Saturday, 12th October, 2024 9:58

KHÔNG PHẢI DẠY CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CÁCH NGOẠI GIAO!

Không ít người Việt mong muốn Việt Nam gỡ bỏ tư tưởng trung lập hoặc các đoạn “văn mẫu” như “quan ngại sâu sắc”, “kêu gọi đàm phán hòa bình”… vì lo ngại Việt Nam sẽ bị Trung Quốc xâm lược trong tương lai mà không có quốc gia nào giúp đỡ. Tại sao cứ nhất định là phải ủng hộ một phe nào đó (hoặc Nga, hoặc Ukraine) thì mới là bảo vệ cho chủ quyền dân tộc?

Trong sách trắng Quốc phòng Việt Nam có ghi rõ “bốn không”, đó là:

1. Không tham gia liên minh quân sự; k

2. Không liên kết với nước này để chống nước kia;

3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;

4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tin đồn rằng Việt Nam sẽ cho các quốc gia lớn thuê đất để xây dựng các căn cứ quân sự. Như cho Nga thuê lại quân cảng Cam Ranh, cho Hoa Kỳ thuê Đà Nẵng và Quy Nhơn lập căn cứ quân sự hay Trung Quốc bỏ 50 tỷ đô la thuê lại Cam Ranh… Đối diện với luồng thông tin nhiễu loạn đó, phản ứng của Việt Nam bác bỏ một cách mạnh mẽ, tạo niềm tin cho khu vực và quốc tế về thái độ trung lập nhất quán của chúng ta.

Tính đến 01/2022, Việt Nam có tới 15 FTA với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức lớn từ khắp nơi trên thế giới. Việt Nam có một sự “cân bằng hoàn hảo” trong lĩnh vực hợp tác, phát triển kinh tế. Chúng ta có ACFTA với Trung Quốc thì cũng có AIFTA với Ấn Độ, có EVFTA với khối EU thì cũng có VN – EAEU FTA với khối Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan. Việt Nam tham gia VJEPA với Nhật Bản thì cũng có tham gia AKFTA, VKFTA với Hàn Quốc… Sau khi Vương Quốc Anh rời EU thì UKVFTA giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh cũng nhanh chóng có hiệu lực… Ngoài ra còn có các hiệp định với tư cách là thành viên ASEAN, CPTPP…

Chúng ta nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, lại xuất siêu nhiều sang Hoa Kỳ. Chúng ta hoạt động thăm dò dầu khí với Nga, nhưng cũng mua nhiều LNG (khí hóa lỏng) phục vụ nền công nghiệp sản xuất điện khí từ Hoa Kỳ nhằm tránh thâm hụt thương mại, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường…

Trước khi tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris và nhận 1 triệu liều vaccine, thì phía Trung Quốc và Việt Nam cũng gặp nhau và Trung Quốc đã hỗ trợ chúng ta khoảng 3 triệu liều vaccine vào thời điểm gặp mặt đó. Trong 2 ngày liên tiếp, chúng ta đều bày tỏ thiện chí trở thành người bạn tốt, người đối tác tốt với hai cường quốc cùng các cam kết tạo điều kiện đầu tư, kinh tế, ngoại giao tốt cho doanh nghiệp hai bên… Phó Tổng thống Hoa Kỳ có những lời nói không hay về Trung Quốc ngay tại Hà Nội, nhưng đó là phía Hoa Kỳ, còn chúng ta thì không.

Khi Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ tham gia Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng ta cũng không vì ngợp trước cái bóng của siêu cường, vẫn mạnh dạn phê phán chính sách cấm vận của Hoa Kỳ nhắm vào người bạn Cuba. Trước khi ghé qua New York thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hoàn tất chuyến thăm Cuba… Đúng với tinh thần: “Chúng tôi quan hệ máu thịt với Cuba. Ngoài tình cảm truyền thống giữa hai nước, Việt Nam còn muốn thế giới thấy chúng tôi không bao giờ bỏ bạn. Các ông có thể không thích, nhưng chắc các ông cũng mong có được những người bạn thủy chung như thế”.

Rõ ràng, có thể là hơi tự cao khi nói Việt Nam đang làm tốt hơn Ukraine trong quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị cả song phương và đa phương. Dĩ nhiên, Ukraine có thành công hay không thì điều đó lại phụ thuộc vào tương lai của họ, một tương lai rất xa và rất mịt mù… Còn Việt Nam, vẫn đang làm chủ vận mệnh của bản thân chúng ta, một vận mệnh độc lập, tự cường và tự quyết.

Trong những giờ phút khó khăn của lịch sử, chúng ta có nhiều người bạn giúp đỡ. Nhưng như đã nói, muốn người khác giúp đỡ, thì phải chứng minh cho họ thấy chúng ta xứng đáng. Không ai muốn phí thời gian cho những gì không xứng đáng cả.

Thay vì lên mạng lo ngại bị xâm lược và ngồi “vẽ đường cho Chính phủ” – mà cái “đường” nhiều người vẽ lại là một con đường dở hơi. Thì hãy dành thời gian để lao động, học tập, hãy trở thành những người dân văn minh, tự khắc đất nước sẽ hùng cường. Khi đất nước đã hùng cường về nhiều mặt, há gì sợ quân xâm lược?

NGUỒN: TIFOSI