Friday, 19th April, 2024 2:19

BA THÔNG ĐIỆP THỦ TƯỚNG NÊU RA TẠI HỘI NGHỊ G7 MỞ RỘNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba thông điệp quan trọng tại hội nghị G7 mở rộng, thể hiện vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, theo Bộ trưởng Ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, với nhiều kết quả trên phương diện đa phương và song phương, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trong ba ngày Thủ tướng dự hội nghị và tiến hành các hoạt động bên lề, Việt Nam đã đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Tại các phiên họp của hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba thông điệp quan trọng, trong đó có thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn. Trong thông điệp này, Thủ tướng đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương, coi đây là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ hiện nay.

Trong thông điệp thứ hai, lãnh đạo Việt Nam cho rằng khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nỗ lực giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công bằng cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, cân bằng và hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước.

Thông điệp thứ ba được Thủ tướng nêu ra là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, được lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, sự tham gia của Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trên cơ sở bình đẳng, phù hợp với lợi ích của các nước đang phát triển.

“Chuyến công tác để lại dấu ấn sâu đậm về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, khẳng định hình ảnh Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu”, Bộ trưởng nói.

Các hoạt động song phương trong chuyến công tác cũng góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác.

Với Nhật Bản, các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng với người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio, lãnh đạo tỉnh Hiroshima và các giới của Nhật đã góp phần nâng cao tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia cấp vốn viện trợ ưu đãi lớn nhất cho Việt Nam với khoảng 2.980 tỷ yen (21,6 tỷ USD) trong 30 năm qua.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được đồng thuận trong thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam. Đây là đồng vốn có ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt dành cho các dự án phát triển hạ tầng giao chiến lược, như cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ.

Ông đánh giá hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt – Nhật giai đoạn mới.

Hai nước đã ký ba văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yen (khoảng 500 triệu USD) cho dự án chương trình ODA thế hệ mới phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội hậu Covid-19 và hai dự án cải tạo hạ tầng giao thông tại Bình Dương, Lâm Đồng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc tìm kiếm và huy động nguồn vốn ODA thế hệ mới cho các dự án hạ tầng giao thông sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách trong bối cảnh nhiều nhiệm vụ cần chi.

Để vốn vay hiệu quả, thủ tục cần được rút ngắn, bởi đây là vướng mắc lớn trong giải ngân ODA vừa qua, khiến các dự án bị kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành. “Trở ngại về thủ tục nếu không được các bộ ngành liên quan khắc phục sẽ khiến các khoản vay ưu đãi trở thành vay lãi suất cao”, Bộ trưởng Thắng nói.

2023 là năm Việt – Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước phát triển toàn diện thời gian qua. Nhật là thành viên G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Quốc gia này là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái đạt gần 50 tỷ USD, tăng so với mức 42,7 tỷ USD năm 2021. Ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 11 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, Nhật đứng thứ ba trong 143 quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. Lũy kế đến cuối tháng 3, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 5.050 dự án FDI, tổng vốn gần 70 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo G7, như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng nhiều tổ chức quốc tế.

Các đối tác đều bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là kinh tế thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn.

NGUỒN: VNEXPRESS