Saturday, 21st December, 2024 18:18

Từ ngôn ngữ và cử chỉ kỳ thị cho đến bị quấy nhiễu đang khi tập thể dục tại nơi công cộng, người Mỹ gốc Á đại diện cho nước mình tại Thế vận hội Tokyo kể lại một số chuyện kỳ thị họ gặp phải tại Mỹ.

Cô Sakura Kokumai dự tranh môn karate, một môn thể thao được đưa vào Thế vận hội lần đầu tiên.

Trong một bài viết được đưa lên trang mạng của Đội Mỹ hồi tháng 5, cô mô tả chuyện một người đàn ông tại một công viên ở California “dùng lời lẽ quấy nhiễu tôi vì màu da.”
“Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một tội ác thù ghét hung hăng và rõ rệt,” cô Kokumai viết. “Tôi là một mục tiêu vì ngoại diện của tôi. Không phải vì tôi là một vận động viên. Không phải vì tôi tranh tài trong môn karate—nhưng vì tôi là người châu Á. Và dù bạn nhìn tôi như thế nào đi nữa, tôi sẽ luôn là người châu Á.”

Cô Kokumai nói cô từng trò chuyện với bạn bè về những tội ác này, nhưng trải nghiệm trên thực tế khiến cô hiểu rõ và muốn lên tiếng về vấn đề.

“Tôi ước gì có một giải pháp cho vấn đề, nhưng bước đầu tiên là lan truyền nhận thức,” cô viết. “Và rồi chúng ta phải có cảm thông và lòng trắc ẩn với nhau. Qua thời gian chúng ta có thể giúp thay đổi mọi chuyện để thế giới tốt đẹp hơn.”

 

Vận động viên Olympic Mỹ gốc Á chia sẻ về tội ác thù ghét

Người Mỹ gốc Á và người gốc các đảo ở Thái Bình Dương ở Mỹ đã đối mặt với những cuộc tấn công bằng ngôn từ và thể chất. Tổ chức Ngưng Thù ghét nhắm vào người gốc Á (AAPI) báo cáo hồi tháng 5 năm là từ ngày 19/3/2020 cho đến ngày 31/3/2020 họ nhận được cả thảy 6.603 báo cáo, chưa kể những cuộc tấn công chưa được báo cáo và ghi nhận.

Theo phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu về Thù ghét và Cực đoan tại Đại học Tiểu bang California, San Bernardino, số các tội thù ghét chống người châu Á được báo cáo cho cảnh sát tại những thành phố lớn của Mỹ tăng 189% trong quý một năm nay.

Vận động viên môn thể dục dụng cụ Yul Molsauer lần đầu tranh tài trong Thế vận hội. Một vụ đụng chạm giao thông khiến anh chia sẻ câu chuyện trên Instagram hồi tháng Ba với dòng chữ: “Người Mỹ gốc Á. Hoa Kỳ là quê hương của tôi.”

Anh nói một phụ nữ cắt ngang đầu xe của anh và hét lớn “Cút về Trung Quốc đi.”

“Đối với tôi, việc này thực sự gây sốc,” anh giải thích. “Tôi bối rối. Tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi thực sự cố gắng hành động như không có chuyện gì xảy ra. Khi tôi mang chữ USA trên ngực ra tranh tài, tôi cảm thấy tổn thương khi thấy mình phải đại diện cho những người như thế.”

Anh Erik Shoji, hai lần có tên trong đội bóng chuyền nam của Mỹ tại Thế vận, dùng truyền thông xã hội đánh động sự chú ý đối với việc đình chỉ thi đấu một vận động viên người Serbia. Người này trong một trận đấu vào tháng 6 đã lấy tay làm cho mắt mình nhỏ lại, trong một cử chỉ nhắm vào các đối thủ của đội Thái Lan.

“Nhân danh cộng đồng châu Á và cộng đồng bóng chuyền châu Á, tôi muốn cám ơn Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế và Liên đoàn Bóng chuyền Các Quốc gia có lập trường chống lại những cử chỉ kỳ thị như trong trường hợp này, chống lại phân biệt chủng tộc nói chung và làm cho thể thao của chúng ta thành một nơi an toàn hơn,” anh Shoji nói.

Vận động viên Alexander Massialas, lần thứ ba tranh tài môn đấu kiếm Thế vận hội, viết trên Instagram về sự cần thiết phải đối đầu và đẩy lùi những hành vi thù ghét.

“Là người lai Trung Quốc, tôi thường bị phân biệt chủng tộc qua các lăng kích khác nhau, dù không phải là mục tiêu trực tiếp, thì cũng là một nhân chứng và nạn nhân gián tiếp,” Massialas viết.
Anh kể có lần anh đi xe chung mà tài xế là một người gốc Hoa. Một người đi chung phản đối việc tài xế chụp hình băng ghế phía sau nơi hành khách này làm đổ rượu và đồ dùng để chơi ma túy.

“Anh ta nhảy bổ vào tôi và tìm cách kéo tôi đứng về phía anh ấy rồi chửi thề rằng ‘Cậu có thể tin tên Ba Tàu *** này không?’”

Massialas kể anh đã ra tay can thiệp khi hành khách này tìm cách cướp xe, vốn đi ngược lại điều mà anh nói là chuẩn mực văn hóa trong cộng đồng của anh rằng “ai nói gì nói, dù sai dù tổn thương, hãy cứ phớt lờ.” Anh chia sẻ rằng ngay cả người lái xe cũng bảo anh lẽ ra chớ nên tự đưa mình vào vòng nguy hiểm. Tuy nhiên, anh nói, vụ này là một điển hình cho anh về những gì cần thay đổi “khi đụng tới vấn đề kỳ thị chủng tộc.”

“Hôm nay tôi nghĩ đến những nạn nhân của cuộc tấn công vô cảm vào các phụ nữ gốc Á tại Atlanta, tới ông cụ Thái Lan bị giết chết trong phạm vi cách nhà tôi ở San Francisco chỉ 10 phút đi bộ, và vô số những hành động kỳ thị chủng tộc và bạo động chống lại cộng đồng gốc Á,” anh nói. “Thay vì bỏ ngoài tai và chủ quan hoá sự thờ ơ làm cho thù hận lan rộng, chúng ta có thể chống trả bằng cách đoàn kết với nhau, lên tiếng, và đứng lên chống lại thù ghét những cộng đồng dễ bị tổn thương.”