Saturday, 14th September, 2024 2:12

Việc Mỹ và đồng minh NATO rút khỏi Afghanistan đang để lại khoảng trống lớn, gia tăng bất ổn ở đất nước này. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Iran đều đang tìm cách “nhảy” vào khoảng trống đó.

Quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan của ông Biden đã gia tăng bất ổn nội bộ ở đất nước Trung Đông này. Bạo lực leo thang trong bối cảnh Taliban giành được nhiều chiến thắng hơn trước chính phủ Afghanistan và các lực lượng nước ngoài.

Tuy nhiên, việc rút quân này cũng bắt đầu một trò chơi quyền lực mới ở Afghanistan. Các bên khác nhau, từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga đến Ấn Độ, đều đang tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ở Kabul, Nikkei Asia nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ

Động lực chính trị, kinh tế và quân sự của Afghanistan từ lâu bị các nước láng giềng lớn mạnh hơn là Pakistan và Iran ảnh hưởng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia trong khu vực, cũng đang cho mình vai trò an ninh quan trọng sau khi Mỹ rút quân.

NATO sẽ rút hết lực lượng khỏi Afghanistan vào ngày 11.9. Tuy nhiên, Ankara thông báo lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở lại.

Thổ Nhĩ Kỳ không có biên giới chung với Afghanistan. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Ankara phát hiện ra cơ hội kép ở Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị bảo vệ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, cửa ngõ quan trọng với thế giới của Afghanistan. Đề nghị này phù hợp với mục tiêu của Ankara trong việc nâng cao vai trò trên trường quốc tế và gây ảnh hưởng lớn hơn ở Afghanistan.

Mỹ rút, các nước 'giành giật' quyền lực ở Afghanistan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels ngày 14.6. Ảnh:Reuters

Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia Hồi giáo chiếm đa số duy nhất trong NATO – có vẻ “nhẹ nhàng” hơn và phù hợp với “sự nhạy cảm” của người dân địa phương, học giả Galip Dalay tại Trung tâm Brookings Doha nói với Nikkei Asia. Tuy nhiên, Taliban nghĩ khác.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đề xuất, một phát ngôn viên của Taliban đã cảnh báo Ankara. Taliban nói mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là “quốc gia Hồi giáo tuyệt vời”, nước này vẫn nằm trong NATO. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa vụ rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận hòa bình năm 2020 với Mỹ.

Nga và Iran

Các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi Mỹ không còn hiện diện quân sự gần phía nam nước mình. Tuy nhiên, theo họ, Nga cũng lo lắng việc Mỹ không đảm bảo an ninh cho Afghanistan có thể gây nên nhiều bất ổn hơn. Vinay Kaura, học giả tại Viện Trung Đông, nói thậm chí phong trào Hồi giáo có thể xâm nhập vào sân sau của Nga.

Như Liên Xô đã đào tạo quan chức an ninh Afghanistan trong cuộc chiến chống chiến binh thánh chiến vào những năm 1980, Nga hiện đào tạo các lực lượng an ninh cho Kabul. Đồng thời, Moscow cũng đang xem xét việc có quan hệ quốc phòng bền chặt hơn với Kabul. Afghanistan đã yêu cầu mua vũ khí Nga cho phi đội trực thăng quân sự của mình.

Tuy Iran có đa số dân theo Hồi giáo dòng Shiite còn lực lượng Taliban thuộc dòng Sunni, quan hệ giữa hai bên vẫn êm dịu nhờ có kẻ thù chung là Mỹ. Với việc Mỹ không còn can dự vào Afghanistan và Taliban ngày càng có vị thế lớn hơn ở Afghanistan, Iran đã chọn làm ăn với lực lượng nổi dậy. Đầu năm nay, Taliban đã được mời đến Tehran để gặp các quan chức Iran và thảo luận về tiến trình hòa bình Afghanistan.

Trung Quốc

Thổ Nhĩ Kỳ không phải quốc gia duy nhất đang “dòm ngó” khoảng trống do Mỹ để lại.

Theo chuyên gia Jason Campbell của tổ chức nghiên cứu Rand Corp, Trung Quốc, quốc gia chung biên giới với Afghanistan, từ lâu đã để mắt đến việc đưa Kabul thành đối tác kinh tế. Bắc Kinh cũng xem Afghanistan là nguồn cung khoáng sản và hành lang tiềm năng trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tuy nhiên, tình trạng thiếu an ninh tại Afghanistan là thách thức với việc Trung Quốc đầu tư.

Vì vậy, Trung Quốc đang thận trọng hợp tác với đồng minh chiến lược Pakistan, quốc gia có ảnh hưởng đáng kể với Taliban. Bắc Kinh đã bắt tay vào việc đối thoại ba bên với Kabul và Islamabad về việc bảo vệ và phát triển Afghanistan. Trung Quốc tuyên bố chống lại các nhóm khủng bố đe dọa cả ba quốc gia trong khi thúc đẩy Afghanistan chấp nhận tham gia BRI. Đồng thời, Bắc Kinh cũng tiếp xúc với Taliban.

Ấn Độ và Pakistan

Về phía đông Afghanistan, Ấn Độ, quốc gia ủng hộ chính phủ ở Kabul, được cho là đã lật ngược chính sách không làm việc với Taliban của mình. Ấn Độ đang tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với lãnh đạo nhóm nổi dậy này.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ can dự vào Afghanistan từ lâu bị phản tác dụng vì sự hiện diện của một quốc gia sẽ phải đảm nhận phần lớn công việc Mỹ để lại, dù muốn hay không: Pakistan. Nhiều thập kỷ qua, người Pakistan đã bị đổ lỗi và phải gánh chịu những hậu quả từ cuộc xung đột ở Afghanistan. Islamabad đã mở cửa biên giới và cho phép hơn 3 triệu người tị nạn chiến tranh Afghanistan vào Pakistan.

Quân đội Pakistan đã ảnh hưởng đến cuộc xung đột ở Afghanistan từ những năm 1980. Họ huấn luyện và trang bị cho các chiến binh thánh chiến Afghanistan với sự hỗ trợ của Mỹ và hậu thuẫn cho các nhóm Taliban khác nhau vào những năm 2000 và 2010.

Việc can thiệp vào cuộc chiến khiến Pakistan xa rời người dân Afghanistan. Song, giờ đây, khi khoảng trống quyền lực gia tăng, Pakistan dường như đang định hình lại vai trò của chính mình trong khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Moeed Yusuf của Pakistan gọi chính sách chiến lược mới của nước này là việc “chuyển hướng từ địa chiến lược sang địa kinh tế”.

Vì vậy, Pakistan, nước thường bị đổ lỗi cho việc hỗ trợ quân nổi dậy ở Afghanistan, đang yêu cầu các cường quốc trong khu vực chia sẻ gánh nặng cho khả năng nền kinh tế và nhà nước Afghanistan sụp đổ trong những tháng tới. Trong trường hợp không có giải pháp thống nhất với các nước láng giềng, Islamabad cũng đang chuẩn bị cho tình huống họ xem là quay ngược thời gian về những ngày trước thời điểm Mỹ bị tấn công năm 2001.

“Sẽ có một khoảng trống, đặc biệt là với cách người Mỹ rút quân”, một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Pakistan nói với Nikkei Asia.

“Chúng tôi đã liên tục cảnh báo về chuyện này. Đây không phải là một cuộc rút quân có trách nhiệm. Đừng giả vờ như điều này không giống sai lầm xảy ra trong những năm 90”, quan chức này nói thêm. Ông đang đề cập đến thời kỳ nhiều nhà phân tích trong khu vực xem là việc Washington “bỏ rơi” Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân.

Thời kỳ đó dẫn đến việc Taliban nổi lên từ hàng ngũ các chiến binh thánh chiến chống Liên Xô được CIA hậu thuẫn, đồng thời cũng tạo ra một khoảng trống quyền lực ở Afghanistan. Khoảng trống đó dẫn đến sự trỗi dậy của al-Qaida, các nhóm khủng bố khác và cuối cùng là vụ tấn công ngày 11.9.

“Mỹ nói họ sẽ không bao giờ làm vậy nữa nhưng họ đang lặp lại điều đó”, một quan chức Pakistan nói về việc Mỹ rút quân. “Chúng tôi đã phải chịu gánh nặng lần đó. Lần này chúng tôi sẽ không lờ đi. Các nước cũng đừng nhìn Pakistan và nói chúng tôi làm chưa đủ. Chính người Mỹ mới đang đột ngột rút đi”, ông nói thêm.

Madiha Afzal, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, lo ngại khoảng trống quyền lực sẽ ngày càng mở rộng do cuộc đối đầu giữa Taliban và chính phủ Afghanistan ở Kabul, ngay cả khi các nước khác trong khu vực “nhảy” vào.

“Động lực ban đầu ở đây không phải việc các nước bên ngoài giành giật sự ảnh hưởng mà là xung đột giữa Taliban và Kabul”, bà Afzal nói.

“Chúng ta đã thấy Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vai trò của mình ở Afghanistan trong những ngày gần đây. Ấn Độ cũng thay đổi chiến lược và bắt đầu thảo luận với Taliban. Pakistan có lẽ đang có lợi thế nhất, dựa trên vị thế và lịch sử của nước này với Taliban. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào của Pakistan cũng sẽ bị Kabul, Taliban và những bên khác thách thức”, bà Afzal nhận định.