Sunday, 22nd December, 2024 4:47
RANH GIỚI GIỮA TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬNTrong xã hội hiện đại, tự do ngôn luận, tự do báo chí được coi là biểu hiện của quyền bình đẳng, dân chủ, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm rõ quyền tự do ngôn luận và việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận với ý đồ xấu.

Trong một xã hội hiện đại, báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các quan điểm, ý chí của Nhà nước và tiếng nói của nhân dân, là công cụ của tự do biểu đạt. Trong một xã hội hiện đại, tự do ngôn luận, tự do báo chí có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của từng cá nhân và cộng đồng, được coi là biểu hiện của quyền bình đẳng, dân chủ, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên, đã thành thói quen, chỉ cần có một sự kiện nào đó đang thu hút sự chú ý của dư luận, các trang mạng hải ngoại và các thế lực thù địch phản động, cơ hội chính trị đã không tiếc công gọt rũa, nhào nặn để bôi xấu chế độ, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, hòng gây mất niềm tin, gieo rắc sự hoài nghi, chống phá nhà nước, chống phá chế độ, hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Cần nhận diện những thủ đoạn này như thế nào? ranh giới giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí và sự quá chớn với những chủ ý tính toán, xuyên tạc, bôi nhọ nằm ở đâu? Phóng viên VOV phỏng vấn nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về vấn đề này.

Lợi dụng tự do ngôn luận để thực hiện những ý đồ xấu

PV: Ông có quan điểm như thế nào về khái niệm tự do ngôn luận, tự do báo chí?

Ông Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ khi chúng ta nói về tự do ngôn luận, tự do báo chí, đấy chính là quyền biểu đạt của từng con người trong xã hội, thể hiện trình độ văn minh, trình độ dân chủ của xã hội. Người ta nói rằng, trong một xã hội mà không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí thì như thiếu “dưỡng khí ô xy”, như thế nền dân chủ không thể nuôi dưỡng, không được thể hiện.

Một vấn đề cần trao đổi ở đây khi nói đến tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, như vậy có giới hạn không? Có tự do không giới hạn và có tự do tuyệt đối không?

Tôi nghĩ cần nhận thức thật đúng và thể hiện thật rõ. Đó là không có tự do ngôn luận vô hạn cũng không có tự do báo chí không giới hạn, mà phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, và nó tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển của từng quốc gia.

PV: Ông cũng khẳng định không có tự do một cách tuyệt đối, không có tự do vô hạn, vậy theo góc nhìn của ông, nên hiểu thế nào về quyền tự do biểu đạt của mỗi cá nhân hiện nay?

Ông Hồ Quang Lợi: Quyền tự do biểu đạt của mỗi con người, cá nhân phải gắn với trách nhiệm. Không thể có quyền tự do biểu đạt mà không quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh, không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Chúng ta thấy tự do ngôn luận là vấn đề rất nhạy cảm trong tổ hợp các vấn đề của quyền con người. Chúng ta thấy rằng, tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng như quyền con người nói chung, ai cũng nói phải có quyền đó nhưng cách hiểu và cách thực hiện như thế nào ở các quốc gia không giống nhau.

Ưu tiên của các quốc gia trên thế giới không đồng nhất về các vấn đề thuộc về ngôn luận tự do, báo chí tự do. Ưu tiên của các nước đang phát triển không hoàn toàn giống với các nước giàu, các nước phát triển. Một quốc gia đang còn nghèo đói thì ưu tiên của họ là làm sao cho người dân có cái ăn, chứ không phải ưu tiên trước hết là thực hiện bằng được các vấn đề thuộc về dân chủ, quyền con người.

PV: Báo chí là một trong những phương tiện để thể hiện quyền tự do ngôn luận, nhưng một số trang tin hải ngoại đã lợi dụng quyền tự do để cố tình đưa ra những thông tin thất thiệt về tình hình Việt Nam. Ông bình luận gì về ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi lạm dụng tự do ngôn luận, lợi dụng tự do báo chí?

Ông Hồ Quang Lợi: Vấn đề cần phải làm rõ là quyền tự do ngôn luận và việc lạm dụng, lợi dụng tự do ngôn luận để thực hiện ý đồ xấu. Ranh giới của nó chính là giá trị của sự thật có được làm rõ, có được bảo vệ hay không. Chúng ta thấy, thời gian vừa qua, một số thế lực lợi dụng quyền tự do ngôn luận, theo cách hiểu của họ là quyền tự do ngôn luận không giới hạn, không bị hạn chế bởi bất cứ một quy định nào, để họ thực hiện các ý đồ xấu đối với thực tế ở Việt Nam.

Hàng năm, vào ngày 31/5 – ngày tự do báo chí, hay ngày 21/6 – ngày báo chí cách mạng Việt Nam, các thế lực ở bên ngoài phối hợp với một số phần tử ở bên trong, trong đó có những tổ chức mang danh tổ chức dân chủ, như tổ chức Phóng viên không biên giới, họ xếp hạng các quốc gia trên thế giới về tự do báo chí và Việt Nam nằm trong nhóm ít có tự do báo chí, thậm chí họ còn nói vi phạm quyền tự do báo chí của công dân. Họ lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc tình hình của Việt Nam, nhất là thời điểm chúng ta có những sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, kỳ họp Quốc hội…

Cho nên vấn đề đặt ra là cần phải vạch trần hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để thực hiện những vấn đề xấu.

Tạo niềm tin xã hội để tránh nguy cơ bị lung lạc bởi bẫy thông tin

PV: Dưới góc nhìn của một nhà báo và cũng là một công dân Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện quyền tự do báo chí của công dân và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở Việt Nam?

Ông Hồ Quang Lợi: Việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong mấy chục năm qua. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của người dân, nhưng những quyền này phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật, nó cho thấy giữa quyền và nghĩa vụ luôn phải song hành với nhau.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật của ta ngày càng hoàn thiện. Năm 2016 chúng ta sửa Luật Báo chí; và cùng năm đó, chúng ta có Luật tiếp cận thông tin; năm 2018 có Luật Bảo vệ an ninh mạng… Tất cả hệ thống pháp luật đó ngày càng hoàn thiện để bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân nhưng đồng thời hệ thống pháp luật đó cũng nói rõ pháp luật không cho phép lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thực hiện các hành vi chống đối chế độ, chống đối lợi ích của quốc gia, dân tộc. Nhưng điều đó thể hiện được những nguyên tắc cơ bản của quyền con người được thể hiện trong tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay tương thích với các yêu cầu cơ bản.

Có thể khẳng định, sự tiến bộ của chúng ta được thể hiện rất rõ đó là báo chí của Việt Nam không bị kiểm duyệt trước khi in ấn hay truyền dẫn, phát sóng. Đây là yêu cầu rất cơ bản thể hiện tự do báo chí, tự do dân chủ trong hoạt động báo chí.

PV: Trong bối cảnh địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch luôn lợi dụng quyền tự do để bôi nhọ chế độ ta. Theo ông, làm thế nào để phân biệt được thật giả, tốt xấu, tránh nguy cơ bị lung lạc bởi bẫy thông tin?

Ông Hồ Quang Lợi: Theo tinh thần là chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu, cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, làm sao để thông tin một cách toàn diện hơn nữa, sinh động hơn nữa về tình hình đất nước chúng ta. Tạo niềm tin xã hội, theo tôi chính là tạo niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, đủ tỉnh táo, đủ kiến thức cần thiết để nhận biết đâu là đúng, đâu là sai, điều chỉnh hành vi của mình, nêu cao tinh thần cảnh giác và phải bóc trần được các âm mưu, thủ đoạn để người dân nhận thức được đúng hơn tình hình thực tế của đất nước và ngăn chặn được những hành vi phá hoại.

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, vai trò của báo chí rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin cần thiết và những thông tin có tính định hướng nhưng báo chí phải là câu trả lời của tất cả các vấn đề mạng xã hội đưa lên bằng sự vượt trội về tinh thần trách nhiệm, về tính chuyên nghiệp và đạo đức làm nghề của người làm báo.

Tôi nghĩ rằng, độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

PV: Xin cảm ơn ông./.

NGUỒN: VOV