Saturday, 14th September, 2024 13:47

NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG NGỪA CÁC THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ VIỆT NAM HIỆN NAY

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, những năm qua, tôn giáo là một trong những nội dung chiến lược được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (ANCT, TTATXH), tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng coi đó là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, đồng thời kích động các hoạt động chống phá từ bên trong.

Nhận diện các thủ đoạn, phương thức thâm độc

Qua nghiên cứu, có thể khái quát một số thủ đoạn, phương thức cơ bản mà các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo thời gian gần đây để chống phá nước ta như sau:

Một là, chúng tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo hòng từng bước biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, khuếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Bắc, Tây Nguyên để tập hợp quần chúng, gây áp lực với chính quyền địa phương. Chúng đã lập ra các hội, nhóm liên kết bất hợp pháp núp dưới danh nghĩa tôn giáo như “Hội đồng liên tôn Việt Nam”,“Hội đồng nhân quyền Việt Nam”, “Văn phòng Công lý-Hòa bình”… để lôi kéo, mua chuộc quần chúng, tín đồ nhằm tập hợp lực lượng tiến hành các hoạt động phá hoại ANCT, TTATXH ở một số địa phương. Đáng chú ý, kẻ địch triệt để đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, như: Vụ lấn chiếm đất đai trái pháp luật tại Giáo xứ Sở Kiện (Hà Nam); vụ lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái phép tại Giáo xứ Xuân Hòa (Bắc Ninh); vụ dòng Thiên An lấn chiếm đất rừng ở Hương Thủy (Thừa Thiên Huế)… Thông qua đó, đòi tư hữu hóa đất đai, gây mâu thuẫn giữa các chức sắc, tín đồ với chính quyền, kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật, chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANCT, TTATXH tại địa phương…

Hai là, chúng triệt để lợi dụng chiêu bài “tôn giáo hóa dân tộc” để thâm nhập, lôi kéo, tập hợp lực lượng là người DTTS, tiến tới hình thành tổ chức phản động trên địa bàn. Chúng thông qua các tôn giáo đã phát triển ở vùng DTTS hoặc lập ra một số hình thức “tôn giáo riêng” cho người DTTS như “Tin lành của người Mông” để thành lập “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc; “Phật giáo Nam Tông Khmer” để thành lập “Vương quốc Chăm Pa” ở vùng DTTS Nam Trung Bộ, “Nhà nước Khmer Kampuchea Krom” ở Tây Nam Bộ… thực chất là hình thành các tổ chức phản động chống phá Nhà nước ta. Đáng chú ý, gần đây, tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC) do A Đảo (Sa Thầy, Kon Tum) làm “Giáo hội trưởng” đã kết nối với các đối tượng trong nước tuyên truyền, lôi kéo chức sắc, tín đồ và người dân tập hợp lực lượng, từng bước công khai hóa hoạt động. Chúng móc nối, lôi kéo, hướng dẫn các tín đồ theo đạo Tin lành thuần túy trong nước tham gia các buổi tập huấn trực tuyến về nhân quyền mà thực chất chính là các buổi đào tạo kỹ năng hoạt động “xã hội dân sự”; hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp các thông tin sai lệch về tình hình trong nước để xuyên tạc, vu cáo ta trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc tế.

Ba là, lợi dụng thần quyền, giáo lý, giáo luật để kích động, ép buộc đồng bào tôn giáo chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; lôi kéo, kích động tín đồ và nhân dân biểu tình, gây rối để lấy cớ can thiệp từ bên ngoài. Đó là những biểu hiện như hoạt động chỉ đạo, kích động chống đối chính sách, pháp luật, bất hợp tác với chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại địa phương hay công khai bày tỏ thái độ thách thức chính quyền, coi thường pháp luật, kích động bạo lực, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ta, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, lật đổ chế độ…

Bốn là, triệt để tác động, lôi kéo các chính khách cực đoan trong chính trường một số nước để tác động quốc hội, nghị viện các nước này thông qua các báo cáo, nghị quyết, thông cáo xuyên tạc tình hình tôn giáo, dân tộc ở trong nước, vu cáo Nhà nước vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Thông qua các cuộc hợp tác song phương, đa phương giữa Mỹ và các nước đồng minh với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội để gây sức ép với Việt Nam về dân tộc, tôn giáo, tìm cách gắn “các yêu sách về vấn đề tôn giáo, dân tộc”, “dân chủ, nhân quyền” trong quan hệ song phương, đa phương với Việt Nam; từ đó hòng tìm cách can thiệp vào nội bộ nước ta. Ở bên ngoài, các tổ chức phản động lưu vong ráo riết vận động Việt kiều, người nước ngoài ủng hộ kinh phí, vật chất, phương tiện rồi tìm cách đưa vào trong nước để “nuôi dưỡng, hậu thuẫn” các đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn. Chúng còn móc nối với số cơ hội chính trị trong nước thu thập tin tức, tình hình dân tộc, tôn giáo, việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở địa phương rồi bóp méo, xuyên tạc trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ động, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo ở nước ta không ngừng được cải thiện, nâng lên, đồng bào có đạo và nhân dân tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Các lực lượng chức năng đã kịp thời giải quyết bức xúc trong cộng đồng các tôn giáo và nhân dân, ổn định an ninh trật tự tại địa bàn, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật; tranh thủ được sự ủng hộ của đa số quần chúng và đồng bào các tôn giáo. Các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã chủ động rà soát hệ thống pháp luật về tôn giáo hiện hành, xác định nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phù hợp thực tế; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đồng thời, chủ động tuyên truyền đối nội kết hợp với tuyên truyền đối ngoại nhằm tuyên truyền mạnh mẽ về thành tựu của ta trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu, thông tin xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở trong nước, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo để phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi công tác này phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tiếp tục chú trọng xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở vững mạnh, trong sạch, thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng khối liên minh công-nông-trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Tiếp tục phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để, hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các DTTS không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xã hội cho đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa; giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở pháp luật. Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc; quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; trong đó, tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ; xây dựng LLVT nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Các ban, bộ, ngành chức năng cần tiếp tục chủ động, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo về chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo và âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá ta thông qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú khác nhau; làm cho tín đồ, chức sắc và người dân hiểu rằng, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật cũng là bảo vệ tôn giáo chân chính và quyền lợi của chính họ. Để từ đó khuyến khích, thúc đẩy nhân dân, tín đồ, chức sắc tự giác tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo vi phạm pháp luật của kẻ địch. Làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện, phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các mâu thuẫn, khiếu kiện, “điểm nóng” liên quan đến dân tộc, tôn giáo, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp. Chú trọng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng và tranh thủ chức sắc tôn giáo, phát huy tác dụng của các đoàn thể tôn giáo yêu nước. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phát triển các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo, tà đạo, đạo lạ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và đấu tranh đối ngoại; thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, qua kênh ngoại giao, hợp tác quốc tế, làm cho các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, kết quả xử lý những vụ việc, đối tượng lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, cần tuyên truyền tới đông đảo quần chúng trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng bản chất hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua. Vận động nhân dân tích cực ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của những phần tử xấu.

NGUỒN: QDND.VN