cũng cho rằng, nguy cơ leo thang quân sự với Nga ở sườn Đông Bắc của NATO là rất cao, Hành lang Suwalki sẽ là một trong những điểm nóng mới và tại khu vực này, các đội quân có thể di chuyển tương đối nhanh, sau đó tiến hành một cuộc tấn công trên bộ. Do vậy, việc thiết lập một hệ thống răn đe đáng tin cậy ở Suwalki là điều vô cùng quan trọng. Không chỉ tăng cường sự hiện diện quân sự tại các nước, NATO còn tiến hành tập trận hải quân quy mô lớn tại Biển Baltic, với kịch bản giả định là đẩy lùi cuộc tấn công của Nga vào các nước châu Âu và Hành lang Suwalki. Theo giới chuyên gia quân sự Nga, NATO đang có tham vọng biến Biển Baltic thành “ao nhà” và để đạt được mục tiêu này, khối quân sự do Mỹ đứng đầu đang tính đến việc “quân sự hóa” những đảo lớn trên Biển Baltic, như: quần đảo Aland (Phần Lan), đảo Gotland (Thụy Điển), đảo Bornholm (Đan Mạch) nhằm tạo ra vòng tròn khép kín, bao vây Kaliningrad.

Trước những hoạt động quân sự của NATO tại khu vực Baltic, Nga cũng có nhiều động thái nâng cao sức mạnh cho Kaliningrad. Theo đó, bên cạnh hệ thống tên lửa Iskander-M, vùng lãnh thổ này còn được tăng cường hệ thống tên lửa SSC-5 Bastion (tầm bắn 300km) và SSC-1 Sepal (tầm bắn 450km). Lực lượng đồn trú tại đây cũng được bổ sung lên tới 18.000 người và được biên chế vào các đơn vị của Quân đoàn 111. Bên cạnh đó, Nga còn trang bị máy bay Su-30SM, Su-24 và Su-27 cho các phi đội bay; nâng số lượng tàu chiến mặt nước cho Hạm đội Baltic lên 52 chiếc, trong đó có 04 tàu hộ tống lớp Steregushchiy được trang bị tên lửa hành trình, 02 tàu hộ tống lớp Buyan được trang bị tên lửa tấn công mặt đất Kaliber, 01 tàu ngầm lớp Kilo, v.v. Đặc biệt, tháng 12/2023, Nga còn tuyên bố thành lập Quân khu Kaliningrad và đưa một số đơn vị tới đây. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, việc trang bị này giúp Kaliningrad trở thành tiền đồn vững chắc theo mô hình A2/AD – chống tiếp cận/chống thâm nhập, với mục tiêu giữ chân NATO cách xa vùng Baltic.

Ngoài việc xây dựng Kaliningrad thành pháo đài bất khả xâm phạm, thời gian gần đây, Nga còn tiến hành tập trận tại vùng Biển Baltic. Nổi bật là cuộc tập trận “Lá chắn đại dương 2023” nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia tại khu vực quan trọng cũng như khả năng tương tác của sở chỉ huy các cấp trong điều hành và kiểm soát các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và các tuyến đường biển, vận chuyển binh lính và hàng hóa quân sự. Cùng với Nga, Belarus cũng tăng cường các hoạt động quân sự và tham gia tập trận với vai trò là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Trong bối cảnh quan hệ với Ba Lan và Litva đi xuống, nước này còn tổ chức tập trận tại vùng Grodno, gần Hành lang Suwalki; tăng cường huấn luyện máy bay không người lái; nâng cao khả năng phối hợp giữa các đơn vị xe tăng, súng trường cơ giới với đơn vị khác trong lực lượng vũ trang.

Hơn 03 thập niên trôi qua, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, giờ đây châu Âu lại đứng trước nguy cơ cuộc chiến mới – cuộc đối đầu giữa NATO với Nga. Từ tình trạng đối thoại được duy trì, thông qua Hiệp định hỗ trợ, hợp tác và an ninh (ký năm 1997), quan hệ Nga với NATO giờ quay trở lại thành đối thủ, với những đòn trả đũa lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa chấm dứt, cuộc chiến tranh giữa Israel – Hamas nổ ra cùng những căng thẳng gia tăng tại khu vực Baltic, khiến châu Âu có thể bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới. Một cuộc chạy đua vũ trang có thể sẽ diễn ra. Đây là viễn cảnh mà không quốc gia nào mong muốn, bởi nó khiến quan hệ giữa Nga với NATO đi vào ngõ cụt; đồng thời, tạo ra những kịch bản nguy hiểm cho an ninh toàn cầu. Dư luận quốc tế mong muốn các bên hãy hạ nhiệt căng thẳng, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

NGUỒN: QDTD