Nhà máy Fukushima của Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển vào ngày 24/8. Vào ngày 2/11, họ đã bắt đầu xả nước thải đợt 3. Bà Lydie Evrard, Phó Tổng giám đốc IAEA và người đứng đầu bộ phận an toàn và an ninh hạt nhân cho biết, qua 2 lần xả thải vẫn chưa phát hiện điều bất thường, mọi việc vẫn đang tiến triển tốt. Công ty điện Tokyo (TEPCO) cũng thông báo rằng họ có kế hoạch giải phóng đến 31.200 tấn nước thải đã qua xử lý cho đến cuối tháng 3/2024. Sự việc này đã gây tranh cãi với nhiều quốc gia khác, trong đó có hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều động thái về vấn đề này.
Nhiều quốc gia có động thái trái ngược
Nhật Bản cũng thông báo quá trình xả thải sẽ diễn ra trong nhiều thập kỷ, việc làm này đã vấp phải ý kiến phản đối của nhiều quốc gia lân cận. Trung Quốc ra lệnh cấm tất cả loại thủy sản được nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ khi thông báo xả thải được thông báo, điều này đã gây tổn hại rất lớn cho thị trường thủy sản Nhật Bản, các nhà sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu của quốc gia này bị đình trệ rất lớn. Trung Quốc cho rằng đây là “hành động cực kỳ vô trách nhiệm” của Nhật Bản. Sau Trung Quốc, Nga cũng ra lệnh cấp nhập khẩu hải sản của Nhật từ ngày 16/10/2023 như một “biện pháp phòng ngừa”.
Ở Hàn Quốc, phó chánh Văn phòng Điều phối chính sách chính phủ phát biểu: “Cho đến nay, việc xả thải đang diễn ra ổn định như kế hoạch ban đầu và được hiểu là không có tình huống bất thường nào”. Tuy nhiên để đảm bảo sự yên tâm cho người dân, Hàn Quốc vẫn tiếp tục thận trọng kiểm tra hàm lượng phóng xạ cũng như các loại hải sản của Nhật Bản nhập khẩu vào. Một số người dân cũng đã tổ chức biểu tình để lên án hành động này của Nhật Bản.
Trong khi đó, vào ngày 31/08, Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel đã đến thăm tỉnh Fukushima ăn cá ở khu vực này để ủng hộ quyết định xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý. Chuyến thăm nhằm mục đích “thể hiện sự ủng hộ về mặt vật chất và sau đó bày tỏ sự tin tưởng vào tiến trình mà Nhật đã theo đuổi một cách có phương pháp”.
IAEA chứng minh nước xả thải an toàn, song vẫn còn nhiều bất thường
Trước nhiều luồng tranh cãi, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tiến hành cuộc khảo sát đầu tiên từ khi đợt xả thải đầu tiên diễn ra. Tại Bộ Ngoại giao Tokyo, phái đoàn IAEA đã có một cuộc họp với giới chức bộ công nghiệp, đơn vị chủ quản nhà máy là Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cùng nhiều người phụ trách khác. Bà Lydie Evraed cho biết, IAEA sẽ tiếp tục làm điều này cho đến khi quá trình xả thải hoàn tất. Nhóm giám sát hạt nhân này thuộc Liên hợp quốc với đội ngũ chuyên gia từ 11 nước như Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhóm đã thị sát nhà máy cũng như quan sát quy trình xả nước thải qua xử lý và pha loãng 2 đợt diễn ra vào tháng 8 và tháng 10.
Kết quả khảo sát cho thấy, nước đã được xử lý loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ nhưng vẫn còn chứa tritium, mặc dù trước khi thải ra biển nồng độ tritium đã giảm xuống chỉ còn 1/7 so với lúc đầu. Tuy nhiên chỉ cần lượng tritium vẫn còn sót lại, sẽ đều có tác động xấu đến sức khỏe người dân nếu ăn phải hải sản từ Fukushima. Đồng thời ảnh hưởng không tốt đến môi trường biển.
Trước đó vào ngày 19/10, một nhóm khoa học gia từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và IAEA đã thu thập cá tươi ở cảng Hisano Hama, TP. Iwaki – Nhật Bản để khảo sát. Theo nhà khoa học Paul McGinnity tại IAEA, hàm lượng tritium sẽ là điều đáng lo ngại vì chất này không được loại bỏ trong quá trình xử thải. Trong các mẫu nước biển gần điểm xả thải, ông dự bảo hàm lượng tritium tăng nhẹ, tuy nhiên không tìm thấy sự thay đổi trong quá trình khảo sát cá tươi.
Vào năm 2014, Scientific American cho biết, khi tiêu thụ phải tritium (chất phóng xạ) trong nước thải hạt nhân có thể tăng nguy cơ gây ung thư và các bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Ngoài ra một số chất phóng xạ khác còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vì nó tích tụ trong hải sản, trầm tích đáy biển. Đó là lý do Nga và Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy hải sản từ Nhật để bảo đảm an toàn cho người dân nước mình.
Tại truyền thông Việt Nam, cũng có một số luồng ý kiến từ khán giả với nhiều quan điểm khác nhau trước hành động này. “Chính phủ Nhật được cấp quyền xả thải ra Thái Bình Dương. Vậy chúng ta cũng có quyền chọn lựa hưởng ứng hoặc không. Còn việc có ảnh hưởng gì đến đại dương hay con người không thì phải trải qua thời gian mới biết được.
Riêng tôi thì sẽ không sử dụng sản phẩm thủy, hải sản đến từ Nhật”, trích lời một bình luận của người dân Việt Nam. Một ý kiến khác bày tỏ thái độ ủng hộ hành động này: “Họ cũng đã tính toán kỹ càng và có số liệu cụ thể, xử lý hậu quả là việc bắt buộc phải thực hiện, khi họ xả nước Nhật bản cũng trong việc bị ảnh hưởng, đó cũng đã là phương án tốt nhất có thể”.
Trước hành động pha loãng dòng thải của Nhật Bản, một chuyên gia có kinh nghiệm 15 năm công tác trong lĩnh vực hạt nhân đã nên ý kiến: “Pha loãng dòng thải. Khi học ngành công nghệ môi trường, chuyên ngành xử lý nước thải công nghiệp ngày xưa, một điều tối kỵ tôi được dạy là cấm pha loãng dòng thải, vì trên thực tế bất cứ dòng thải nào cũng có thể pha loãng để đạt nồng độ ‘’theo tiêu chuẩn’’, và như thế có thể tạo một kẽ hở cho những người xả thải bám vào. Việc quản lý các cơ sở xử lý thải đạt tiêu chuẩn nhờ vào pha loãng dòng thải thực sự cũng rất khó, nhất là với các nguyên tố yêu cầu nồng độ cực thấp, vì chẳng ai có thể liên tục bám dòng thải & lấy một lượng mẫu khổng lồ ở một diện tích rộng trong nhiều năm cả. Vì thế, nói chung tôi không có cảm tình khi trong báo cáo của người Nhật, kể cả bản xuất bản trên tạp chí Nature danh tiếng bám rất nhiều vào yếu tố pha loãng dòng thải này”.
Chuyên gia không kết luận lượng nước thải này có an toàn không, tuy nhiên cũng lên tiếng về hành động của Nhật là không có cơ sở khoa học. Vì pha loãng dòng thải là điều tối kỵ trong quá trình xử lý nước xả thải.
Có thể thấy, kết quả khảo sát của IAEA vẫn chưa thật sự khách quan khi họ đang đánh giá thấp khả năng gây hại của tritium trong nước thải đối với sức khỏe con người và xem điều đó không quá quan trọng. Nếu nước thải từ Fukushima thật sự an toàn, tại sao các quốc gia lân cận lại phản đối và ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ Nhật Bản? Theo dự kiến, quá trình xả thải này sẽ diễn ra đến 30 năm vì vừa thực hiện vừa phải đánh giá về tác động của nó. Việc diễn ra trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo số liệu của Tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO) Trong số nước đã qua xử lý, chỉ khoảng một phần ba lượng nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định và hai phần ba còn lại cần được làm sạch lại.
Người dân lo lắng trước thông tin hải sản Fukushima sẽ nhập khẩu đến Việt Nam
Trong 2 tháng qua, hành động xả thải của Nhật Bản đã dẫn đến rất nhiều luồng ý kiến từ ủng hộ đến tranh cãi. Tuy nhiên phần lớn vấp phải ý kiến phản đối của các nước lân cận vì lo ngại cho sự an toàn của người dân. Hiện tại, Nhật vẫn đang thực hiện kế hoạch xả thải dài hạn này với sự ủng hộ của Mỹ và IAEA.
Sắp tới, do các quốc gia ngừng nhập khẩu hải sản từ Nhật dẫn đến tình hình xuất khẩu của nước này bị sụt giảm nghiêm trọng. Vì thế, Nhật Bản đã quyết định quảng bá hải sản tỉnh Fukushima tại Việt Nam. Một gian hàng bán hàng sẽ được dựng tại một trung tâm mua sắm ở Việt Nam từ ngày 2 đến ngày 4/2/2024, để bán các sản phẩm chế biến từ Sanriku và Tokiwa cũng như các sản phẩm từ các khu vực bị thiên tai, đồng thời quảng bá độ tươi ngon của sản phẩm. Động thái này đã khiến người dân Việt Nam lo lắng và quan ngại. Một số người phản đối vì không muốn tiêu thụ những loại hải sản nhập từ Fukushima để đảm bảo an toàn.
Theo Robert Richmond, nhà sinh vật biển tại Đại học Hawaii sau khi quan sát số liệu từ TEPCO: “Nếu bạn ăn thứ gì đó bị nhiễm chất phát xạ β, các tế bào bên trong của bạn sẽ bị phơi nhiễm”. Richmond lo ngại tritium có thể tích tụ trong lưới thức ăn khi các sinh vật lớn ăn những sinh vật nhiễm phóng xạ nhỏ hơn.
Dạng tritium liên kết hữu cơ có thể tích tụ trong cá và các sinh vật biển, cũng theo Shigeyoshi Otosaka, nhà hải dương học kiêm nhà hóa học biển tại Viện Nghiên cứu Khí quyển và Đại dương thuộc Đại học Tokyo: “Tôi nghĩ việc đánh giá tác động lâu dài của các hạt nhân phóng xạ đến môi trường rất quan trọng”. Vì thế những lo lắng của người dân Việt Nam là có cơ sở thực tiễn. Cần cân nhắc kỹ trước khi nhập khẩu các loại hải sản từ Nhật đến thị trường Việt Nam.