Sunday, 13th October, 2024 11:14

Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đang được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn.

Đây là luận án ngành Giáo dục học, hoàn thành tại Viện Khoa học Thể dục thể thao năm 2021 và được đăng tải trên chuyên trang Luận văn – Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều người cho rằng đề tài nghiên cứu nói trên không xứng tầm với một luận án tiến sĩ.

Đề tài luận án tiến sĩ gây xôn xao

Tại phần tổng quan các vấn đề nghiên cứu, tác giả cho biết, luận án đi sâu tìm hiểu các nội dung: Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác thể dục thể thao trong thời kỳ đổi mới; Một số cơ sở lý luận về xã hội hóa và xã hội hóa thể dục thể thao; Đặc điểm và hình thức hoạt động câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở; Những yếu tố bảo đảm cho công tác thể dục thể thao cho công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước; Đặc điểm hoạt động của môn cầu lông; Cơ sở lý luận về giải pháp; Quy hoạch và giải pháp phát triển môn cầu lông; Những công trình nghiên cứu có liên quan (trong nước và ngoài nước).

Đối tượng nghiên cứu là giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La.

Phương pháp nghiên cứu gồm phân tích và tổng hợp tài liệu, phỏng vấn, quan sát sư phạm, điều tra xã hội học, phân tích SWOT, kiểm tra sư phạm, kiểm chứng giải pháp, toán học thống kê.

Tại phần “Những đóng góp mới của luận án”, theo nghiên cứu sinh, luận án đã đánh giá thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La, cho thấy còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào, như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.

Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.

Luận án cũng đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm: (1) tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu cầu lông; (2) phát triển môn cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; (3) tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào cầu lông cho công chức, viên chức; (4) hoàn thiện hệ thống thi đấu cầu lông cho công chức, viên chức; (5) mở rộng các hình thức tập luyện cầu lông cho công chức, viên chức; và (6) khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào cầu lông của công chức, viên chức.

Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn cầu lông. Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15,38% đến 133,33%). Các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết.

Chưa xứng tầm là luận án tiến sĩ

Trao đổi với Dân trí, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ đã đọc nội dung của luận án nói trên và cho rằng “chưa xứng tầm là một luận án tiến sĩ”.

Theo TS Vinh, việc nghiên cứu tổng quan của luận án tiến sĩ cực kỳ quan trọng. “Cần xem xét những vấn đề về mặt lý luận cũng như những thực tiễn của thế giới và Việt Nam đối với môn cầu lông đang như thế nào. Từ đó, phát hiện ra vấn đề, xem người ta còn thiếu cái gì để mình nghiên cứu, hoặc nếu đã nghiên cứu rồi thì còn có vấn đề gì chưa ưng để nghiên cứu tiếp.

Đề tài này khi đọc toàn bộ cũng không hiểu vấn đề hiện nay là gì, không có tính chất khoa học nào cả, nội dung hầu như không có gì. Chất khoa học là từ việc nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu tổng quan về môn cầu lông mà rút ra được nghiên cứu của mình là gì thì luận án này không có”, TS Vinh cho hay.

Ngoài ra, trong luận án cũng có khá nhiều nội dung chép từ giáo trình kỹ thuật cầu lông, không có tác dụng, ý nghĩa đóng góp khi đề tài là về giải pháp phát triển. Tài liệu nước ngoài đưa vào trong luận án rất ngắn, chỉ nói về vai trò của thể chất, rèn luyện chứ không đề cập đến môn cầu lông. Phần nội dung nghiên cứu tài liệu đường lối của Đảng cũng chỉ nói về thể dục thể thao nói chung thay vì nói tới riêng môn cầu lông.

Về phần kết luận cũng không đảm bảo yêu cầu cho kết luận của một luận án tiến sĩ. “Luận án này chưa phù hợp với chuẩn đầu ra của một luận án tiến sĩ”, TS Vinh nói.

Theo TS Vinh, thực tế hiện nay có thể còn rất nhiều luận án tiến sĩ chưa phù hợp chuẩn đầu ra quy định. Bởi vậy, cần có ý kiến, đề nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để đối chiếu trên khung trình độ quốc gia.

Một chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng, những luận án như trên “không có giá trị”.

“Muốn phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố thì có thể mở nhiều Câu lạc bộ, đầu tư sân tập, chứ không cần phải thành một nghiên cứu khoa học, luận án tiến sĩ. Cũng đâu phải chỉ tập luyện cầu lông mới là rèn luyện phát triển thể thao, công chức viên chức cũng có thể tập nhiều môn khác”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Theo ông, tác hại của những luận án tương tự như trên là không thể đảm bảo đào tạo được người nghiên cứu khoa học, mà sẽ đào tạo ra những Tiến sĩ không đủ chuyên môn. Điều này phản ánh sự mất hướng của nghiên cứu khoa học và cũng phản ánh các vấn đề liên quan đến đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu.

Ngày 5/5, trả lời trên VTC News, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xác nhận, đề tài: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện. Nội dung đề tài được công bố tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện ngày 19/1/2022.

NGUỒN: DÂN TRÍ