Saturday, 12th October, 2024 8:58

THÀNH CÔNG TRÊN 'MẶT TRẬN' NĂNG LƯỢNG NGA CÓ THẺ UNG DUNG ĐẾN BAO GIỜ?

Sáu tháng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga sa lầy vào một chiến dịch tiêu hao, tuy nhiên, quốc gia này lại thành công trên một “mặt trận” khác – nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng đang kiên cường hơn mong đợi.

TS. Andrey Nechaev, Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga vào đầu những năm 1990 cho biết: “Tôi lái xe qua Moscow và tình trạng tắc đường vẫn xảy ra như trước đây”.

Việc Trung Quốc và Ấn Độ sẵn sàng mua dầu Nga với giá chiết khấu đã giúp nền kinh tế nước này trụ vững. Nhưng ông Nechaev và các nhà phân tích khác cho rằng, nền kinh tế Nga đã bắt đầu suy giảm và có khả năng phải đối mặt với đợt trì trệ kéo dài do hậu quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nước Nga không có nhiều thay đổi

Nhìn bề ngoài, nước Nga không có nhiều thay đổi. McDonalds hiện được thay thế bởi Vkusno i tochka và các quán cà phê Starbucks mở cửa trở lại dưới thương hiệu Stars Coffee.

Làn sóng trừng phạt của phương Tây nhắm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng quan trọng của Nga và hệ thống tài chính của nước này, cùng với sự di cư của các doanh nghiệp đã tác động đến Moscow nhưng không theo cách mà nhiều người mong đợi.

Đồng Ruble đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD vào đầu năm nay, sau khi phương Tây đóng băng khoảng một nửa trong số 600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga. Tuy nhiên, Ruble đã nhanh chóng tăng trở lại và trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới.

Chính phủ Nga đã “tung” ra các biện pháp kiểm soát vốn tích cực và tăng lãi suất vào mùa Xuân. Lãi suất hiện đã thấp hơn so với trước chiến dịch quân sự đặc biệt.

Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nga cho biết, lạm phát từng đạt đỉnh gần 18% vào tháng 4 đang chậm lại và sẽ ở mức 12-15% trong cả năm.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã điều chỉnh tăng dự báo GDP của nước này trong năm nay và hiện dự kiến ​​sẽ giảm 4-6%, thấp hơn mức dự đoán suy giảm 8-10% trong tháng 4.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự đoán, kinh tế Moscow sẽ giảm 6% trong năm 2022.

Chris Weafer, đối tác sáng lập của Macro Advisory Ltd, một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp đa quốc gia ở Nga và Âu-Á nhận định, có một lý do khiến những người yêu thích McDonalds và Starbucks của Nga vẫn có thể thưởng thức những món ăn, đồ uống của hai thương hiệu này.

Kể từ năm 2014, nhiều thương hiệu phương Tây ở Nga đã phải chịu áp lực của chính phủ và nội địa hóa một phần hoặc tất cả các chuỗi cung ứng. Vì vậy, khi các thương hiệu này rời đi, người tiêu dùng Nga có thể tiếp tục vận hành bằng cách thay đổi tên gọi.

Tuy nhiên, các thương hiệu này không phải không gặp khó khăn. McDonald’s đã báo cáo tình trạng thiếu khoai tây chiên vào giữa tháng 7, khi nguồn cung trong nước không đủ phục vụ nhu cầu Nga và các quốc gia khác không thể “lấp đầy khoảng trống” do các lệnh trừng phạt.

Bùng nổ năng lượng

Kinh tế Nga phụ thuộc vào lĩnh vực năng lượng. Cho đến nay, đây vẫn là nguồn thu lớn nhất của chính phủ.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, doanh thu của Nga từ việc bán dầu và khí đốt cho châu Âu đã tăng gấp đôi từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay so với mức trung bình của những năm gần đây, dù khối lượng giảm.

Dữ liệu của IEA cho thấy, việc cung cấp khí đốt đến châu Âu đã giảm khoảng 75% trong 12 tháng qua.

Xuất khẩu dầu Nga cũng tăng vọt những tháng qua.

Theo dự đoán hồi tháng 3 của IEA, 3 triệu thùng dầu/ngày của Nga sẽ được tung ra thị trường từ tháng 4. Bất chấp lệnh cấm dầu, xuất khẩu dầu Nga vẫn tăng đều đặn. Nguyên nhân chính bởi Moscow đã tìm thấy người mua mới ở châu Á.

Theo ông Houmayoun Falakshali từ công ty tư vấn hàng hóa Kpler, hầu hết xuất khẩu dầu theo đường biển của Nga đã đến châu Á kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra.

Theo dữ liệu của Kpler, dầu thô Ural của Moscow được giảm giá mạnh đến 40%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu thô Ural của Nga theo đường biển. Nga cũng đang tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua một đường ống ở Siberia.

Cũng trong khoảng thời gian trên, nhập khẩu đường biển của Ấn Độ từ Nga tăng hơn 1.700% so với cùng kỳ.

Điều gì xảy ra khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với 90% lượng dầu của Nga có hiệu lực vào tháng 12?

CNN ước tính, khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày của Nga sẽ ở trong tình trạng “lấp lửng”. Các chuyên gia cho rằng, có khả năng một phần trong số sẽ đến châu Á. Tuy nhiên, liệu nhu cầu của khu vực này có đủ cao để hấp thụ hết lượng dầu đó hay không?

Ông Falakshali nói rằng, Trung Quốc không thể mua nhiều dầu của Nga hơn hiện tại, vì nhu cầu trong nước giảm và quốc gia này cũng không cần nhiều loại dầu mà Moscow đang xuất khẩu.

Không chỉ thế, giá cả cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc liệu Nga có đủ khả năng tiếp tục giảm giá thu hút khách hàng mới.

Sự suy giảm kinh tế đã bắt đầu

Giống như phần còn lại của châu Âu, người dân Nga đang phải chịu một cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt.

Cựu Bộ trưởng Nechaev nói rằng: “Về mức sống, nếu đo lường nó bằng thu nhập thực tế, Nga đã đi lùi khoảng 10 năm. Chính phủ Nga đang chi tiêu để cố gắng chống lại điều này. Vào tháng 5, Điện Kremlin thông báo sẽ tăng lương hưu và lương tối thiểu lên 10%”.

Bên cạnh đó, Moscow chi 17 tỷ Ruble (tương đương 280 triệu USD) để mua trái phiếu của các hãng hàng không Nga, hiện đang bị tê liệt bởi các lệnh cấm của phương Tây.

Theo TS. Nechaev, các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ có thể có tác động sâu sắc nhất đến triển vọng kinh tế dài hạn của Nga. Vào tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho hay, xuất khẩu chất bán dẫn toàn cầu sang Nga đã giảm 90% kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.

Theo các chuyên gia, điều đó đang làm tê liệt ngành sản xuất của Moscow, từ ô tô đến máy tính. Lệnh trừng phạt này sẽ khiến Nga tụt hậu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Ông Weafer nói: “Tác động của các lệnh trừng phạt sẽ là một ‘vết bỏng’ khó lành với kinh tế Nga”.

Còn TS. Nechaev thì khẳng định: “Ngay bây giờ, sự suy giảm kinh tế đã bắt đầu”.

 

NGUỒN: THẾ GIỚI & VIỆT NAM