Friday, 29th March, 2024 6:00

Mỹ có bước thay đổi chủ động hơn trong cách tiếp cận Đài Loan và khiến Bắc Kinh phải liên tiếp phát đi thông điệp cảnh báo.

Hôm 31-5 (giờ địa phương), đài BBC dẫn thông báo của cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết khoảng 30 máy bay quân sự Trung Quốc (TQ) đã đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam hòn đảo này. Trong số 30 máy bay này có 22 chiếc là máy bay chiến đấu, số còn lại là máy bay cảnh báo sớm, máy bay chống ngầm, máy bay tác chiến điện tử. Đài Loan đã nhanh chóng kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa để giám sát hoạt động của phi đội TQ. Theo giới chức Đài Loan, đây là đợt tiếp cận ADIZ lớn nhất của phi đội TQ kể từ ngày 23-1 năm nay.

Đáng chú ý, TQ có động thái trên chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công.

Đáp trả về tuyên bố của ông Biden, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân cho hay Bắc Kinh đã kêu gọi Washington cẩn trọng trong lời nói và việc làm liên quan đến vấn đề Đài Loan, đồng thời tuyên bố TQ sẽ hành động mạnh để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của mình.

Nhiều thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ với Đài Loan

Theo tờ The New York Times, phát ngôn của ông Biden có thể là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thay đổi mạnh cách tiếp cận và hỗ trợ Đài Loan, dựa trên những kinh nghiệm từ cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay.

Thời gian qua, phía Mỹ ngầm thúc đẩy Đài Loan mua các loại vũ khí phù hợp với kiểu giao tranh phi đối xứng. Đây là dạng xung đột mà đội quân nhỏ hơn dùng các hệ thống di động để giáng đòn hiểm hóc vào đối thủ lớn hơn. Chính quyền ông Biden gần đây khuyến nghị cơ quan phòng vệ Đài Loan đặt mua thêm cả trực thăng Seahawk MH-60R hoặc xe tăng Abrams M1A2 do hãng quốc phòng Mỹ sản xuất.

QUAN HỆ MỸ - TRUNG LẠI CĂNG THẲNG VÌ VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN

Chiến đấu cơ Đài Loan (trái) xua đuổi một chiến đấu cơ Trung Quốc (phải) xâm nhập không phận hòn đảo này hồi tháng 1. (Ảnh: AFP)

Quan chức Mỹ đề cao tính lưu động nên đang khuyến khích Đài Loan mua loại tên lửa diệt hạm Harpoon bắn từ đất liền với độ cơ động cao. Tên lửa phòng không Stinger cũng có thể có hiệu quả đẩy lùi không quân TQ.

Trong khi đó, giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall (Ðức) bonnie Glaser cho rằng Đài Loan cần xây dựng lực lượng dự bị và lực lượng phòng vệ lãnh thổ mạnh, có khả năng làm tiêu hao đối thủ, như Ukraine.

“Trong nhiều năm, Mỹ đã khuyến khích lực lượng phòng vệ Đài Loan trao đổi với các nước có lực lượng quân sự mạnh. Hòn đảo đã cử người đến Israel, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển và một số nước vùng Baltic” – bà Glaser nói.

Quan hệ Mỹ – Trung gia tăng căng thẳng

Tờ South China Morning Post dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng do sự thay đổi trong cách tiếp cận gần đây của Mỹ với Đài Loan còn mới nên vẫn chưa thể đánh giá chính xác điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào lên quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, rủi ro căng thẳng tăng cao là điều chắc chắn, đặc biệt là khi cơ chế liên lạc và quản lý khủng hoảng giữa hai nước gần như đóng băng, trong lúc ngày càng nhiều tàu chiến, máy bay, tàu ngầm từ các nước khác đang hiện diện xung quanh TQ.

Mối quan hệ ngày càng rạn nứt, trong khi liên lạc bị đóng băng, đồng nghĩa những cơ chế được thiết kế để ngăn hai cường quốc rơi vào khủng hoảng hoặc giúp hai nước xoa dịu căng thẳng song phương sẽ trở nên kém hiệu quả hoặc bị vô hiệu hoàn toàn.

“Nguy cơ leo thang hiện nay lớn hơn đáng kể so với năm 2001 (thời điểm xảy ra va chạm giữa một chiến đấu cơ TQ và một máy bay do thám Mỹ trên bầu trời gần đảo Hải Nam). Cách đây 21 năm, chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn bế tắc và căng thẳng chính trị trong khoảng 11 ngày trước khi hai bên giải quyết được sự việc. Nếu chuyện như vậy xảy ra hôm nay, Mỹ và TQ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để xử lý” – chuyên gia Amanda Hsiao thuộc tổ chức nghiên cứu Nhóm khủng hoảng quốc tế (Bỉ) nhận xét.

Trong một bài phát biểu trực tuyến hôm 31-5, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cảnh báo rằng mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng gặp nhiều thách thức và “những câu chuyện lịch sử đang bị bóp méo và có nguy cơ đi sai hướng”. Theo đó, nếu Mỹ tiếp tục trượt dài trong vấn đề Đài Loan thì về cơ bản, điều này sẽ gây tổn hại đến hòa bình ở eo biển Đài Loan và cuối cùng sẽ “tự làm tổn thương chính Washington”.

“Mối quan hệ Trung – Mỹ không thể xấu đi thêm nữa và phải đưa ra lựa chọn đúng đắn, đó là xác định đúng chiến lược, từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh, củng cố nền tảng chính trị, xử lý những khác biệt, thoát ra khỏi tư duy cạnh tranh, tăng cường liên lạc và hợp tác” – ông Vương khẳng định.

NGUỒN: PHATLUAT