Tuesday, 17th September, 2024 1:50

TÁC CHIẾN KHÔNG GIAN MẠNG - HÌNH THỨC TÁC CHIẾN MỚI BẢO VỆ TỔ QUỐC

Không gian mạng được coi là một phần lãnh thổ quốc gia, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin hiện nay thì việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết, cần được quán triệt, triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.

Tác chiến không gian mạng – loại hình tác chiến chiến lược mới

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các quốc gia có quyền kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ các hoạt động chống phá và tác chiến trên không gian mạng cả trong thời bình và khi xảy ra chiến tranh. Nhiều quốc gia trên thế giới coi tác chiến không gian mạng là loại hình tác chiến chủ yếu trong thế kỷ XXI, bộ phận quan trọng của tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Học thuyết An ninh thông tin của Nga (năm 2016) xác định: tác chiến thông tin là hoạt động bảo vệ lợi ích sống còn của cá nhân, tổ chức xã hội, nhà nước trước các mối đe dọa bên trong và bên ngoài liên quan tới sử dụng không gian mạng; ngăn chặn các hành động thù địch, xâm lược từ không gian mạng, đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Điều lệnh tác chiến mạng của Quân đội Mỹ chỉ rõ: tác chiến không gian mạng là một thành phần không thể tách rời của chiến tranh thông tin; các bên tham chiến sử dụng mạng internet, mạng máy tính dùng riêng, mạng viễn thông,… để thu thập, điều khiển, phá hoại mạng đối phương nhằm giành được các mục tiêu thông qua không gian mạng. Trung Quốc coi tác chiến không gian mạng là phương tiện chủ yếu nhằm kiểm soát không gian mạng của đối phương, bảo vệ không gian mạng của mình; là hoạt động đối kháng máy tính, gồm các hoạt động giám sát, bảo vệ và tiến công mạng; đồng thời, kết hợp với khả năng chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, tình báo, trinh sát, giám sát (C4ISR) truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến liên hợp. Từ các quan niệm trên cho thấy, khái niệm tác chiến không gian mạng được tiếp cận ở nhiều góc độ, tùy thuộc vào quan điểm, chiến lược, học thuyết quân sự của từng nước và tiếp tục phát triển, hoàn thiện cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Đối với nước ta, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng khẳng định: Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong Nghị định số 98/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng Tác chiến không gian mạng đã xác định: “Tác chiến không gian mạng là hoạt động đánh địch có tổ chức của lực lượng Tác chiến không gian mạng trên không gian mạng nằm trong thế trận chiến tranh nhân dân nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo đó, tác chiến không gian mạng được tiến hành cả trong thời bình và thời chiến. Trong thời bình, đấu tranh trên không gian mạng nhằm bảo vệ an toàn hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng, hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; bảo vệ an toàn, an ninh thông tin, bí mật, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động sử dụng không gian mạng thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ và sẵn sàng đối phó với các tình huống. Trong thời chiến, tác chiến không gian mạng không chỉ phá hủy hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin, hoạt động chỉ huy, điều khiển tác chiến mà còn tác động vào trạng thái tâm lý của đối phương; phối hợp, phát huy hiệu quả các hệ thống, phương tiện chỉ huy bộ đội, điều khiển vũ khí,… giành ưu thế trên chiến trường, chi viện cho tác chiến trên các chiến trường, môi trường tác chiến khác, thậm chí còn quyết định tiến trình chiến tranh. Như vậy, có thể khẳng định, tác chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là loại hình tác chiến chiến lược mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những vấn đề cơ bản về tác chiến chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Đặc điểm cơ bản của tác chiến không gian mạng là diễn ra trong môi trường mang tính đặc thù cao, nên cần được quán triệt, hiểu rõ về nó một cách cơ bản, tổng thể trên tất cả các mặt, yếu tố, nội dung liên quan; từ đó, đề ra các nội dung, giải pháp cơ bản, nhất là nghệ thuật tác chiến cho loại hình tác chiến này phù hợp với từng đối tượng, mục tiêu, thủ đoạn tác chiến cụ thể, v.v. Thực hiện điều đó, trước hết, chúng ta cần hiểu, thống nhất những vấn đề cơ bản và chung nhất sau:

Về đối tượng, môi trường, đặc điểm tác chiến. Các thế lực thù địch, phần tử phản động, bất mãn chế độ, cơ hội chính trị,… ở trong nước và ngoài nước, lực lượng tác chiến không gian mạng của địch sử dụng không gian mạng để chống phá, phá hoại, đánh phá các hoạt động về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh,… của ta cả trong thời bình và thời chiến đều được xác định là đối tượng tác chiến trong chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Hoạt động tác chiến đó được diễn ra trong môi trường tác chiến thông tin, bao gồm cơ sở hạ tầng thông tin và các hoạt động xã hội trên không gian mạng. Mặc dù, không gian mạng là môi trường tác chiến vừa mang tính hữu hình, vừa vô hình; vừa có giới hạn, vừa không có giới hạn; vừa thực, vừa ảo, song đây được coi là một trong những chiến trường quan trọng, nơi các quốc gia luôn củng cố, gia tăng sức mạnh, cạnh tranh sự ảnh hưởng. Hoạt động tác chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có đặc điểm chung của chiến tranh thông tin, như: khó nhận diện, đánh giá, dự báo; không giới hạn về không gian, thời gian; lực lượng tác chiến đa dạng, phức tạp; tính tri thức cao; sát thương mềm là chủ yếu với hiệu suất cao. Ngoài ra, có đặc điểm riêng đó là: mọi hoạt động (chiến thuật, kỹ thuật) đều gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông; đánh hiểm vào các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, quân sự, quốc phòng, hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều khiển của đối phương và tác chiến hết sức linh hoạt.

Về mục tiêu, nhiệm vụ tác chiến trên không gian mạng. Mục tiêu chung là bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng; lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ độc lập, tự do, chế độ xã hội và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Mục tiêu bảo vệ cụ thể là hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng, an ninh, thông tin chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, hệ thống điều khiển vũ khí; các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia, như: viễn thông, giao thông, điện lực, ngân hàng, hàng không,… và hệ thống thông tin của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể trong tác chiến mạng, thông tin mạng, trong các tình huống cụ thể để xác định mục tiêu nào là chủ yếu, quan trọng.

Tác chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; nghiên cứu, tìm hiểu các phương thức tác chiến, cách đánh,… của đối tượng đấu tranh, tác chiến không gian mạng trên tất cả các môi trường tác chiến (không, bộ, biển, vũ trụ và không gian mạng). Trực tiếp chiến đấu trên không gian mạng, bảo vệ các hệ thống trinh sát, giám sát, thông tin chỉ huy, điều khiển vũ khí, hỏa lực của Quân đội. Chủ trì các hoạt động tiến công, phòng thủ, xây dựng thế trận trên không gian mạng, phối hợp với các lực lượng bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đồng thời, giám sát, phát hiện, đánh giá, phân loại thông tin, cảnh báo sớm các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật; nhận định xu hướng thông tin, chủ động, tăng cường định hướng thông tin tích cực, đẩy lùi, pha loãng, hạ thấp tỷ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng. Tổ chức bảo đảm công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, chỉ huy, điều hành, điều khiển vũ khí của các cơ quan, đơn vị.

Về nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, phương pháp tác chiến. Để tác chiến trên không gian mạng đạt hiệu quả cao, cần tuân thủ nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo “chủ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ, trí tuệ, sáng tạo” và hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tác chiến. Về phương pháp tác chiến chung là dựa vào thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành thế trận đấu tranh, tác chiến trên không gian mạng vững chắc, liên hoàn, bí mật. Chọn đúng hướng, khu vực, hệ thống thông tin, kênh, máy chủ, mục tiêu chủ yếu trong đấu tranh và tác chiến mạng. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tác chiến, hình thức đấu tranh trong trinh sát, phòng thủ, tiến công trên không gian mạng, kết hợp giữa tác chiến và đấu tranh trong các loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch, trận chiến đấu; thực hiện tốt các biện pháp đấu tranh chống âm mưu, hoạt động phá hoại, bạo loạn chính trị, vũ trang, lật đổ, ly khai,… ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn tác chiến, phá hoại trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Về lực lượng, sử dụng lực lượng tác chiến trên không gian mạng. Lực lượng tác chiến không gian mạng là lực lượng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; trong đó, hiện nay lấy lực lượng của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, lực lượng tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng làm nòng cốt, kết hợp với lực lượng tác chiến không gian mạng, công nghệ thông tin quân sự, dân sự. Lực lượng tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng gồm có lực lượng tác chiến không gian mạng cấp chiến lược, chiến dịch; lực lượng công nghệ thông tin các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội.

Việc bố trí, sử dụng lực lượng tác chiến không gian mạng phải hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể, từng tình huống, trận chiến đấu, chiến dịch và giai đoạn tác chiến trong thời bình, thời chiến; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên trách với lực lượng kiêm nhiệm, rộng rãi, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành thống nhất theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tập trung sử dụng lực lượng hợp lý, đúng khả năng, thế mạnh, sở trường tác chiến trên từng hướng, khu vực, từng mạng, từ xa đến gần, rộng khắp trên cả hệ thống thông tin, kênh, máy chủ, bảo đảm đúng thời điểm, thời cơ với hiệu suất cao trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Cùng với sự ra đời, phát triển của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã làm xuất hiện các hình thái chiến tranh trên không gian mạng, như: chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng máy tính,… thì tác chiến không gian mạng là loại hình tác chiến chiến lược mới, cần được quán triệt sâu sắc, nghiên cứu thấu đáo để từng bước phát triển, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

NGUỒN: THIẾU TƯỚNG LÊ DŨNG