Wednesday, 25th December, 2024 17:34

 

ISRAEL ĐÃ KHÔNG CÒN TIẾNG NÓI UY TÍN TRÊN THẾ GIỚI

Israel đã đánh mất tiếng nói uy tín không chỉ trên chiến trường, mà niềm tin của người dân Israel dành cho đất nước cũng bị lung lay.

Trong buổi họp báo diễn ra vào 11/11, phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari cho biết nước này đã tiêu diệt được tên khủng bố có hành động ngăn chặn 1.000 thường dân sơ tán khỏi Bệnh viện Shifa. Lời buộc tội không có ý nghĩa, kể cả Israel có tuyên truyền đến đâu. Việc đưa thông tin sai lệch, lại không kèm theo căn cứ hay bằng chứng xác thực càng khiến Israel đánh mất uy tín và hình ảnh quốc gia trên khắp các phương tiện truyền thông.

Trước đó, CNN cũng dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ trong bức điện tín ngoại giao rằng, “chúng ta đã thua cuộc trong cuộc chiến truyền thông”. Nhà ngoại giao chỉ ra danh dự của nước Mỹ ở Trung Đông, cũng như trên toàn thế giới đang dần lụi tàn chỉ vì sự ủng hộ mù quáng của Mỹ đối với Israel.

Vai trò bị đảo lộn

Niềm tin mà dân chúng Israel dành cho đất nước cũng bị lung lay. Không chỉ Thủ tướng Benjamin Netanyahu mất đi sự tín nhiệm, mà toàn bộ các ban ngành cũng không còn được người dân tin tưởng.

Những ngày gần đây, người Palestine đùa với nhau rằng các nhà lãnh đạo Israel đang nối gót các nhà lãnh đạo Ả Rập trong chiến tranh Ả Rập – Israel, để giành chiến thắng vô nghĩa và cũng chẳng nhận được lợi ích gì trên mặt trận quân sự. Ví dụ, Israel có thể nhanh chóng đẩy lùi lực lượng Ả Rập nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây trong khi nhà lãnh đạo của quân đội Ả Rập tuyên bố trên sóng radio rằng họ đã đặt chân đến “cánh cổng Tel Aviv”.

Vận may dường như bị đảo ngược. Trong lời nhận định được mong chờ, phát ngôn viên của Lữ đoàn Al-Qassam và Lữ đoàn Al-Quds là Abu Obeida và Abu Hamza lần lượt đưa ra các báo cáo hoàn thiện về bản chất của cuộc chiến và những tổn thất mà cuộc tấn công của Israel mang tới.

Mặt khác, lực lượng Israel lại nói về những cuộc chiến không ai trông đợi hay việc tiêu diệt những “kẻ khủng bố” giấu mặt và cả việc phá hủy vô số đường hầm, nhưng hiếm khi đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. “Bằng chứng” duy nhất cho thấy sự cố ý nhắm mục tiêu vào các bệnh viện, trường học và nhà dân.

Trong khi phát ngôn của Abu Obeida còn được củng cố bởi những đoạn video ghi lại sự tàn phá của xe tăng Israel một cách hệ thống, không có tư liệu nào làm cơ sở cho những lời tuyên bố của lực lượng Israel.

Bên ngoài chiến trường

Người dân Israel không chỉ mất niềm tin nơi chiến trường. Từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, các bác sĩ, dân quân, nhà báo, blogger, thậm chí người dân Palestine đã quay phim và ghi hình lại mọi tội ác chiến tranh của Israel khắp mọi nơi trên dải đất bị bao vây này. Mặc dù lực lượng Israel đã làm mất sóng Internet và mất điện trên Dải Gaza, nhưng bằng cách nào đó, người Palestine vẫn có thể theo dõi mọi diễn biến của cuộc diệt chủng này.

Sau tất cả, lời kể của người dân Palestine chính xác đến nỗi giới chức của Mỹ buộc phải thừa nhận đó là sự thật, dù ban đầu họ có sự nghi ngờ. Vào 9/11, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông Barbara Leaf đã nói với một ủy ban thuộc Hạ viện Hoa Kỳ rằng, số người chết trong chiến tranh có thể “cao hơn con số được báo cáo”. Thật sự, Israel đã khiến cộng đồng quốc tế mất niềm tin ở đất nước này sau lời nói dối vào 7/10.

Cưỡng bức, IS và Mein Kampf

Theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Chính phủ hay lực lượng Israel, tiếp đến là các nhà báo và thậm chí những người dân Israel được tuyển dụng trong một chiến dịch “Hasbara” chưa từng có nhắm đến việc tô vẽ người Palestine như những động vật mang dáng dấp con người. Việc thú tính hóa hoạt động kháng chiến của người Palestine là cách Israel ngụy biện cho cuộc diệt chủng sắp tới tại Gaza.

Trong vài giờ trước khi cuộc điều tra được tiến hành, Thủ tướng Netanyahu nói về “những đứa trẻ bị chặt đầu”, được cho là chết dưới bàn tay của quân kháng chiến. Còn Bộ trưởng Gallant cho biết “những cô gái trẻ bị cưỡng hiếp một cách thô bạo”. Thậm chí, cựu Trưởng Giáo sĩ quân sự Israel Weiss nói rằng ông đã chứng kiến “một người phụ nữ mang thai bị mổ bụng và đứa trẻ bị cắt bỏ ra ngoài”.

Ngay cả Tổng thống Israel Isaac Herzog được cho là người ôn hòa cũng phát biểu lố bịch trên đài BBC vào 12/11. Khi được hỏi về cuộc không kích của Israel tại Gaza, ông Herzog nói rằng quyển sách Mein Kampf do Adolf Hitler viết vào 1925 được tìm thấy trong phòng sinh hoạt của trẻ nhỏ ở phía Bắc Gaza. Ông còn lặp đi lặp lại việc binh lính Hamas mang theo lá cờ IS vì lý do nào đó khi tiến vào miền Nam Israel vào 7/10, cùng một số câu chuyện viễn vông khác.

Việc IS là kẻ thù không đội trời chung của Hamas và người Palestine đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để xóa bỏ sự lan rộng của IS ở Dải Gaza dường như không liên quan đến lời tuyên truyền vô căn cứ của Israel. Như dự đoán, truyền thông Israel, Mỹ và châu Âu đã lặp lại lời khẳng định về mối liên hệ giữa Hamas và IS, mà không có một cuộc thảo luận hợp lý nào, hoặc ít nhất là yêu cầu xác minh.

Tuy nhiên, theo thời gian, những lời nói dối của Israel bị nhấn chìm bởi sức nặng của sự thật đang diễn ra tại Gaza, nơi ghi lại mọi hành vi tàn ác và mọi trận chiến, cũng như làm lung lay cáo buộc bịa đặt của Israel. Có lẽ hàng loạt lời nói dối của Israel bị lật tẩy sau cuộc tấn công Bệnh viện Báp tít Al-Ahli vào 17/10.

Mặc dù nhiều người đã chấp nhận và bảo vệ cho lời nói dối của Israel rằng tên lửa của phe kháng chiến đã rơi xuống bệnh viện, nhưng cuộc tàn sát đẫm máu làm hàng trăm người chết đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Câu hỏi được nêu lên sau cuộc tàn sát ở Bệnh viện Báp tít là: Nếu Israel khai cáo trung thực về những gì đã diễn ra tại đó thì lý do để họ tiếp tục đánh bom vào các bệnh viện khác ở Gaza trong nhiều tuần là gì?

Chiến dịch Hasbara bị xóa sổ

Có nhiều lý do khiến hoạt động tuyên truyền của Israel không còn tác động hiệu quả đến dư luận, mặc dù các phương tiện truyền thông chính thống vẫn tiếp tục đứng về phía Israel khi nước này mang tội diệt chủng.

Thứ nhất, người Palestine và những người ủng hộ họ đã tìm cách ngăn chặn Israel bằng cách sử dụng mạng xã hội, điều này trước hết đã áp đảo các chiến dịch tuyên truyền mang tính tổ chức thay mặt cho Israel trên các phương tiện truyền thông doanh nghiệp.

Nền tảng tiếp thị Humanz của Israel đã có bài phân tích về nội dung được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến. Nghiên cứu được công bố vào tháng 11 thừa nhận rằng “số bài đăng có gắn thẻ ủng hộ Israel trên Instagram và TikTok vào tháng trước là 7,39 tỷ bài, trong khi đó, có tới 109,61 tỷ bài đăng có gắn thẻ ủng hộ Palestine trên các nền tảng vào cùng kỳ”. Theo công ty, điều này có nghĩa là quan điểm ủng hộ Palestine phổ biến hơn 15 lần so với quan điểm ủng hộ Israel.

Thứ hai, những người đang tìm kiếm một sự thật khác với những gì đang diễn ra ở Gaza cần đến một phương tiện truyền thông độc lập và người Palestine. Một nhà báo tự do người Palestine có tên là Motaz Azaiza đã thu hút hơn 14 triệu người theo dõi trên Instagram chỉ trong một tháng nhờ đưa tin từ thực địa.

Thứ ba, cuộc tấn công bất ngờ vào 7/10 đã tước đi thế chủ động của Israel, không chỉ trong cuộc chiến mà còn trong lời ngụy biện của Israel. Quả thực, cuộc chiến diệt chủng ở Gaza không có mục tiêu cụ thể nhưng cũng không có chiến dịch truyền thông đúng nghĩa để bảo vệ hoặc hợp lý hóa những mục tiêu không xác định này. Sự tường thuật của truyền thông Israel có vẻ rời rạc, lộn xộn, thậm chí gây tổn hại cho chính quốc gia này.

Cuối cùng là cuộc diệt chủng tàn khốc của Israel. Nếu chúng ta đặt lời nói dối của Israel bên cạnh tội ác kinh hoàng của đất nước này, chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì có thể ngụy biện cho việc giết người hàng loạt, khiến một dân tộc không có khả năng tự vệ phải sơ tản, chịu cảnh đói khát và đối mặt với sự diệt chủng.

Chưa bao giờ hoạt động tuyên truyền của Israel lại thất bại một cách đáng kinh ngạc như vậy. Và chưa bao giờ các phương tiện truyền thông chính thống lại thất bại trong việc bảo vệ Israel khỏi sự phẫn nộ của quốc tế, nói đúng hơn là sự căm ghét đối với chế độ phân biệt chủng tộc xấu xa của Israel.

Hậu quả sau cùng chắc chắn sẽ tác động đến cách lịch sử ghi nhận cuộc chiến của Israel tại Gaza, cuộc chiến mà cho đến nay đã giết chết và làm bị thương hàng chục nghìn thường dân vô tội.

Cả một thế hệ xem Israel như một đại diện cho chế độ diệt chủng mà không một lời dối trá nào trong tương lai, thậm chí là sự truyền bá của các bộ phim Hollywood hay Tạp chí Maxim có thể làm giảm nhẹ cái nhìn đó.

Điều quan trọng hơn cả, sự nhìn nhận mới này có thể buộc con người không chỉ xem xét lại quan điểm của mình về hiện tại và tương lai của Israel, mà còn về quá khứ, bởi bản chất Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái không dựa trên điều gì ngoài sự dối trá.