Saturday, 12th October, 2024 13:25

MỘT GÓC NHÌN VỀ TÍNH CHÍNH NGHĨA CỦA NGA TRONG CUỘC CHIẾN UKRAINA

Nếu ở Việt Nam, Mỹ xé bỏ Hiệp định hòa bình Geneve và dựng lên chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn, thì ở Ukraina Mỹ cũng xé bỏ Thỏa thuận Minsk và dựng lên chính quyền bù nhìn ở Kiev. Do đó, chiến tranh Ukraina chỉ kết thúc khi Mỹ đứng đầu NATO Phương Tây nhận thấy không thể đánh bại Nga và phải chấp nhận một nước Nga có chủ quyền.

Diễn ra sau hơn 1 năm, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina đã trở thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa một bên là Mỹ đứng đầu tập thể Phương Tây sử dụng quân đội Ukraina tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà thực chất đã là cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm làm cho Nga phải chịu thất bại chiến lược, đẩy Liên bang Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và sụp đổ. Theo Tổng thống Vladimir Putin, quyết định của Nga phát động và tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina là hành động chính nghĩa và dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế đã được thừa nhận, trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc.

Toàn bộ diễn biến cuộc khủng hoảng Ukraina từ sau cuộc đảo chính năm 2014 và tình hình thế giới trong hơn 1 năm qua liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraina chứng tỏ nhận định đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin là hoàn toàn có cơ sở.

1. Cơ sở pháp lý của Nga phản đối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Ukraina làm thành viên

Giới phân tích ở Phương Tây nhận định, một trong những nguyên nhân buộc Nga phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina là làm phá sản kế hoạch của Mỹ kết nạp Ukraina vào NATO.

Chúng ta biết rằng, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, do không còn đối đầu Đông-Tây, khối quân sự Warsava do Liên Xô đứng đầu tự giải thể nên NATO không còn bất kỳ lý do nào để tồn tại, chứ chưa nói đến lý do để liên minh quân sự này kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Chính vì thế, sau khi bức tường Berlin được dỡ bỏ vào năm 1989, nước Đức được thống nhất, mở đầu tiến trình kết thúc Chiến tranh lạnh, giới lãnh đạo NATO cam kết với lãnh đạo Liên Xô sẽ không kết nạp thêm thành viên mới.

Đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô tuyên bố tự giải thể, Liên bang Nga từ bỏ chủ nghĩa xã hội và hội nhập với Phương Tây để xây dựng “Ngôi nhà chung Châu Âu”. Khi đó, nhận thấy NATO vẫn tiếp tục tồn tại và mở rộng, lãnh đạo Liên bang Nga xin gia nhập NATO nhưng đã bị Mỹ từ chối. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù từ chối kết nạp Liên bang Nga nhưng NATO vẫn kết nạp thêm 15 thành viên mới với lý do viện dẫn một điều khoản của Hiệp ước Helsinhki được Mỹ, Liên Xô, Canada và hầu hết các nước Châu Âu ký kết năm 1975 quy định “các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh nhưng không được gây thiệt hại đến an ninh của các quốc gia khác”. Do các quốc gia mới kết nạp vào NATO không công khai tuyên bố coi Nga là “quốc gia thù địch” và không có chủ trương chống Nga nên Moskva không có lý do chính đáng nào để phản đối.

Ukraina là một trường hợp hoàn toàn khác. Chính quyền do Mỹ dựng lên sau cuộc đảo chính trong tháng 2/2014 do lực lượng tân phát xít kiểm soát đã công khai coi Nga là “quốc gia thù địch”. Kể từ sau cuộc đảo chính này, Mỹ coi Ukraina là “đồng minh ngoài NATO”[1].

Tính từ năm 2014 đến năm 2021, Mỹ và NATO tiến hành hàng chục cuộc tập trận liên quân trên lãnh thổ Ukraina theo kịch bản chiến tranh với Nga. Trong đó có cuộc tập trận hải quân trên Biển Đen trong năm 2021 có sự tham gia của hải quân 40 quốc gia theo kịch bản chiến tranh với Nga[2]. Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng 41 phòng thí nghiệm sinh học (thực chất là nghiên cứu vũ khí sinh học”) và 10 trung tâm huấn luyện quân sự trên lãnh thổ Ukraina[3].

Chính vì thế, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố việc Mỹ kết nạp Ukraina vào NATO là “làn ranh đỏ”. Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” đó, ngày 15 tháng 12 năm 2021, Bộ ngoại giao Nga chính thức chuyển cho Mỹ và NATO bản dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga-Mỹ và Nga-NATO để xây dựng cấu trúc an ninh chung công bằng, bền vững và ổn định lâu dài ở Châu Âu. Một trong tám yêu cầu của Nga đề xuất với Mỹ và NATO là không kết nạp Ukraina làm thành viên của liên minh này.

Theo phía Nga, cơ sở pháp lý quốc tế của Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga-Mỹ và Nga-NATO là Hiến chương Liên hợp quốc; Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc luật pháp quốc tế quy định quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc; Hiệp ước Helsinki; Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế; Hiến chương về an ninh Châu Âu năm 1999; Định ước cơ bản về quan hệ hợp tác và an ninh giữa Nga và NATO ký năm 1997. Trong các văn kiện này xác định một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ quốc tế là các quốc gia có quyền lựa chọn liên minh để bảo đảm an ninh quốc gia của mình nhưng không được gây phương hại tới an ninh của các quốc gia khác. Như vậy, quyền của các quốc gia lựa chọn liên minh không phải là vô điều kiện mà là có điều kiện.

Sau 3 ngày đàm phán, Mỹ và NATO đã bác bỏ gần như toàn bộ nội dung của bản dự thảo hiệp ước này, trong đó có 1 điều khoản then chốt là không kết nạp Ukraina vào NATO. Lập luận của Mỹ và NATO bác bỏ yêu cầu của Nga là “bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tự do lựa chọn liên minh”. Phía Nga cho rằng, lý do này của Mỹ và NATO đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản trong các hiệp định nói trên. Trong đó có điều khoản quy định “các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh nhưng không được làm phương hại đến an ninh của quốc gia khác”. Như vậy, lập luận của Mỹ khi bác bỏ yêu cầu của Nga không được kết nạp Ukraina làm thành viên chỉ dựa vào phần đầu của điều khoản này là “các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh” mà bỏ phần sau của điều khoản là “không được làm phương hại đến an ninh của quốc gia khác”.

Rõ ràng là, yêu cầu của Nga cho rằng NATO không được kết nạp Ukraina làm thành viên là hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp lý đã được quốc tế thừa nhận. Thế nhưng, khi bác bỏ yêu cầu của Nga, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ ở Geneve còn tuyên bố hết sức ngạo mạn rằng vì Nga là “kẻ chiến bại” trong Chiến tranh lạnh nên không được đưa ra bất cứ yêu cầu nào đối với Mỹ là “bên chiến thắng”.

Trước động thái này của Mỹ và NATO, Tổng thống V. Putin tuyên bố, Phương Tây cần hiểu rằng, Nga không còn đường lùi bởi các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO đã áp sát biên giới Nga, và sẽ có biện pháp kỹ thuật-quân sự để đáp trả kiên quyết và mau lẹ trước những bước đi không thân thiện của đối phương.

Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Điện Kremlin ngày 8/2/2022, Tổng thống Nga V. Putin nêu tình huống:“Một khi Ukraina gia nhập NATO và chính quyền Kiev sử dụng vũ lực tái chiếm Krym lúc này đã thuộc chủ quyền của Nga, dĩ nhiên Nga sẽ đáp trả và khi đó chiến tranh giữa Nga và NATO sẽ bùng nổ”. Chính vì thế, việc Nga yêu cầu Mỹ không kết nạp Ukraina là nhằm tránh cho Châu Âu không phải lâm vào Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Một trong những biện pháp quân sự của Nga để ngăn chặn Ukraina gia nhập NATO là quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nhận định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina là cơ hội duy nhất để tránh cho Châu Âu một cuộc chiến tranh thế giới mới.

2. Về tính chính nghĩa và cơ sở pháp lý của Nga sáp nhập Krym

Theo các văn kiện chính sách của chính quyền Kiev do lực lượng tân phát xít kiểm soát sau cuộc đảo chính trong tháng 2/2014, Ukraina thực hiện chính sách diệt chủng đối với khoảng 30% dân số nước này là người Nga. Nhiều nhân vật trong chính quyền mới ở Kiev coi người Ukraina gốc Nga là “rác sinh học” cần phải bị tiêu diệt[6]. Ngày 15/3/2014, quyền Tổng thống Ukraina Olexander Turchinov tuyên bố bắt đầu mở “chiến dịch chống khủng bố” ở Krym và Miền Đông Ukraina vì coi người Ukraina gốc Nga tại đây là “khủng bố”[7].

Đứng trước hiểm họa này và căn cứ vào quyền tự quyết của các dân tộc ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, thậm chí cả Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ cũng xác định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, ngày 16/3/2014, chính quyền Cộng hòa tự trị Krym và thành phố Sevastopol tổ chức trưng cầu dân ý dân về ý nguyện tách ra khỏi Ukraina và áp nhập về Nga. Trong đó, hơn 97% cử tri Krym bỏ phiếu ủng hộ ý nguyện này. Nhân đây cần lưu ý rằng quyết định của nhà lãnh đạo Liên Xô N.Khrushchyov trao Krym cho Ukraina vào năm 1954 là vi phạm Hiến pháp Liên Xô.

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga V. Putin cùng đại diện Krym và thành phố Sevastopol ký quyết định về việc Krym và Sevastopol gia nhập Liên bang Nga với tư cách chủ thể liên bang. Sau sự kiện này, Tổng thống Nga V. Putin gọi điện cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, nguyên thủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức thông báo Nga đã sáp nhập Krym và khẳng định quyết định này hoàn toàn phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế quy định về quyền tự quyết của các dân tộc.

3. Tính chính nghĩa và cơ sở pháp lý của việc Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk

Ngày 11/5/2014, tương tự như người dân Krym, đứng trước hiểm họa diệt chủng từ chính quyền tân phát xít ở Kiev, chính quyền các tỉnh Donetsk và Luhansk-nơi có đa số người Ukraina gốc Nga định cư lâu đời, viện dẫn quyền tự quyết của các dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên bố của Tòa án công lý năm 2010 công nhận Cộng hòa Kosovo tách khỏi Serbi, đã tổ chức trưng cầu ý dân về ý nguyện tách khỏi Ukraina, Với kết quả có 89% người dân bỏ phiếu ủng hộ ý nguyện này, chính quyền các tỉnh Donetsk và Luhansk tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Ngày 24/6/2014, chính quyền hai nước cộng hòa này bày tỏ nguyện vọng trở về Nga tương tự như Krym nhưng Tổng thống Nga V. Putin chưa chấp nhận vì vẫn hy vọng sẽ tiếp tục duy trì nhà nước Ukraina theo hình thức liên bang. Thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 được ký kết giữa đại diện của chính quyền Kiev, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk dưới sự bảo trợ của Nga, Pháp và Đức, sau đó được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác nhận là cơ sở pháp lý quốc tế duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina.

Nếu chính quyền Kiev thực hiện Thỏa thuận này, cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ được hóa giải, Ukraina sẽ thành lập nhà nước liên bang, không gia nhập NATO. Tuy nhiên, chính quyền Kiev không thực hiện Thỏa thuận Minsk và liên tục pháo kích vào lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, sát hại gần 14.000 người kể từ năm 2014.

Kể từ năm 2014 đến năm 2021, Chính phủ Liên bang Nga đã gửi lên Liên hợp quốc 3000 trang tài liệu thu thập bằng chứng về tội ác của chính quyền tân phát xít ở Kiev đối với người Nga ở Miền Đông Ukraina nhưng các cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc đã phớt lờ. Về sau, chính cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu tổng thống Pháp François Hollande và cựu Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko thú nhận, Mỹ và NATO lợi dụng Thỏa thuận Minsk để “câu giờ” nhằm tái tổ chức lại nhà nước và quân đội Ukraina, làm công cụ để sau này tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga[8].

4. Về bản chất tân phát xít của chính quyền Kiev sau cuộc đảo chính năm 2014

Sau khi Ukraina tuyên bố tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào năm 1991, thông qua các tổ chức “phi chính phủ”, giới tài phiệt Mỹ đầu tư hàng tỷ USD cho Ukraina để tiến hành nhiều công trình nghiên cứu lịch sử và biên soạn sách giáo khoa theo hướng xuyên tạc toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của Ukraina, coi người Nga là “man rợ”, “dã man” và “xâm lược” cần phải bị tiêu diệt. Sách giáo khoa lịch sử của chính quyền Kiev còn xác định sứ mệnh của Ukraina là phải “tiêu diệt hết người Nga”!? Do bị nhồi sọ bởi nền giáo dục được giới tài phiệt Mỹ định hướng, từ năm 1991 đến nay hình thành một thế hệ người Ukraina cỡ tuổi 30 nuôi lòng hận thù đối với nước Nga. Lực lượng này đóng vai trò then chốt trong Các lực lượng vũ trang Ukraina[9,10].

Theo các tài liệu giải mật của Cục tình báo trung ương Mỹ và giới nghiên cứu lịch sử ở Phương Tây và Nga, từ năm 1953 Mỹ bắt đầu đưa các lực lượng dân tộc cực đoan của Ukraina đứng đầu là Stepan Bandera đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức trong Thế chiến II chống lại Hồng quân Liên Xô trở về nước nhằm mục đích âm thầm phát xít hóa xã hội Ukraina[11,12].

Sau khi Ukraina tuyên bố độc lập vào năm 1991, quá trình phát xít hóa xã hội Ukraina được Mỹ công khai xúc tiến đẩy nhanh[13].

Trong cuộc bạo loạn chính trị tháng 2/2014, Mỹ và NATO sử dụng các lực lượng tân phát xít tiến hành cuộc đảo chính và dựng lên ở Kiev chính quyền mới hoàn toàn chịu quyền kiểm soát của Washington. Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Vitoria Nuland trực tiếp mang thực phẩm và áo ấm cho những kẻ bạo loạn trên quảng trường Maidan. Về sau, chính bà Vitoria Nuland cho biết, Mỹ đã đầu từ 5 tỷ USD để chuẩn bị cho cuộc đảo chính này)[14].

Cũng chính vì thế, trong cuộc bỏ phiếu ngày15/12/2022 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết cấm tôn vinh chủ nghĩa phát xít, Mỹ và 49 quốc gia thành viên NATO và đồng minh của Mỹ bỏ phiếu chống Nghị quyết này bởi chính họ đang sử dụng lực lượng tân phát xít ở Ukraina để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga[15]

5. Về tính chính nghĩa và cơ sở pháp lý của quyết định của Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina

Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc gặp và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để tìm cách hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina. Tổng thống Nga V. Putin đề nghị hai ông thuyết phục Tổng thống Ukraina V. Zelensky thực hiện Thỏa thuận Minsk bởi đây là giải pháp chính trị duy nhất đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và có tính ràng buộc pháp lý để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraina V. Zelensky đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đương nhiên đã vi phạm cực kỳ nghiêm trọng môt văn kiện pháp lý có giá trị cao nhất bởi Hội đồng Bảo an là cơ quan có quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc có chức năng quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình của thế giới. Về sau này, chính lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraina đều tuyên bố Thỏa thuận Minsk chỉ là thủ đoạn “câu giờ” để chuẩn bị cho quân đội Ukraina tiến hành chiến tranh với Nga.

Trong khi đó, cơ quan tình báo Nga nắm được kế hoạch bí mật của Quân đội Ukraina với sự giúp đỡ của Mỹ và NATO sẽ phát động chiến dịch quân sự bất ngờ, quy mô lớn nhằm vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk vào sáng sớm ngày 25/2/2022. Nếu chiến dịch này thành công, Ukraina sẽ tiến tới đánh chiếm Krym. Trong tình thế đó, Nga buộc phải chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, đồng thời ký kết Hiệp ước hữu nghị và tương trợ lẫn nhau, kể cả tương trợ quân sự.

Trong thông điệp phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga V. Putin cho biết, Nga không thể để bị bất ngờ một lần nữa tương tự như năm 1941. Như lịch sử đã xác nhận, tháng 6 năm 1941, Adolf Hitle bất ngờ xé bỏ Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Liên Xô và phát động chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng nhằm hủy diệt Liên bang Xô Viết. Tương tự, lần này Ukraina được Mỹ và NATO “chống lưng” cũng xé bỏ Thỏa thuận hòa bình Minsk và cam tâm tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Mỹ chống Nga[16,17,18]

Tổng thống Nga V. Putin cho biết, quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước hết, việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk dựa trên quyền tự quyết của các dân tộc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, còn Nga cũng hoàn toàn có quyền công nhận họ và ký kết với họ hiệp ước hữu nghị và tương trợ lẫn nhau. Thể theo yêu cầu của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk và căn cứ Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, Nga đưa quân vào bảo vệ người dân và tiêu diệt lực lượng tân phát xít, loại bỏ nguy cơ quân sự lâu dài đối với nước Nga.

Theo các chuyên gia phân tích trên thế giới, Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraina, tương tự như họ đã thất bại trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Việt Nam[19]. Nếu ở Việt Nam, Mỹ xé bỏ Hiệp định hòa bình Geneve và dựng lên chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn, thì ở Ukraina Mỹ cũng xé bỏ Thỏa thuận Minsk và dựng lên chính quyền bù nhìn ở Kiev. Do đó, chiến tranh Ukraina chỉ kết thúc khi Mỹ đứng đầu NATO Phương Tây nhận thấy không thể đánh bại Nga và phải chấp nhận một nước Nga có chủ quyền.

NGUỒN: REDSVN