Sunday, 13th October, 2024 7:22

Trong bản phúc trình về tự do tôn giáo được đưa ra gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục đưa thông tin sai lệch tình hình tôn giáo của Việt Nam. Trong đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: “Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng; chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo, thường bắt giữ những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ phụng, trong đó có những nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền; nhiều tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận…”.

Nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo chống đối chính quyền

Lợi dụng những ràng buộc về giáo lý, giáo luật cũng như các vấn đề liên quan đến thần quyền, nhiều đối tượng xấu đã tiến hành khống chế tín đồ, tuyên truyền, rao giảng các thông tin sai lệch về tình hình đất nước, từ đó kích động người dân đấu tranh chống đối với chính quyền. Thẳng thắn đánh giá, tôn giáo là một mũi nhọn trong chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thể lực thù địch.

Thông qua con đường tôn giáo, các thế lực thù địch, chống đối với Việt Nam một mặt tập trung lực lượng trong nước, hình thành nên các tổ chức chính trị đối lập núp dưới bóng tổ chức tôn giáo; mặt khác, các đối tượng xuyên tạc, bôi nhọ, làm sai lệch tình hình tôn giáo của Việt Nam, vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm quy định pháp luật quốc tế.

NHẬN DIỆN SỰ THẬT NHỮNG "BẢN PHÚC TRÌNH" VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Hiện nay, việc lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền, xâm hại an ninh quốc gia của Việt Nam được các thế lực thù địch, phản động thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, các phương thức chính thường được sử dụng gồm:

Thứ nhất, các đối tượng thù địch, chống đối thường đưa ra các báo cáo, phúc trình có nội dung sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Thời gian qua, một số cơ quan, tổ chức như Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, Nghị viện châu Âu, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI)… đã đưa ra nhiều phúc trình có nội dung sai lệch về tình hình Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 29-4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra bản phúc trình về tự do tôn giáo. Khi nói về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra các nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện, không đúng sự thật.

Và vẫn như thường lệ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch như nêu trên. Qua việc nghiên cứu các bản phúc trình, báo cáo về tình hình tôn giáo ở Việt Nam của các tổ chức trên, không khó để chúng ta nhận thấy sự kỳ thị, thù địch của những người soạn thảo. Đặc biệt, nhiều nội dung trong đó vu khống, bóp méo vấn đề tôn giáo của nước ta.

Suy cho cùng, đằng sau ngọn cờ tôn giáo vẫn là các mưu đồ về chính trị. Tôn giáo đã bị biến thành công cụ, phương tiện, thậm chí, nó còn được coi là một “đòn hiểm” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Với Việt Nam, các thế lực chống đối luôn tìm mọi cách để tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của nhà nước, từ đó dễ dàng khống chế và sử dụng tôn giáo vào mục đích chống phá.

Thực tế cho thấy, việc Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều quốc gia phương tây thường xuyên tiến hành các cuộc điều trần về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cũng như xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “không có tự do tôn giáo” cũng chỉ để tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của ta, từ đó làm thay đổi bản chất của chế độ, đưa Việt Nam đi vào sự lệ thuộc.

Thứ hai, lợi dụng vỏ bọc tôn giáo, các đối tượng mưu đồ hình thành các tổ chức chính trị đối lập.

Dưới bóng tổ chức tôn giáo, các đối tượng thù địch âm mưu tiến hành thành lập, xây dựng lực lượng, hình thành nên tổ chức chống đối. Đây là một con đường đang được kẻ địch triệt để lợi dụng. Tôn giáo được lấy ra làm cái cớ để tập hợp, thu hút mọi người tham gia. Đồng thời, vỏ bọc tôn giáo cũng như một tấm bùa “hộ mệnh” cho các tổ chức này. Âm mưu của các tổ chức phản động dưới vỏ bọc tôn giáo có thể thấy đang diễn biến phức tạp.

Thông qua sự quản lý, điều hành của các đối tượng chống đối, một số cơ sở tôn giáo nếu không quản lý tốt sẽ bị biến thành nơi để các đối tượng hội họp, bàn luận, chỉ đạo các hoạt động chống phá, rao giảng những luận điệu sai trái.

Mặt khác, thông qua vỏ bọc tôn giáo, các đối tượng muốn “hợp pháp hoá” hoạt động của mình. Khi cơ quan chức năng phát hiện bản chất phía sau và không công nhận hoạt động, các đối tượng lại tiếp tục rêu rao, vu khống Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền, không có tự do tôn giáo”.

Thứ ba, tiến hành tuyên truyền, xuyên tạc các vấn đề sai lệch về tình hình đất nước.

Trong hàng ngũ chức sắc tôn giáo ở Việt Nam, bên cạnh đa số đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thì có những cá nhân “nuôi” cái nhìn sai lệch về chế độ, thậm chí mang trong mình tư tưởng thù địch, chống đối với chính quyền.

Thông qua các buổi rao giảng giáo lý, giáo luật, các đối tượng núp dưới vỏ bọc tôn giáo, lồng ghép các tư tưởng, thông tin sai lệch, xuyên tạc vấn đề, kích động các tín đồ chống đối với chính quyền, chia rẽ mối đoàn kết dân tộc. Lướt qua các trang truyền thông, không khó để bắt gặp các video giảng đạo có nội dung đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi ngược giáo lý, giáo luật.

Tôn giáo là hệ thống niềm tin của con người. Nó tác động đến nhận thức, suy nghĩ, cách nhìn nhận của con người. Chính vì vậy, việc lợi dụng tôn giáo để chống phá vô cùng nguy hiểm. Từ việc nhận thức sai lầm, sẽ có những hành động sai lệch, xâm hại đến tình hình an ninh, trật tự cũng như lợi ích của xã hội.

Bảo đảm an ninh tôn giáo

Trong thời kỳ chiến tranh, thực dân đế quốc tìm cách lợi dụng tuyên truyền tôn giáo vào các vùng dân cư của ta để ”ru ngủ” quần chúng cũng như phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Hiện nay, chiêu bài này tiếp tục được sử dụng với nhiều hình thức tinh vi để phá hoại sự ổn định của xã hội.

Trong mối quan hệ với an ninh quốc gia, tôn giáo giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Để giải quyết tốt các vấn đề liên quan, Đảng, Nhà nước ta đã quy định rõ vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong Hiến pháp và các luật liên quan. Đồng thời, xác định rõ giữa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với các hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật.

Để ngăn chặn hoạt động lợi dụng chống phá, ở cấp cơ sở, chúng ta phải quan tâm đến đời sống của bà con, nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Đặc biệt, phải tập trung phát hiện các đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống đối, nhanh chóng thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng để đưa ra xử lý trước pháp luật. Mặt khác, tiếp tục củng cố mối quan hệ với các tổ chức tôn giáo trên thế giới, vì sự phát triển lành mạnh, hài hoà giữa đời sống tôn giáo và các lợi ích quốc gia, công cộng.

NGUỒN: TINDOANKHANHHOA