Wednesday, 6th November, 2024 7:47

VIỆT NAM CÓ NÊN GIA NHẬP KHỐI BRICS HAY KHÔNG?Trong vòng 20 năm tới, quy mô kinh tế tính theo GDP của các nước BRICS đều sẽ vượt qua các nước G7 (Anh, Đức, Pháp, Italia, Mỹ, Nhật Bản và Canada). Trong đó, quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, còn của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2041.

Vì sao BRICS cần sự mở rộng có kiểm soát?

Ngày 30/5/2023, cuộc họp thường niên của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do các nước BRICS thành lập đã chính thức khai mạc tại Thượng Hải. “Mục tiêu cho tương lai là rõ ràng đối với chúng ta. Chúng ta phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình và củng cố vai trò của ngân hàng như một nền tảng hợp tác,” – người đứng đầu mới của ngân hàng, cựu tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho biết tại buổi lễ.

Gần như đồng thời, hai quốc gia, rất khác nhau về sức nặng kinh tế, đã quyết định xích lại gần BRICS. Ả Rập Saudi đã bắt đầu đàm phán để gia nhập Ngân hàng BRICS. Còn Venezuela đang muốn trở thành thành viên đầy đủ của khối này. Hội đồng Liên bang Nga thậm chí còn cảnh báo BRICS không được “mở rộng không kiểm soát”, nếu không sẽ khó đạt được sự đồng thuận trong tổ chức này. Nỗi sợ hãi như vậy có hợp lý hay không?

BRICS là một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi (Emerging economies). Năm nước nhóm BRICS có dân số là 42% dân số thế giới, với GDP khoảng 15 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu, và có khoảng 4 nghìn tỷ USD trong dự trữ ngoại tệ. Về kinh tế thì Trung Quốc là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất. GDP của Trung Quốc lớn gấp 28 lần Nam Phi, lớn hơn gấp 4 lần Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên, Nga lại là quốc gia có chỉ số GDP bình quân đầu người cao nhất khối BRICS, Về quân sự thì Nga là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất. Về ngoại giao thì cả Nga và Trung Quốc đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Đó là một tổ chức đa phương nhưng cũng đa chức năng. Có nghĩa là nó bao gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội. Vì thế, tính đồng thuận của tổ chức này cao hơn nhiều so với tính đồng thuận của các tổ chức quốc tế lỏng léo khác vốn áp dụng nguyên tắc dân chủ đa số. Tuy nhiên, sự gắn kết trong khối BRICS bị chi phối bởi hệ thống chính trị khác nhau. Trung Quốc theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Nga và Brazil theo mô hình Cộng hòa tổng thống. Ấn Độ và Nam Phi theo mô hình Cộng hòa đại nghị. Trừ Trung Quốc và Nga tương đối ổn định về chế độ chính trị. Ba quốc gia còn lại thường có các xáo trộn chính trị do sự tranh chấp giữa các đảng phái trong nước”, – Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cũng lưu ý, do nằm ở 3 châu lục khác nhau cũng như các khu vực khác nhau nên mỗi quốc gia đều có những lợi ích riêng. Do đó, khi đưa ra những quyết sách của toàn khối thì khó tránh khỏi những mâu thuẫn và va chạm về lợi ích. Trừ Trung Quốc, các nước còn lại đều có tiềm lực kinh tế sàn sàn như nhau.

“Để giải quyết những mâu thuẫn này cần có “người cầm chịch”. Nhưng tiêu chí của BRICS lại là “đồng thuận” nên khó có thể có sự gắn kết tuyệt đối. Không chỉ BRICS mà EU cũng có hiện tượng này”, – Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn của Sputnik.

“BRICS là một diễn đàn hơn là một liên minh, lợi ích khá rời rạc. Điểm chung nhất của họ có lẽ chỉ là họ muốn tránh khỏi sự áp đặt của Mỹ và đồng USD”, – TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.

Hơn nữa, BRICS còn chưa có một hiến chương, một văn kiện chặt chẽ như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), trong khi hai quốc gia là “vua dầu mỏ” đều đề nghị gia nhập, trong đó có Ả Rập Saudi đứng đầu OPEC và là đối tác chiến lược của Nga nên Hội đồng Liên bang Nga mới có sự lo ngại nhất định khi mở rộng BRICS.

“Nhưng những lo ngại đó chỉ là vấn đề trước mắt khi các nước BRICS chưa ký kết được với nhau một văn kiện có tính chất hiến chương của khối. Về lâu dài, việc này sẽ được tiến hành bởi nhu cầu liên kết giữa các nền kinh tế được dự báo sẽ phát triển nhanh trong khoảng 20 năm tới”, – Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của Cơ quan phân tích quốc tế Goldman Sachs, nếu không biến động lớn thì chưa tới 30 năm nữa, các nước BRICS sẽ là những thế lực kinh tế rất lớn thế giới. Chỉ trong vòng 20 năm tới, quy mô kinh tế tính theo GDP của các nước BRICS sẽ vượt qua các nước G7 (Anh, Đức, Pháp, Italia, Mỹ, Nhật Bản và Canada). Trong đó, quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032, còn của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2041. Đến năm 2040, tổng GDP của 5 quốc gia BRICS cộng lại sẽ ngang bằng với tổng GDP của G7, và đến năm 2050 sẽ lớn cấp 1,5 lần G7. Theo đó, đến giữa thế kỷ 21, 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Nga.

“Cảnh báo của Hội đồng Liên bang Nga hoàn toàn không phải là không mở rộng BRICS mà vấn đề chỉ là mở rộng có kiểm soát. Điều này có hai lý do. Thứ nhất là không để các quốc gia “đầu tàu” trong khối BRICS trở thành những “con bò sữa”. Thứ hai là tránh những sự lục đục nội bộ do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế và chính trị như đã từng xảy ra tại các khối Liên đoàn Arab (AL), Liên minh Châu Phi (AU), Liên minh Mỹ Latinh (LU) hay những lục đục trong nội bộ EU hiện nay”, -. Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.

Việt Nam có thể gia nhập BRICS hay không? Hay trước mắt là gia nhập ngân hàng BRICS?

Trả lời câu hỏi trên của phóng viên Sputnik, nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm lưu ý: Việt Nam hiện đang tham gia tới hơn 90 hiệp định thương mại (FTA) song phương, 17 Hiệp định tự do thương mại đa phương, là thành viên của các tổ chức kinh tế lớn như WTO, CPTPP, RCEP…, có Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU, là đối tác chiến lược của EAEU.v.v… Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đặt quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế.

Việt Nam chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại khu vực và thế giới, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), WTO, APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)… Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác, đối thoại chiến lược và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Vì Việt Nam không chọn phe nhưng lại có quan hệ với nhiều bên nên các mối quan hệ này đã đem lại nhiều lợi ích rất lớn. Năm 2021, tổng trị giá xuất – nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 454,58 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 225,2 tỷ USD (tăng 19,8%), tương ứng tăng 37,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020; tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 229,38 tỷ USD (tăng 32,2%). Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD), đồng thời là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.

“Tôi cho rằng, Việt Nam chắc sẽ không tham gia BRICS. Về chính trị thì chưa thấy có lợi ích rõ ràng. Và về kinh tế cũng vậy, hiện tại cũng chưa rõ. Việt Nam không gia nhập khối BRICS để giữ thế trung lập, để không bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp”, – TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.

“Nếu Việt Nam đặt quan hệ với BRICS thì trước mắt cũng chỉ giới hạn ở mức đối tác và cũng chỉ giới hạn ở các quan hệ kinh tế, trong đó việc gia nhập Ngân hàng BRICS là một khả năng. Nhưng đó là các sự kiện thuộc “thì tương lai”, – Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng, trong thì “tương lai” ấy, sự phục hồi và phát triển các thị trường quốc gia của khối BRICS là một trong những điều mà Việt Nam quan tâm nhất. Bởi không chỉ trong năm 2023 mà còn có thể trong những năm tiếp theo, sự phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU còn khá bấp bênh và thị trường Trung Quốc cũng phục hồi chậm. Một số thị trường tiêu thụ hàng hóa khác của Việt Nam có thể hồi phục sớm hơn nhưng giá trị kim ngạch trao đổi thương mại không cao. Vì vậy, thị trường của các nước BRICS có thể trở thành một thị trường tiềm năng và là một trong các khả năng lực chọn của Việt Nam. Tuy nhiên, đề cập đến việc đó trong thời điểm hiện tại cũng vẫn là quá sớm.

Gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS mang lại gì cho Việt Nam?

Một số chuyên gia có nói tới khả năng Việt Nam có thể gia nhập ngân hàng của BRICS trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là: Nếu gia nhập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS thì điều này mang lại lợi gì, hại gì cho Việt Nam?

Nền kinh tế Việt Nam là một trong các nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới. Và lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ. Ở cấp Nhà nước, Việt Nam đang là đối tác lớn của Ngân hàng thế giới (World Bank – WB). Ở cấp doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại và cổ phần của Việt Nam hiện là đối tác của “Overseas Chinese Banking Corporation Limited” (OCBC), Deutsche Bank (DB), Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Mizuho Bank, Aozora Bank, Tokyo Mitsubishi (UFJ), Commonwealth Bank of Australia (CBA), UOB (Singapore), Woori Bank (Hàn Quốc),v.v… Do các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây mà nhiều ngân hàng Nga bị đẩy ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với đối tác Ngân hàng Trung ương của Nga, mặc dù lượng kim ngạch trao đổi bị hạn chế do chỉ sử dụng đồng nội tệ.

“NDB là ngân hàng phát triển hoạt động theo mô típ của Ngân hàng Thế giới (WB). Các nước BRICS muốn tránh khỏi sự áp đặt của Mỹ và đồng USD. Vì vậy, NDB sẽ cố gắng sử dụng tiền các nước BRICS hơn là USD. Mặc dù vậy hiện nay vốn điều lệ NDB vẫn nêu bằng USD. Nếu dùng USD đó sẽ là hạn chế lớn. Tương lai của NDB chưa rõ lắm và tiềm lực còn yếu, hiện vốn chỉ có 50 tỷ USD mà thôi. Tôi nhận định, Việt Nam hiện tại chắc sẽ không tham gia NDB”, – TS Hoàng Giang đưa ra đánh giá trong trả lời phỏng vấn của Sputnik.

Tuy nhiên, cũng có cái nhìn khả quan hơn về khả năng tham gia vào NDB của Việt Nam.

“Việc đặt quan hệ đối tác với Ngân hàng BRICS sẽ là “cánh cửa để khôi phục quan hệ tài chính tiền tệ giữa Việt Nam và Nga cũng như tăng cường quan hệ tài chính tiền tệ với các quốc gia khác trong khối BRICS. Trở ngại duy nhất hiện nay là Việt Nam có quan hệ kinh tế với Mỹ và EU chặt chẽ hơn quan hệ với các nước trong khối BRICS nên việc sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế vẫn là một trong các lựa chọn không thể khác. Do đó, việc tham gia Ngân hàng NDB của BRICS nếu diễn ra cũng không đem lại thiệt hại gì cho Việt Nam. Chỉ có một số trở ngại cần giải quyết ổn thỏa mà thôi”, – nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm đưa ra đánh giá

NGUỒN: SPUTNIK