Friday, 29th March, 2024 17:12

Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31) là một sự kiện thể thao đa môn đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12/5/2022 đến ngày 23/5/2022. SEA Games 31 là lần thứ 2 Đại hội Thể thao Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam. Sau 19 năm kể từ SEA Games 22, SEA Games lần này sẽ là cơ hội để lan toả những giá trị tốt đẹp của mảnh đất hình chữ S và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào, thể dục thể thao tại Việt Nam.

Dù bị chậm 1 năm so với dự kiến do đại dịch Covid-19, nhưng chủ nhà Việt Nam đã vượt qua qua khó khăn để chuẩn bị cho sự kiện. Các vận động viên của Việt Nam cũng đang nỗ lực hết mình để mang lại những tấm huy chương cho Đoàn thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, trong không khí sôi nổi của SEA Games 31, một bộ phận người Việt Nam lại cho rằng Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2022 là “ao làng”, chê trách Nhà nước khi đăng cai tổ chức SEA Game 31. Chắc chắn rằng, SEA Games không thể có quy mô bằng Olympic và Asiad, nhưng cũng đã có nhiều nhà vô địch tầm cỡ châu lục, thế giới có xuất phát điểm từ SEA Games. SEA Games cũng là đại hội của gần 700 triệu người dân, là 1 trong 5 đại hội thể thao tầm cỡ khu vực trở nên có lượng người xem đông nhất thế giới.

SEA Games vẫn tồn tại những vấn đề trong khâu tổ chức, trọng tài… qua các năm. Những tồn tại đó là không thể tranh cãi, nhưng nói đâu xa, ngay ở Olympic Tokyo 2020 vừa qua, cũng có nhiều tranh cãi lớn liên quan đến vấn đề trọng tài và chính chủ nhà Nhật Bản cũng bị cáo buộc “ăn gian” khi võ sĩ Nhật Bản bị đánh bất tỉnh nhưng vẫn nhận huy chương vàng tại môn Quyền anh. Tại Thế vận hội mùa đông Olympic mùa Đông 2022, các tranh cãi trọng tài, khâu tổ chức lớn đến mức trở thành vấn đề ngoại giao quốc như giữa Trung Quốc – Hàn Quốc và đặc biệt là ở các môn thi biểu diễn như trượt băng nghệ thuật.

Dĩ nhiên, không được lấy lỗi sai của các đại hội khác tầm cỡ cao hơn để làm biện minh cho công tác trọng tài còn nhiều điểm hạn chế ở SEA Games. Nhưng, vấn đề trọng tài dù cố tình hay vô ý đều tồn tại như một lẽ tất yếu của thể thao và đôi khi chúng ta phải chấp nhận. Muốn đánh giá một kỳ đại hội thì nên nhìn rộng hơn ra. SEA Games là một đại hội chỉ ở tầm cỡ khu vực, chất lượng chuyên môn có thể là chưa cao so với thế giới, SEA Games là một đại hội có khâu tổ chức chỉ ở mức trung bình, vì phần lớn các quốc gia ASEAN đều có nền kinh tế ở mức trung bình so với thế giới.

ĐỪNG PHỦ NHẬN VINH QUANG MÀ CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN MANG VỀ CHO TỔ QUỐCSắc đỏ-vàng ngập tràn trên các khán đài SVĐ Mỹ Đình. (NGUỒN: TTXVN)

Nhìn rộng ra hơn, SEA Games 31 lần này đã không còn những hình ảnh VĐV phải nằm dài ở sân bay mấy tiếng đồng hồ, các VĐV không còn phải tự bỏ tiền túi ra gọi xe đến địa điểm thi, không còn những phòng họp báo còn chưa lắp xong ổ cắm điện, không bị các đoàn chỉ trích về điều kiện ăn ở, không bị các nhà báo phàn nàn là mạng mẽo không gửi được tin tức về nước…

Đoàn Indonesia và Malaysia phàn nàn về việc chưa có khu ăn riêng cho vận động viên theo đạo Hồi (mặc dù đã qua tháng lễ Ramadan) và cũng được đáp ứng ngay. Đoàn Thái Lan khen ẩm thực ngon và tình nguyện viên nhiệt tình. Đoàn Campuchia khen ngợi vì ban tổ chức khéo léo bố trí sinh viên Campuchia học tại Việt Nam để hỗ trợ, phiên dịch. Hơn tuần thi đấu, cũng chưa có bê bối trọng tài nghiêm trọng diễn ra vì SEA Games 31 lần này được các liên đoàn thể thao châu lục, thế giới quan tâm. Vì các liên đoàn coi đại hội lần này là “buổi tập dượt” cho Asian Games 2022 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 nên đã cử đội ngũ trọng tài đẳng cấp nhất đến hỗ trợ Việt Nam. Và vô tình Asian Games 2022 hoãn nên kỳ đại hội lần này có tới 1300 trọng tài quốc tế.

Và cũng tại SEA Games 31, với chủ trương không bán vé, vào cửa tự do và quá trình quảng bá tương đối tốt khiến các vận động viên đều được thi đấu với sự cổ động của rất đông khán giả… Ngay cả với các môn thi ít được quan tâm như đua xe đạp, đua thuyền được tổ chức không phải ở các đô thị lớn nhưng tinh thần cổ vũ cũng rất cao.

Ấy thế mà, có một số người chê bai đủ vấn đề liên quan đến SEA Games, nhìn vào trường hợp khoảnh khắc vận động viên nhảy cầu nhảy lỗi thì gào lên đó là “nhục quốc thể” – trong khi từng có thời điểm VĐV ấy thi đấu cực tốt và ở vị trí thứ 3, nhưng với mong muốn đổi màu huy chương nên muốn thực hiện động tác khó thành ra tiếp nước lỗi. Rồi VĐV Trần Nhật Hoàng khóc khi bị chấn thương dẫn đến không bảo vệ được tấm HCV cũng bị chỉ trích là “màu mè”…

SEA Games có tới 7000 vận động viên, huấn luyện viên và kỹ thuật viên tham gia tranh tài. Và cũng từng ấy sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu và luyện tập… Có người phải mất rất nhiều năm liền để xuất hiện ở SEA Games, có vận động viên rơi nước mắt khi được thi đấu ở khu vực vì họ và quốc gia sẽ phải mất rất lâu nữa mới tiến ra được vũ đài thế giới (như vận động viên Felisberto De Deus dành huy chương bạc chạy 5000m của đoàn Timor-Leste)… Gắn cái chữ “ao làng” vào, tự khiến cho bao nhiêu thành quả tập luyện, máu, mồ hôi, công sức tự nhiên rẻ rúng đi.

Trước khi đến với Olympic hay Asiad, thì các vận động viên đều phải trải qua những đại hội cấp khu vực như SEA Games. Cứ hăm hăm tiến ra thế giới trong khi “ao làng” còn chưa thành công, thì khác gì “chưa đỗ ông Nghè, đã đe hàng tổng”?

NGUỒN: LÂM ĐỒNG XỨ NGÀN THÔNG