Thursday, 12th December, 2024 3:12

TẠI SAO SỰ THỐNG TRỊ CỦA ĐỒNG USD ĐANG SUY GIẢM Ở TRUNG ĐÔNG?

Iraq vừa cấm các giao dịch bằng USD, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) có kế hoạch bán dầu mà không sử dụng đồng USD và đang hướng tới thiết lập một loại tiền tệ hoàn toàn mới để thay thế. Để biết lý do tại sao, trước tiên hãy nhìn vào cuộc xung đột ở Ukraina.

Theo tờ Deutsche Welle (Đức), bất cứ ai ở Iraq muốn mua một chiếc xe ô tô hoặc một căn nhà trong tuần này đều gặp phải một cú sốc. Hôm 14/5, chính phủ Iraq tuyên bố cấm thực hiện các giao dịch cá nhân hoặc kinh doanh bằng đồng USD.

Những người Iraq thường mua những món hàng đắt tiền hoặc nhiều bằng USD. Do đồng dinar của họ liên tục mất giá, họ sẽ cần vài túi lớn chứa đầy tiền giấy dinar để mua ô tô hoặc nhà. Vì vậy, họ thường sử dụng USD để thay thế.

Trong nhiều thập kỷ, đồng USD là loại tiền tệ giá trị nhất ở Trung Đông, nhưng điều đó có thể đang bắt đầu thay đổi. Trong vài tháng qua, các chính trị gia cấp cao ở một số quốc gia Trung Đông đã đưa ra những tuyên bố cho thấy sự thống trị của đồng USD trong khu vực có thể suy giảm.

Tại Iraq, các nhà chức trách Mỹ đã gây khó khăn hơn cho việc đưa USD vào nước này – họ rõ ràng lo lắng rằng quá nhiều tiền mặt của Mỹ sẽ được chuyển lậu sang Chính phủ Iran láng giềng, vốn đang bị trừng phạt, nhưng được nhiều chính trị gia Iraq ngầm ủng hộ. Sự thiếu hụt USD này đã dẫn đến sự biến động về giá trị của đồng dinar của Iraq.

Sự biến động trên cũng đã dẫn đến lệnh cấm vào cuối tuần trước. Đầu năm nay, cũng một phần do cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, Iraq cho biết họ sẽ giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD.

Các quốc gia Trung Đông tìm kiếm giải pháp thay thế

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia cho biết nước này “sẵn sàng” bán dầu bằng các loại tiền tệ khác nhau, bao gồm cả đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. UAE cho biết họ sẽ giao dịch với Ấn Độ bằng đồng rupee của Ấn Độ. Năm ngoái, Ai Cập đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu – nhằm giúp chính phủ huy động tiền – bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Ngoài ra, một số quốc gia Trung Đông – Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Algeria và Bahrain – cho biết họ muốn tham gia khối địa chính trị được gọi là BRICS, hiện gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nga đã thông báo tại một cuộc họp rằng vào tháng 6 sắp tới, BRICS sẽ thảo luận về việc thiết lập một loại tiền tệ mới cho thương mại xuyên biên giới giữa các thành viên.

Kể từ năm 2021, UAE cũng là một phần của dự án thí điểm các khoản thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới có thể bỏ qua đồng USD, do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ điều hành. Những bên tham gia khác của dự án này là Thái Lan, Hồng Kông và Trung Quốc.

Những lựa chọn thay thế cho đồng USD này đã dẫn đến việc xuất hiện một loạt các tiêu đề đáng báo động gần đây. “Liệu sự thống trị của đồng USD có bị đe dọa?”, tờ New York Times (Mỹ) đặt câu hỏi vào tháng 2 năm nay. “Hãy chuẩn bị cho một thế giới tiền tệ đa cực”, tờ Financial Times (Anh) cảnh báo vào tháng 3 trong khi Bloomberg đã bình luận vào cuối tháng trước rằng: “Việc phi USD hóa đang diễn ra với tốc độ ‘đáng kinh ngạc’”.

Theo Bloomberg, USD hiện chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối chính thức trên toàn cầu, giảm so với 73% vào năm 2001. Vào cuối những năm 1970, tỷ lệ này là 85%.

Bị thúc đẩy bởi xung đột ở Ukraina

Các chuyên gia mà Deutsche Welle đã phỏng vấn đều đồng ý rằng có thể có hai lý do chính khiến người Trung Đông ngày càng sử dụng các loại tiền tệ khác. Đầu tiên là vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraina.

Daniel McDowell, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse ở New York cho rằng các biện pháp trừng phạt là một phần nguyên nhân rất quan trọng, lập luận rằng “Mỹ càng sử dụng đồng USD như một vũ khí trong chính sách đối ngoại, thì các đối thủ sẽ càng có xu hướng sử dụng các loại tiền tệ khác trong các hoạt động kinh tế quốc tế”.

“Hiện tại, có rất nhiều đồng tiền của Nga được giao dịch các nước ở Trung Đông và châu Á. Về cơ bản, đó là những quốc gia đã chọn không tuân thủ hoặc không thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc EU”, Hasan Alhasan, nhà nghiên cứu về chính sách Trung Đông của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, lưu ý.

Nhưng nếu các biện pháp trừng phạt đối với Nga được tăng cường hơn nữa, biến chúng thành cái được gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thì những quốc gia đó sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ trừng phạt các bên thứ ba – các quốc gia hoặc doanh nghiệp – có liên hệ với thực thể bị trừng phạt.

Giáo sư McDowell giải thích: “Vì vậy, các nước lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang ngày càng suy nghĩ về cách họ có thể đi trước đón đầu, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng hoặc chưa quan tâm đến việc thực hiện một sự thay đổi triệt để về quá trình phi USD hóa”.

Đe dọa kinh doanh dầu mỏ

Về phần mình, chuyên gia Alhasan đưa ra lý do thứ hai tại sao một số quốc gia Trung Đông có thể muốn rời xa đồng USD. Ông lập luận : “Tôi nghĩ có cảm giác rằng Mỹ đang tìm cách viết lại các quy tắc của thị trường dầu mỏ toàn cầu – nhằm nhắm vào lợi ích của Nga – và điều đó gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Saudi Arabia”.

Vào tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nói rằng nếu bất kỳ quốc gia nào tìm cách áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của Saudi Arabia, giống như cách đã làm với Nga, họ sẽ không giao dịch với nước đó nữa. Một ngày sau, Bộ trưởng Năng lượng Algeria, lo ngại về một tiền lệ nguy hiểm, đã lặp lại tuyên bố đó.

Maria Demertzis, Giáo sư về chính sách kinh tế tại Viện Đại học châu Âu ở Florence, Italia và là thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn kinh tế, cho rằng đây là lý do tại sao xu hướng tránh xa đồng USD có vẻ sẽ tiếp tục chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn còn.

Ngoài ra, theo chuyên gia Alhasan, việc Mỹ và EU đóng băng tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương Nga đã khiến các nước Trung Đông lo ngại về Mỹ và EU “vũ khí hóa” chưa từng có đối với thương mại và tài chính quốc tế, trong bối cảnh xung đột ở Ukraina. Đó là những lý do tại sao các quốc gia ở Trung Đông “đang chuẩn bị cho một thế giới đa cực hơn, nơi họ sẽ muốn có vị trí tốt nhất để hành động cả bên trong và bên ngoài các khu vực bị USD hóa”.

NGUỒN: BÁO TIN TỨC / DW