Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có thông tin trong đợt thầu ngày 21/5 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu”, Cục Xuất nhập khẩu nêu.
Để giữ uy tín thuơng hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu, tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xác minh thông tin một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.
Tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan nếu có.
Trước đó, Perum Bulog – cơ quan hậu cần của Nhà nước Indonesia – thông báo 2 doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu 100.000 tấn gạo trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu đợt này với mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.
Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC).
Trước sự việc này, đại diện một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo nhận định, nếu thông tin trên là đúng thì việc doanh nghiệp đấu thầu số lượng gạo lớn với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ làm giảm giá trị gạo Việt Nam, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác.
Nguồn: PHẠM DUY