Saturday, 14th September, 2024 11:27

Trong những năm qua Việt Nam là một địa điểm thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Gần đây Google tính chuyện chuyển dần dây chuyền sản xuất một số thiết bị sang Việt Nam, Sunny có kế hoạch rót thêm vốn mở rộng đầu tư vào Thái Nguyên. Tuy nhiên những thông tin này không được nhiều người biết đến bởi sức nóng của tin đồn Samsung “rời bỏ” Việt Nam để chuyển đến Ấn Độ. 

Google quan tâm việc chuyển sản xuất thiết bị đến Việt Nam

Chiều ngày 7 tháng 3, giám đốc cấp cao về nguồn cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Google đã có cuộc gặp mặt cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. 

Tại đó ông Darren Ward cho biết “Google hiện quan tâm đến việc chuyển dần dây chuyền sản xuất một số thiết bị sang Việt Nam, vì vậy rất quan tâm đến các chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thuế”.

Hoa Kỳ từ lâu đã là một đối tác lớn của Việt Nam trong ngành công nghệ, như chúng ta đã biết phần lớn các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam đều có điểm đến từ Hoa Kỳ như Microsoft, Apple…

Nếu kế hoạch chuyển dần dây chuyền sản xuất một số thiết bị sang Việt Nam của Google được thực hiện chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích trong việc này. Từ việc giải quyết việc làm cho hàng ngàn người tại địa phương đến việc chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn công nghệ thông tin tiên tiến hơn.

Sunny rót vốn đầu tư vào Thái Nguyên

Ngày 8 tháng 3 dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện dự án đầu tư. 

Dự án Trung tâm Công nghiệp Sunny Group tại KCN Yên Bình được Sunny đầu tư quy mô vốn từ 2 đến 2,5 tỷ USD, dự kiến doanh thu mỗi năm là 5 tỷ USD và thu hút giải quyết việc làm cho 15.000 lao động thường xuyên.

Theo thông tin từ baodautu.vn thì tại Việt Nam, Sunny đã đầu tư 4 dự án gồm có Sunny Opotech, Sunny Automotive, Sunny Infrared, Sunny Opotech chuyên sản xuất ống kính hồng ngoại cho ô tô, module camera điện thoại, camera giám sát… tại các khu vực công nghiệp thuộc tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hà Nội. 

Với quy mô đầu tư hơn 2 tỷ USD, Phó thủ tướng đề nghị tập đoàn Sunny xem xét thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao R&D tại Thái Nguyên, để vừa ứng dụng công nghệ mới vào các sản phẩm vừa tạo điều kiện chuyển giao công nghệ mới cho Việt Nam. 

Ngành công nghệ tại  Việt Nam đầy triển vọng

Tình hình công nghệ tại Việt Nam được cho là có nhiều triển vọng, tháng 11 năm 2022 vừa rồi nước ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Thông qua số liệu thống kê, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng vượt bậc và cán mốc 23 tỷ USD. Đặc biệt ngành công nghệ thông tin cũng đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế ở nước ta. 

Ngoài những con số đó, còn có nhiều lý do khác cho thấy ngành công nghệ nước ta có nhiều triển vọng. Đầu tiên có nguồn lao động trẻ và năng động, là một tiềm năng lớn về nhân lực chất lượng cao giá thấp. Nước ta luôn có những chính sách hỗ trợ đầu tư tốt cho các doanh nghiệp. Nền kinh tế, chính trị ổn định của Việt Nam cũng là một lý do thu hút các nhà đầu tư.

Việc Google và Sunny gần đây mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đó là một tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghệ Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam khẳng định thêm vị thế về sức hút trong ngành công nghệ trên thị trường thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư vào nước ta, giúp chúng ta có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm công nghệ mới từ họ. 

Ngoài ra còn nhiều ông lớn ngành công nghệ đã đầu tư vào Việt Nam như Intel, Microsoft, Apple của Mỹ, LG của Hàn Quốc và nhiều nhãn hiệu khác đã có mặt ở Việt Nam như Nokia, Panasonic, Toshiba,…  Một ông hoàng trong ngành công nghệ không thể không nhắc đến là Samsung. 

Samsung không “rời bỏ” Việt Nam như lời đồn

Gần đây cụm từ “Samsung rời bỏ Việt Nam để chuyển sang Ấn Độ” đã được nhiều người tìm kiếm trên các trang mạng xã hội. Trong đó nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau bàn luận về vấn đề này. Vậy thực hư mọi việc có đúng như vậy không?

Samsung rời bỏ Việt Nam chuyển sang Ấn Độ là một tin không hoàn toàn chính xác. Sự thật thì Samsung chỉ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Samsung S23 từ các nhà máy Việt Nam sang. Nguyên nhân có thể là chiến lược của Samsung muốn cắt giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh của họ tại thị trường Ấn Độ. Một công ty lớn muốn đầu tư vào một quốc gia thường sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ chi phí sản xuất, thị trường, chính sách thuế và nhiều yếu tố khác nhau để từ đó đưa ra một quyết định. Cũng giống như việc Samsung chuyển dời dây chuyền, kế hoạch này chúng ta đã được biết từ năm trước.

Thực chất thì tại Việt Nam Samsung vẫn đang mở rộng đầu tư. Bằng chứng là tháng 12 năm 2022 vừa qua Samsung đã khánh thành trung tâm R&D tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên đến 220 triệu USD. Theo kế hoạch thì trung tâm R&D sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu. Bên cạnh đó Samsung còn tăng cường bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam. 

Giải quyết vấn đề cạnh tranh

Tuy Samsung chỉ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại S23 qua Ấn Độ, nhưng chúng ta cần thấy mối nguy từ sự cạnh tranh trong tương lai. Việt Nam đã từng đón nhận nhiều công ty đến, thông qua việc có nguồn lao động chất lượng cao giá thấp. Hiện tại mức sống tăng cao thu thập cũng từ đó tăng theo, lợi thế chúng ta từng có là nguồn lao động chất lượng cao giá thấp dần mất đi. Do đó mà chúng ta cần nhìn nhận ra vấn đề đưa ra những biện pháp thiết thực khác thu hút đầu tư nước ngoài.

Một số biện pháp cụ thể như tăng cường đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi về thuế, hỗ trợ chính sách đầu tư, thủ tục đơn giản,… Ngoài ra chúng ta cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều quốc gia trên thế giới. Tóm lại Việt Nam cần đầu tư vào nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Việc Samsung chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại S23 sang Ấn Độ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến ngành công nghệ Việt Nam. Nhưng việc làm đó không cho thấy Việt Nam mất đi sức hút của mình trong ngành công nghệ. Việt Nam hiện tại vẫn đang là địa điểm mới được nhiều tập đoàn công nghệ chú ý, điều này thể hiện rằng ngành công nghệ Việt Nam có rất nhiều triển vọng trong tương lai. 

Chúng ta cần giữ thái độ “thắng không kiêu bại không nản” trước việc các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam và Samsung chuyển một phần dây chuyền sang Ấn Độ. Chúng ta cần giữ bình tĩnh tìm cách giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, song song với việc đó là tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút hơn. 

 

Nguồn: NTD