Wednesday, 11th December, 2024 17:29

KHÔNG PHẢI LÀ "ĐU DÂY" MÀ LÀ ĐA DẠNG HÓA QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI

Những luận điệu “sợ Trung”, “lệ thuộc Trung”, “tâm thức nô lệ” lại rộn ràng trên mạng xã hội, trong đó phải kể đến bài viết “Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam giữ cân bằng được bao lâu?” của Trường Sơn đăng trên RFA Tiếng Việt và Thông luận ngày 17/10/2023 và bài viết “Chính trị đu dây!” từ fb Lâm Bình Duy Nhiên đăng trên Thông luận, Tiengdan.news ngày 18/10/2023 khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba (17 – 20/10/2023) tại Trung Quốc (chuyến công tác) theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Thực tế, những luận điệu này cho thấy sự suy diễn, cách nhìn không khách quan về đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói riêng. Bởi rằng:

Trước hết, luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc/đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trước hết, trên hết, nhất là thực thi nguyên tắc chung “luôn nỗ lực” đạt được lợi ích quốc gia – dân tộc tới mức cao nhất có thể, Việt Nam không chỉ “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”, mà còn luôn thúc đẩy lợi ích quốc gia – dân tộc “trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đây là nguyên tắc bất biến trước mọi cái vạn biến và là đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đặc biệt, trên tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, việc Việt Nam thúc đẩy, “đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương” cũng như việc “coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì chuyến công tác này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chính là tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, làm tăng độ tin cậy cũng như góp phần tích cực, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế. Đây mới là sự thật, là ý nghĩa và giá trị lớn lao của chuyến công tác, chứ không phải chỉ đơn giản là “Việt Nam cùng lúc thực hiện các hoạt động đối ngoại cấp cao với cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc. Chính sách này nhằm tránh khiến Mỹ hoặc Trung Quốc có ấn tượng rằng Việt Nam đang ủng hộ một bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung” hay “cả Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác quan trọng hàng đầu với Việt Nam cả về mặt kinh tế và chính trị, nên Hà Nội muốn tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo với cả hai bên” như Trường Sơn cố tình “chụp mũ”.

Thứ hai, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lần này không chỉ có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc (bởi đây là hoạt động đối ngoại cấp cao trong năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc), mà còn đồng thời thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba – đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu. Đó chính là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao; không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia, mà còn góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, sự gắn kết giữa nhân dân các nước, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước đã khẳng định tại bài phát biểu ngày 18/10/2023 là “Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng”. Điều này cho thấy, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba không phải “là một cái bẫy lớn cho các quốc gia đồng ý tham dự”, không phải chỉ nhằm “phục vụ cho tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong một thế giới bị áp đảo bởi Mỹ và phương Tây” như Lâm Bình Duy Nhiên hồ đồ quy chụp, nhận định hay Thông luận.org, Tiengdannews cổ súy. Đồng thời, chuyến công tác này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lại càng không đơn giản chỉ là vì “Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là mối bận tâm số một của Việt Nam” như Trường Sơn thiển cận nhận định trong bài viết Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam giữ cân bằng được bao lâu?”.

Đặc biệt, chuyến công tác này cũng cho thấy Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, mà còn chủ động tích cực trong việc tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Minh chứng này cho thấy, không phải là vì “Trung Quốc là nước có nhiều thứ phải lo hơn nếu Việt Nam tỏ ra thân thiện với Hoa Kỳ, bởi vị trí địa lý cũng như thể chế chính trị của Việt Nam có vai trò trọng yếu đối với an ninh của Trung Quốc. Cũng chính vì vậy mà Việt Nam phải nỗ lực để trấn an Trung Quốc nhiều hơn” như Trường Sơn suy diễn.

Thứ ba, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Putin bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba ở Bắc Kinh; đã thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương; đồng thời đã mời Tổng thống Putin sang thăm Việt Nam chính là thể hiện sự tôn trọng, thủy chung với “một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam” bao thập niên qua, chứ không phải vì Việt Nam “chơi với đồ tể nên làm gì dám lên án cuộc chiến xâm lược của Putin” như Lâm Bình Duy Nhiên tâm địa độc ác xuyên tạc, bôi nhọ.

Hơn nữa, Việt Nam và Nga đã có quan hệ ngoại giao từ ngày 30/1/1950 và mối quan hệ này cũng đã trải qua nhiều thử thách; đang phát triển tích cực sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, ngoại giao nhân dân… Vì thế, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh rằng Việt Nam “mong muốn cùng Nga phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực” là trân trọng, củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ thiết thực trong điều kiện địa chính trị mới giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, chứ không phải Việt Nam “chơi với Tập Cận Bình nên luôn phụ thuộc vào Trung Quốc và nay cũng phải lấy lòng Putin luôn” như Lâm Bình Duy Nhiên “suy bụng ta ra bụng người”.

Cuối cùng, phải khẳng định rằng: Thực chất của những luận điệu suy diễn, bẻ cong sự thật về chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong những bài viết nêu trên của Trường Sơn và Lâm Bình Duy Nhiên đều không ngoài mục tiêu bẻ cong, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tận cùng của sự bôi đen, xuyên tạc ấy chính là dùng tiểu xảo man trá kích động “lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa biết dã tâm của Trung Quốc nhưng họ lại cố tình bám víu vào Bắc Kinh để bảo vệ sự tồn tại chính trị của họ” và “còn Trung Quốc, còn độc tài cộng sản Việt Nam! Chính trị đu dây là thế!” để chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung; phủ nhận ý nghĩa, giá trị chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Trung Quốc nói riêng.

NGUỒN: TRẦN PHỤNG HOÀNG NHI