Friday, 11th October, 2024 22:57

Thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ ngày 14/6 cho biết¸ nhóm tác chiến của Hải quân Mỹ do tàu sân bay Ronald Reagan dẫn đầu tiến vào Biển Đông.

“Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan hoạt động ở Biển Đông lần đầu tiên trong quá trình triển khai hoạt động năm 2021”, Thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ viết.

Nhóm này bao gồm Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN-76 (đồng thời là tàu chỉ huy), lực lượng đặc nhiệm hải đội hộ tống gồm Tàu tuần dương USS Ticonderoga CG-47, Tàu tuần dương USS Shiloh CG-67 và Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Halsey DDG-97 lớp Arleigh Burke.

Các chuyến hải hành của các nhóm tàu sân bay Mỹ có những tác dụng gì?© CC BY 2.0 / Official U.S. Navy Page / Class Jason Ta / USS Ronald Reagan (CVN 76)

Mục đích thực sự của động thái trên của Mỹ là gì? Theo chuyên gia về những vấn đề chính trị và quân sự quốc tế của Việt Nam Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, Từ đầu thế kỷ XXI đến nay và có thể còn kéo dài trong những năm tiếp theo, Biển Đông không chỉ trở thành nơi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển của các nước trong vùng mà còn trở thành nơi đối đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đứng hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Mỹ có căn cứ Yokosuka là căn cứ hải quân lớn nhất ở Nhật Bản, đồng thời cũng là “cảng nhà” của các nhóm tàu sân bay Mỹ luân phiên trực chiến ở Tây Thái Bình Dương. Đây là lần thứ 2 trong năm 2021, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ thực hiện chuyến tuần tra ở Biển Đông. Hồi tháng 4-2021, Mỹ cũng đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đến Biển Đông. Trước đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cùng khu trục hạm USS Bunker Hill (CG-52) đã có chuyến thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Các chuyến hải hành của các nhóm tàu sân bay Mỹ có những tác dụng gì?USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. © AP Photo / South Korea Defense Ministry

Mục đích trước mắt của Mỹ trong việc điều động nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) với sự hộ tống của các tuần dương hạm USS Ticonderoga (CG-47) và USS Shiloh (CG-67) cùng khu trục hạm mang tên lửa hành trình USS Halsey DDG-97 lớp Arleigh Burke là để cảnh báo, răn đe Trung Quốc về sự có mặt của hải quân Mỹ ở Biển Đông như một động thái bảo đảm an toàn hàng hải sau khi Hải quân Trung Quốc (NPLA) tiến hành một loạt các cuộc tập trên bắn đạn thật ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông cũng như ở một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Mục đích sâu xa của Mỹ cũng giống như những cuộc tuần tra với lực lượng hùng hậu trước đây là để thể hiện vai trò duy trì hòa bình trên khu vực Biển Đông; đồng thời thể hiện bằng hành động thực tế các cam kết hỗ trợ phòng thủ của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các chuyến hải hành của các nhóm tàu sân bay Mỹ có những tác dụng gì?Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76). © AFP 2021 / Anthony Wallace

Về những động thái này có kìm hãm được Trung Quốc không? Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, Trong một chừng mực nhất định, các động thái tuần ra biển bằng một hạm đội tàu sân bay hùng hậu như nhóm tác chiến USS Ronald Reagan hay các nhóm tàu sân bay khác của Mỹ có thể là những cảnh báo được gửi đến Bắc Kinh để ngăn ngừa nước này không nên có những hành động thái quá ở Biển Đông, có thể dẫn đến những leo thang căng thẳng trong khu vực. Nhưng mặt khác, Mỹ cũng không hề che giấu mục đích muốn “dằn mặt” Trung Quốc bằng sức mạnh của mình.

Tuy nhiên, người Mỹ cũng biết cách kiềm chế, không để xảy ra những vụ va chạm hoặc nếu có thì cũng khoanh nó lại, không để những sự cố bùng nổ thành xung đột không kiểm soát.

Nhìn chung thì những chuyến tuần tra Biển Đông của các các nhóm tàu sân bay Mỹ chỉ có thể đem lại những kết quả rất hạn chế và không vượt ra ngoài mục tiêu bảo vệ an toàn hàng hải và hàng không quốc tế ở Biển Đông. Còn phía Trung Quốc thì vẫn cứ tiếp tục bồi đắp, xây dựng trên các đảo đá chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Những tác dụng hạn chế của các chuyến hải hành của các nhóm tàu sân bay Mỹ cho thấy các quốc gia ven Biển Đông cần dựa vào sức mạnh của khối ASEAN và đặc biệt quan trọng là phải dựa vào sức lực của chính mình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982) chứ không thể dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.